Lượng mưa lớn, kéo dài nhiều ngày cùng với việc các hồ đập lớn xả lũ đã khiến cho nhiều địa phương ở Nghệ An và Hà Tĩnh ngập nặng.
Tại Hà Tĩnh, sáng nay (30/10), do ảnh hưởng của bão số 9 kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên từ ngày 29 - 30/10, trên địa bàn Hà Tĩnh có mưa rất to, nhiều khu vực bị ngập nặng, giao thông đi lại khó khăn, nhiều gia đình phải sơ tán do nước lũ đang lên nhanh.
Tại huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), một trận lốc xoáy quét qua thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà vào rạng sáng cùng ngày đã làm 29 ngôi nhà của người dân bị tốc mái, nhiều gia đình thiệt hại nặng.
Mưa lớn cũng đã gây sạt lở đất tại núi Quang Sơn thuộc địa bàn thôn 1, xã Cẩm Quang ( huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Vết sạt lở có chiều dài hơn 20m, nằm sát vách nhà dân.
Tại thôn 1, xã Cẩm Quang hiện có 10 hộ gia đình với 38 nhân khẩu sống xung quanh. Để đảm bảo an toàn cho người dân khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã huy lực lượng, phương tiện kịp thời di dời các hộ dân này.
Ngoài ra, tại thôn 1 và thôn 6, xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) hiện cũng xuất hiện thêm nhiều vết sạt lở mới trên nền vết sạt lở cũ trong đợt mưa lũ trước đó.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, huyện Cẩm Xuyên đang thực hiện sơ tán 1.462 hộ/4.386 người dân vùng nguy hiểm, trong đó: 70 hộ/212 người dân xã Cẩm Quang; 2 hộ/4 người dân thị trấn Cẩm Xuyên; 180 hộ dân/540 người dân xã Cẩm Vịnh; 180 hộ/540 người dân xã Cẩm Thạch; 450 hộ/1.350 người dân xã Cẩm Duệ; 65 hộ/195 người dân xã Cẩm Bình; 200 hộ/600 người dân xã Cẩm Mỹ; 315 hộ/945 người dân xã Cẩm Thành.
Việc sơ tán dân sẽ hoàn thành trước 15h chiều nay (30/10).
Tại huyện Can Lộc, mưa lớn đã khiến cho mực nước ở đập Cơn Bạng (xã Thượng Lộc) dâng cao, đã có gần 100m đê của đập bị nước tràn qua và có nguy cơ gây ngập cho thôn Vĩnh Xuân.
Trước tình hình đó vào đêm 29/10, UBND huyện Can Lộc, xã Thượng Lộc đã huy động lực lượng để đắp bờ bao, ngăn không cho nước tràn qua đê, tránh nguy cơ vỡ đập. Huyện cũng đã điều động 2 máy đào đắp, đất đá, cọc tre, hơn 800 bao bì để đắp tuyến đê đập Bạng, kịp thời xử lý ở những nơi xung yếu.
Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Diệu – Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết: “Do ngày hôm qua (29/10) mưa lớn kéo dài nên đến tầm tối nước bắt đầu đổ dồn về đã khiến tràn một số điểm của bờ đê của đập Cơn Bạng. Nên xã và huyện phải huy động cả Công an, Quân sự hơn 300 người và gần 100 người dân tham gia công tác phòng chống, bên cạnh đó xã đã huy động một số phương tiện máy móc để phục vụ cho công tác bảo vệ đê”.
Đến sáng nay 30/10, nước vẫn tiếp tục dâng cao, ngập băng qua đường QL1A đoạn qua thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc). Đường vào UBND huyện Can Lộc đã ngập sâu, khiến cho việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
TP Hà Tĩnh trong sáng nay nhiều tuyến đường đã ngập sâu như: Xô viết Nghệ Tĩnh, Lê Duẩn, Phan Đình Phùng, Lý Tự Trọng, Nguyễn Xí… Các phương tiện khó lưu thông qua khu vực này. Chính quyền đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở một số tuyến đường bị ngập và giúp người dân di dời đồ đạc đến nơi an toàn.
Tại Nghệ An, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 nên từ ngày 28 - 30/10, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có mưa lớn kéo dài. Cùng với việc 4 nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ, các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An như: H.Quỳ Hợp, H.Con Cuông, H.Thanh Chương, H.Đô Lương, H.Nam Đàn, H.Hưng Nguyên, TP.Vinh… bị ngập nặng.
Sáng 30/10, Nghệ An có rất nhiều huyện bị ngập nặng, có nơi nước ngập cao hơn nửa nhà. Huyện miền núi Kỳ Sơn đã xảy ra sạt lở nhiều điểm, lực lượng chức năng phải sơ tán 36 hộ dân với 156 nhân khẩu ở bản Nam Tiến 2 đến nơi trú ẩn an toàn.
Nhiều công trình giao thông như cầu cống, đường sá bị ngập sâu, sạt lở gây chia cắt. Điển hình như đường Hồ Chí Minh, đoạn đi qua xã Khai Sơn (H.Anh Sơn) bị ngập sâu khiến giao thông bị ùn tắc. Quốc lộ 7 (đoạn qua H.Kỳ Sơn), Quốc lộ 46 (đoạn đi qua H.Thanh Chương) bị sạt lở nghiêm trọng, chia cắt.
Ông Trình Văn Nhã – Chủ tịch UBND H.Thanh Chương cho biết, mưa lớn, nước sông Lam dâng lên rất nhanh khiến nhiều xã bị ngập sâu. Hiện chính quyền địa phương đã huy động lực lượng đến những vùng xung yếu để sơ tán người dân và tài sản. Ngay từ tối 29/10, toàn huyện đã di dời được hơn 800 hộ dân trong vùng ngập lụt đến nơi cao ráo an toàn.
Cũng theo ông Nhã, ngay từ tối 29/10, tại khu vực rú (đồi) Nguộc thuộc địa phận xã Ngọc Sơn đã xay ra sạt lở, chính quyền địa phương đã phải sơ tán người dân tại xóm 3 ở xã này đi nơi khác trú ẩn.
Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Chương, mưa lũ đã khiến 2 người ở xã Thanh An đi xe máy về nhà bị nước cuốn mất tích và 2 người bị thương.
Tại H.Hưng Nguyên, lực lượng chức năng cũng đã phải sơ tán gần 40 hộ dân ở khu vực ngập lụt, có nguy cơ sạt lở đi nơi khác tránh trú.
Sáng 30/10, nhiều tuyến đường tại TP.Vinh đã bị ngập sâu trong nước, các phương tiện xe cộ không thể di chuyển qua lại. Người dân nơi đây tất bật kê đồ đạc, tài sản lên cao.
Rạng sáng cùng ngày, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Nghệ An nhận được thông tin, tại khu vực khối 13 phường Bến Thuỷ (TP.Vinh) bị ngập sâu, có nhiều hộ dân bị mắc kẹt trong nhà khi mực nước đang dâng cao rất nhanh.
Ngay lập tức, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã điều động 15 cán bộ chiến sĩ, 2 xe cứu nạn, cứu hộ và 2 xuồng máy đến di chuyển người dân và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm, đến khu vực an toàn.