Phóng sự - Ghi chép

Một tấc bản đồ, vạn tấc quê hương

Trung Thành 01/02/2025 08:00

Nếu nhìn trên bản đồ, biên giới chỉ là những đường ngắt khúc, nhưng “một tấc bản đồ, vạn tấc quê hương”, để Tổ quốc có hình hài như hôm nay, cha ông ta đã đổ không biết bao mồ hôi và xương máu.

Giờ đi dọc biên thùy, dù có đến bất cứ vùng đất nào thì người ta cũng được nghe rất nhiều truyền thuyết, huyền tích hay những trang sử về chống quân xâm lược, giữ gìn bờ cõi của tiền nhân.

anh-bai-mot-tac-bien-thuy-van-tac-que-huong-3.jpg
Đồng bào Bình Liêu cùng Bộ đội Biên phòng tuần tra biên giới.

Những người anh hùng U Ní

Trong bảng định danh tộc người, người Hà Nhì ở vùng biên giới Bát Xát, Lào Cai được xếp vào nhóm Hà Nhì đen. Song khi trò chuyện với khách thượng sơn, họ chỉ nhận mình là người U Ní bởi một lý do rất đáng tự hào gắn liền với huyền thoại về những người anh hùng bảo vệ biên giới và câu chuyện về cây mộc miên (cây gạo) hoa đỏ.

Theo các nghiên cứu dân tộc học, tổ tiên người Hà Nhì trước đây sống miền Nam Trung Quốc trên Cao nguyên Thanh Tạng và là một trong những dân tộc đã thiết lập nên vương quốc Nam Chiếu hùng mạnh ở phía Tây Nam Trung Quốc.

Vào thế kỷ XIII, khi quân Nguyên Mông của hoàng đế Hốt Tất Liệt xâm chiếm miền Nam Trung Hoa, các sắc tộc tại quốc gia này đã nảy sinh nhiều xung đột, người Hà Nhì và một số dân tộc ít người khác dạt xuống vùng núi phía Bắc Việt Nam.

Đó là chính sử, còn dã sử của những người dân hiền lành dưới chân Nhìu Cồ San lại ghi một câu chuyện khác. Ngày xưa, vùng đất địa đầu của người U Ní thường bị kẻ thù lẻn sang xâm lấn đất đai. Chúng thường lợi dụng lúc nửa đêm để nhổ cột mốc cắm vào sâu trong địa phận của người U Ní.

Cụ Chu Khởi Thềnh, người được xem là “thủ lĩnh tinh thần” của người Hà Nhì đen ở Bát Xát, kể rằng: “Ngày đó, để chống lại bọn giặc cướp đất, những thanh niên người U Ní đã đặt lời nguyền, nếu chiến đấu hy sinh, sẽ biến thành những cột mốc biên giới mà quân thù không thể nhổ đi được. Trời thấu tỏ lòng người, đã cho các vị thần gieo trên đất biên giới của chúng tôi những cây gạo. Từ đó, nắng lửa hay tuyết dày, cứ lập xuân là hoa gạo nở đỏ rực rỡ như máu người U Ní yêu nước dọc đường biên”.

Cụ Thềnh còn quả quyết rằng, mỗi khi quân thù có ý định xâm lấn bờ cõi của người U Ní, những bông gạo lại rơi và cháy sáng, khiến quân thù tưởng đó là linh hồn của những người lính U Ní hiển linh nên vội vàng tháo chạy, nhờ đó mà người U Ní thoát khỏi chiến tranh.

Chưa cần biết độ xác tín của việc những bông gạo rơi khiến kẻ thù khiếp sợ đến đâu, nhưng chỉ nhìn ánh mắt rạng rỡ, đầy tin tưởng của bậc kỳ lão Chu Khởi Thềnh nơi vùng đất sương mù này đã thấy ấm lòng và thêm tin vào niềm tin đầy tính nhân văn của người dân nơi đây.

Và cũng không biết tại sao, ở vùng đất có độ cao đến hàng nghìn mét so với mực nước biển, thời tiết khốc liệt như Y Tý mà những cây gạo vẫn sừng sững khắp dọc dài biên giới, hàng ngàn búp lửa vẫn rực rỡ cháy lên vào mỗi tháng 3, bất chấp sương rừng gió núi. Nhìn sức sống dẻo dai, mãnh liệt của cây không khỏi khiến người ta liên tưởng đến ý chí quật cường, lòng dạ kiên trung của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống dọc miền biên ải.

