Khi các trận cháy rừng quét qua Địa Trung Hải, đường sá cong vênh ở Texas và sóng nhiệt ở Trung Quốc, mùa hè năm 2023 không chỉ là mùa hè có nhiệt độ cao kỷ lục mà còn là mùa nóng nhất trong khoảng 2.000 năm, một nghiên cứu mới đây cho biết.
Các nhà khoa học châu Âu đã xác định rằng, khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 năm ngoái là thời kỳ nóng nhất, vượt qua mọi lục kể từ năm 1940 - dấu hiệu rõ ràng về việc biến đổi khí hậu gây ra.
Nhưng cái nóng mùa hè năm 2023 ở Bắc bán cầu cũng làm lu mờ các kỷ lục trước đó và trong khoảng thời gian dài hơn nhiều, một nghiên cứu trên tạp chí Nature ngày 14/5 cho biết.
Đồng tác giả nghiên cứu, Jan Esper, một nhà nghiên cứu khí hậu tại Đại học Johannes Gutenberg ở Đức, cho biết: “Khi xem xét lịch sử ghi chép lâu dài về khí hậu, bạn có thể thấy sự nóng lên toàn cầu gần đây nghiêm trọng đến mức nào”.
Các nhà khoa học đã sử dụng hồ sơ trạm khí tượng có niên đại từ giữa những năm 1800 kết hợp với các vòng cây từ hàng nghìn cây trên 9 địa điểm ở Bắc bán cầu để lập biểu đồ nhiệt độ hàng năm trong quá khứ.
Họ nhận thấy mùa hè năm ngoái ấm hơn 2,2 độ C so với nhiệt độ trung bình ước tính trong những năm từ 1 đến 1890, dựa trên các tính toán về vòng cây này.
Trước đó, vào tháng 1/2024, các nhà khoa học thuộc Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh Châu Âu cho biết, năm 2023 “rất có thể” là năm ấm nhất trong 100.000 năm qua.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Esper và một nhóm các nhà khoa học châu Âu đã bác bỏ những tuyên bố đó. Họ lập luận rằng, các phương pháp khoa học nhằm thu thập thông tin khí hậu trong quá khứ từ các nguồn như trầm tích hồ, biển và đầm lầy than bùn, không cho phép đưa ra những so sánh theo từng năm về sự khắc nghiệt của nhiệt độ trong một khoảng thời gian dài như vậy.
Esper cho biết, sự nóng lên vì lượng khí thải nhà kính ngày càng tăng do đốt nhiên liệu hóa thạch đã bị hiện tượng El Nino làm trầm trọng hơn vào mùa hè năm ngoái, bởi El Nino thường dẫn đến nhiệt độ toàn cầu ấm hơn.