Không cúi đầu trước quân thù

Giống như những người anh em đồng tộc của mình, người Hà Nhì ở Mường Nhé (Điện Biên) và Mường Tè (Lai Châu) – vùng đất cuối trời Tây Bắc - cũng có vô vàn những câu chuyện, huyền tích về chống ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Tiêu biểu nhất phải kể đến truyện thơ “Phuỳ ca Na ca”, hay còn được gọi là Xa Nhà Ca. Đây có thể xem như là một sử thi đúng nghĩa.

Ông Pờ Dần Sinh, người được xem là một trong những “Thủ lĩnh tinh thần” của người Hà Nhì ở xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã được nghe các cụ đọc cho nghe “Phuỳ ca Na ca”, trong đó có rất nhiều trường đoạn kể về sự chiến đấu dũng mãnh của người Hà Nhì chống lại quân xâm lược. Và nó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đó như là một lời khẳng định về quyết tâm giữ đất của người Hà Nhì”.

Hình ảnh một bản Hà Nhì với hệ thống phòng thủ rất nghiêm ngặt như một làng chiến đấu được gợi tả trong những câu thơ: “Có hàng rào đan bằng dây thép/Bao bọc bảo vệ khắp xung quanh/Bản ở giữa cũng bao hàng rào thép/Bảy mươi đôi cọc cắm đều nhau. Chúa tể rừng xanh con voi to đuôi ngắn/Tổ tiên ta thuần phục được nó về/Để giữ ranh giới Hà Nhì – Hán/Trấn thủ dòng Ha Sa nước lớn/Là con rồng lặn dưới đáy sông sâu”.

Cùng với đó là thái độ kiên quyết không nương tay với những kẻ có âm mưu xâm lược đất đai của người Hà Nhì: “Nếu một ngày trâu ngựa bước chân sang/Sẽ đánh cho chết ngay lập tức/Cho phân mốc xương mục ngay tức khắc/Đánh cho chân ngựa chổng lên trời/Đánh cho ruột ngựa phơi ra đất…”.

Nói về tinh thần quật cường của người Hà Nhì, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lý Khờ Pớ (Ka Lăng, Mường Tè) cũng chia sẻ, từ nhỏ, mẹ vẫn hay được cha mình kể cho nghe một truyền thuyết về vùng đất quê mình.

Truyền thuyết ấy kể rằng, xa xưa có một con voi đã đi qua vùng này, thấy đồi núi nhấp nhô nhưng khí hậu mát lành thì dừng lại đằm mình trong một vũng nước. Khi nó đứng dậy bỏ đi thì vũng nước đằm trở thành một khu ruộng trũng phì nhiêu, nuôi lớn cây lúa cây đậu trở thành nguồn sinh tồn cho người Hà Nhì sinh sống trong vùng.

Và người Hà Nhì ở Ka Lăng cũng luôn tự hào về vùng đất được kết tinh nguyên khí ấy đã dung dưỡng cho dân tộc này những người đàn ông gan dạ, đàn bà đảm đang. Đồng bào nơi đây còn có câu nói truyền lại qua nhiều thế hệ, rằng dân tộc Hà Nhì chỉ biết cúi đầu bái lạy tổ tiên chứ chưa bao giờ chịu cúi đầu khuất phục kẻ thù.

Sự giác ngộ cách mạng của đồng bào dân tộc Hà Nhì ở Ka Lăng, Mường Tè, trong đó có gia đình mẹ Lý Khờ Pớ có một phần nguyên nhân là do vùng đất heo hút này một thời bị thực dân Pháp biến thành chốn lưu đầy, quản thúc các nhà chính trị cộng sản.

Thế nhưng, dù thực dân, phong kiến có xuống tay đàn áp thế nào thì ngọn lửa yêu nước của người Hà Nhì nói riêng và các dân tộc thiểu số khác ở Mường Tè nói chung cũng không bao giờ tắt. Và có một điều hết sức quan trọng là ngọn lửa ấy vẫn được các sơn dân nơi cực Tây của Tổ quốc thắp sáng cho đến tận ngày nay.

Tiếp bước cha ông

Đâu chỉ có người U Ní, Hà Nhì, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Liêu (Quảng Ninh) cũng luôn tự hào về truyền thống đánh giặc, gìn giữ biên cương của tổ tiên mình. Hàng bao năm nay, chuyện giữ đất ở vùng biên ải này có thể coi là một khúc ca bi tráng về lớp lớp thế hệ con dân đất Việt.

Tương truyền từ xa xưa, có một vị vua hiền đã ban chiếu đặt một hòn đá có khắc niên hiệu đặt lên đỉnh Cao Ba Lanh. Chiếu dụ viết rằng, hòn đá được phải được đặt trên đỉnh núi cao nhất để đánh dấu bờ cõi nước Nam bắt đầu từ đó.

Lệnh triều đình về đến Châu, rồi xuống các Lộ để quan binh theo đó mà cắt cử các suất đinh mang hòn đá lên đỉnh núi. Đã có bao người đi rồi nằm lại nơi sơn lam chướng khí, nhưng hòn đá đã được đặt trên đỉnh cao 1500m so với mặt nước biển hàng trăm năm có lẻ.

Từ bấy giờ, người dân đi rừng dù là săn con thú hay tìm cây thuốc trên núi đều căn cứ vào tảng đá để không phạm sang đất ngoại bang. Thế mới thấy, đường biên giới trong lòng dân còn vững chắc hơn bất cứ loại vật liệu, ranh giới hữu hình nào.

Nhiều người già ở Pác Khương cũng kể lại rằng, đã có không biết bao nhiêu lính Biên phòng và thanh niên trai tráng người dân tộc đã đổ máu khi làm nhiệm vụ giữ gìn hòn đá thiêng này. Mỗi khi chủ quyền Tổ quốc bị xâm phạm, tất tật thanh niên trai tráng, ông già bà cả đều bám bản, ở lại làm dân công tình nguyện khuân vác, vận chuyển vũ khí lên điểm cao cho bộ đội.

Thậm chí, để ngăn không cho đối phương phá hoại, một thanh niên đã ôm chặt cột mốc và bị địch trói vào cột suốt 3 ngày đêm ròng rã. Sợ hãi trước sự gan dạ, dũng cảm của anh, và cũng không hiểu nổi vì sao con người này lại chịu chết vì một cột đá đã bị thiên nhiên xâm thực, rêu phong đổ mốc, quân địch đành lui bước…

Trưởng bản Pác Khương Chìu Dầu Thống, kể rằng, thời loạn lạc, dân bản tứ tán khắp nơi, quanh năm chỉ biết có hai mùa: mùa no và mùa đói. Lối sống du canh du cư, đốt nương làm rẫy cứ kéo đời sống của đồng bào ngày một lâm vào cảnh khó khăn khốn đốn. Lợi dụng sự cả tin và thiếu hiểu biết của đồng bào, bọn người xấu đã tìm đến các bản để dụ dỗ, lôi kéo, vơ vét thóc gạo, tiền của rồi xúi giục đồng bào bỏ nhà cửa, nương rẫy để vượt sang bên kia biên giới.

Cuối những năm 80, khi tình hình biên giới đã tạm yên, đoàn thanh niên và cán bộ, chiến sỹ Biên phòng đứng chân trên địa bàn chủ động tham mưu, phối hợp với địa phương tổ chức rà phá bom mìn do chiến tranh để lại và vận động nhân dân thành lập các bản giáp biên, giúp bà con ổn định đời sống gắn liền với bảo vệ chủ quyền biên giới. Dần dần, nhiều gia đình chạy loạn nơi xa đã trở về quê hương bản quán, vỡ đất trồng cấy hoa màu, phát triển kinh tế...

Viết tiếp trang sử hào hùng mà cha ông để lại, giờ lớp lớp những người con quê hương Bình Liêu, Mường Tè, Bát Xát nói riêng, và trên mỗi mảnh đất biên thùy nói chung đã và đang dốc sức bảo vệ cương thổ quốc gia.

Chẳng thế mà suốt bao năm qua, trải nhiều biến cố nhưng hàng ngàn cột mốc không chỉ ở Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu mà trên toàn tuyến biên giới vẫn thi gan cùng tuế nguyệt, vững vàng khẳng định chủ quyền lãnh thổ.

Có thể đồng bào ở những nơi phên giậu vẫn còn khó khăn, song lúc nào họ cũng có thể tự hào vì truyền thống giữ đất, giữ nước ngàn đời của ông cha.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một tấc bản đồ, vạn tấc quê hương