Một số nội dung hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC

Hoàng Thị Song Mai| 30/11/2019 10:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nghị quyết 05 của Hội đồng thẩm phán TANDTC sẽ bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử đối với các tội danh tại các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự.

Nghị quyết 05 của Hội đồng thẩm phán TANDTC sẽ bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử đối với các tội danh tại các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và của cả cơ quan BHXH. Trong tuyến bài viết về vấn đề xử lý hình sự tội phạm lĩnh vực BHXH, Báo Công lý xin giới thiệu bài viết của bà Hoàng Thị Song Mai, Phó Trưởng phòng, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TANDTC.

Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được Quốc hội Khóa XIV sửa đổi, bổ sung theo Luật số 12/2017/QH14 ngày 20-6-2017 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 2015), đã bổ sung 03 tội danh là tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215); tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216).

Việc bổ sung này đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn còn có nhiều quy định định tính, chung chung và có cách hiểu khác nhau, cần có sự hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Bên cạnh đó, hiện nay các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN vẫn diễn biến phức tạp, các hình thức trục lợi quỹ BHXH của các cá nhân, đơn vị ngày càng tinh vi, khó phát hiện… Tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT xảy ra ở hầu hết các địa phương với mức độ ngày càng nhiều.

Để bảo đảm các quy định của BLHS năm 2015 được áp dụng trong thực tiễn và thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 41, nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, ngày 25/6/2019 Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã thông qua Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2019.

Trong phạm vi chuyên đề này, chúng tôi tập trung giới thiệu một số nội dung hướng dẫn về Điều 214, Điều 215 của Bộ luật Hình sự của Hội đồng Thẩm phán như sau:

1. Về một số thuật ngữ được sử dụng trong hướng dẫn áp dụng các điều 214, 215 của Bộ luật Hình sự, Điều 2 của Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn như sau:

Lập hồ sơ giả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 214 của Bộ luật Hình sự là hành vi lập hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong đó có giấy tờ, tài liệu giả (ví dụ: giấy tờ, tài liệu không có thật, không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc cấp không đúng quy định, không đúng thẩm quyền, không đúng thời hạn...) để thanh toán các chế độ: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất; trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng để duy trì việc làm cho người lao động và chế độ khác theo quy định của pháp luật”.

Theo hướng dẫn này, thì không phải tất cả các giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đều là giả mà chỉ cần những giấy tờ, tài liệu có yếu tố quyết định đến việc được thanh toán các chế độ bảo hiểm y tế là giả. Ví dụ như để hưởng chế độ thai sản, A không mang thai nhưng đã lừa dối Doanh nghiệp về mình có thai và đề nghị lập hồ sơ thanh toán chế độ thai sản. Trong hồ sơ đó các giấy tờ do Doanh nghiệp lập và Sổ bảo hiểm xã hội của A là thật, nhưng Giấy khai sinh con của A là giả để nhằm mục đích thanh toán tiền chế độ thai sản theo quy định.

Về hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu trong trường hợp này để chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đã xâm phạm vào 02 khách thể khác nhau được Bộ luật Hình sự bảo vệ (quy định tại Điều 214 và Điều 341 của Bộ luật Hình sự), nên nếu hành vi đó có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý hình sự cả về tội tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214) và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài tiệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341). (Nội dung này được hướng dẫn tại khoản 4 Điều 4 của Nghị quyết. Xem thêm tiểu mục 10 mục I Công văn số 212/TANDTC-PC, ngày 13/9/2019 về thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử).

Trường hợp nếu tài liệu, giấy tờ trong hồ sơ đề nghị thanh toán các chế độ bảo hiểm mà được cấp không đúng quy định, không đúng thẩm quyền, không đúng thời hạn thì Tòa án phải xem xét đến vai trò, trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp hoặc cấp không đúng thẩm quyền, không đúng thời hạn đối với các giấy tờ đó.

Đối với các hành vi lập hồ sơ bệnh án khống; Kê đơn thuốc khống; Kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh hướng dẫn tại các khoản 2, 3, 4 Điều 2 của Nghị quyết khi xem xét cần đánh giá có hay không vai trò của người tham gia bảo hiểm y tế trong việc chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế.

Chi phí khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 215 của Bộ luật Hình sự là các chi phí phát sinh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bao gồm chi phí tiền thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật và chi phí giường bệnh (ví dụ: tiền công khám, chi phí vận chuyển người bệnh…).

Chi phí phát sinh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh là các chi phí không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế. Ví dụ như thanh toán chi phí các loại thuốc tê, thuốc gây mê, vật tư y tế tiêu hao...sử dụng trong các dịch vụ kỹ thuật mà theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Tài chính thì các chi phí đó đã nằm trong cơ cấu giá của các dịch vụ kỹ thuật và không được thanh toán riêng; Thanh toán các thuốc, hóa chất, ngoài danh mục của Bộ Y tế, các dịch vụ kỹ thuật chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện tại cơ sở khám chữa bệnh đó;

Thanh toán các dịch vụ kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng ngoài phạm vi hoạt động ghi trên Giấy phép hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh, đồng thời người thực hiện dịch vụ kỹ thuật đó không đúng phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề của người đó .

Khi giải quyết trường hợp này cần xem xét trách nhiệm của bộ phận, người có thẩm quyền trong việc duyệt thanh quyết toán bảo hiểm y tế. Tùy từng trường hợp cụ thể mà xác định có hay không có đồng phạm. Trường hợp xác định không phải là đồng phạm nhưng gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm y tế từ 100.000.000đ trở lên thì xem xét trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 của BLHS. Trường hợp gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm y tế dưới 100.000.000đ, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm mà bị chưa xử phạt vi phạm hành chính thì phải kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Tiền chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế của người lập hồ sơ bệnh án trong trường hợp nêu trên được xác định là tiền gây thiệt hại của người có thẩm quyền trong việc duyệt thanh quyết toán bảo hiểm y tế.

Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế quy định tại điểm b khoản 1 Điều 215 của Bộ luật Hình sự là hành vi lập, sử dụng hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế của người khác để hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.

Trường hợp giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế được xác định (1) Hành vi lập, sử dụng hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế không do cơ quan có thẩm quyền cấp được hiểu là tài liệu giả. Do đó, khi giải quyết trường hợp này cần phải xem xét người thực hiện hành vi phạm 01 tội hay 02 tội như đã trình bày hướng dẫn áp dụng khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết nêu trên; (2) Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế của người khác là hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế do cơ quan có thẩm quyền cấp đúng quy định nhưng không đúng đối tượng sử dụng.

Thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống quy định tại điểm b khoản 1 Điều 215 của Bộ luật Hình sự là thẻ bảo hiểm y tế do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người không đóng hoặc không thuộc diện được các tổ chức, nguồn quỹ khác đóng bảo hiểm y tế theo quy định. Theo hướng dẫn này thì thẻ bảo hiểm do cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng cấp không đúng đối tượng. Do đó, khi giải quyết trường hợp này cần phải xem xét cả trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ bảo hiểm.

Thẻ bảo hiểm y tế giả quy định tại điểm b khoản 1 Điều 215 của Bộ luật Hình sự là thẻ bảo hiểm y tế không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Theo hướng dẫn này thì thẻ bảo hiểm không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Việc giải quyết trường hợp này tương tự như hướng dẫn tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết nêu trên.

Thiệt hại do hành vi phạm tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều 214 và Điều 215 của Bộ luật Hình sự gây ra không bao gồm số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bị chiếm đoạt. Theo hướng dẫn này, không cộng tổng số tiền thiệt hại với số tiền chiếm đoạt để xác định khung hình phạt đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Việc xác định khung hình phạt trong trường hợp này thực hiện như hướng dẫn tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết này.

2. Về một số tình tiết định khung hình phạt (Điều 3)

Có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm b khoản 2 các điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc phạm tội làm nguồn thu nhập.

Theo đó, hành vi phạm tội từ 05 lần trở lên được hiểu là (1) mỗi lần thực hiện hành vi phạm tội đều đủ yếu tố cấu thành tội phạm; (2) đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự; (3) chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích. Khoản thu lợi bất chính được xác định làm nguồn thu nhập mà không phải là nguồn thu nhập chính.

Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt quy định tại điểm đ khoản 2 các điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội sử dụng công nghệ cao, móc nối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước hoặc thủ đoạn gian dối, mánh khóe khác để tiêu hủy chứng cứ, che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.

Theo hướng dẫn này, thì thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt gồm (1) sử dụng công nghệ cao; (2) móc nối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước; (3) gian dối, mánh khóe khác để tiêu hủy chứng cứ, che giấu hành vi phạm tội.
Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước theo hướng dẫn trên không chỉ là công chức, người lao động đang làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan lao động thương binh và xã hội mà bao gồm người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước nói chung.

3. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể (Điều 4)

Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại các điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và trong các hành vi đó chưa có lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu tổng số tiền bảo hiểm của các lần bị chiếm đoạt bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng số tiền của các lần bị chiếm đoạt, nếu các hành vi được thực hiện liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian. Theo đó, trường hợp này được hiểu như sau:

Đối với hành vi phạm tội chiếm đoạt tiền bảo hiểm nhiều lần mà mỗi lần đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn các điều kiện (1) các hành vi này được thực hiện liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian; (2) chưa có hành vi nào bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; (3) tổng số tiền chiếm đoạt bằng hoặc trên mức tối thiểu bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp này, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự, nhưng tổng số tiền chiếm đoạt được xác định theo khung hình phạt tương ứng.

Ví dụ: A thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế 03 lần trong vòng 03 tháng, mỗi lần chiếm đoạt đều dưới 10 triệu, nhưng tổng số tiền chiếm đoạt là 25.000.000đ thì A bị truy cứu TNHS khoản 1 Điều 215 của BLHS.

Ví dụ: A thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế 12 lần trong vòng 05 tháng, mỗi lần chiếm đoạt đều dưới 10 triệu, nhưng tổng số tiền chiếm đoạt là 130.000.000đ thì A bị truy cứu TNHS theo điểm b khoản 2 Điều 215 của BLHS.

Đối với trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt tiền bảo hiểm nhiều lần mà có lần dưới mức tối thiểu, có lần trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự và cũng bảo đảm đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì họ bị truy tố theo khoản tương ứng với tổng số tiền này. Trường hợp này việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng hay tình tiết tăng nặng trách nhiệm đối với họ cũng khác nhau.

Ví dụ 1:  A thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế 02 lần trong đó lần thứ nhất chiếm đoạt 8.000.000đ, lần thứ hai chiếm đoạt 100.000.000đ, tổng số tiền chiếm đoạt là 108.000.000đ thì A bị truy cứu TNHS theo khoản 2 Điều 215 của BLHS và không bị áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS phạm tội 02 lần trở lên theo điểm g khoản 1 Điều 52 của BLHS.

Ví dụ 2: A thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế 03 lần trong đó lần thứ nhất chiếm đoạt 8.000.000đ, lần thứ hai chiếm đoạt 10.000.000đ, lần thứ ba chiếm đoạt 100.000.000đ, tổng số tiền chiếm đoạt là 118.000.000đ thì A bị truy cứu TNHS theo khoản 2 Điều 215 của BLHS và bị áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS phạm tội 02 lần trở lên theo điểm g khoản 1 Điều 52 của BLHS.

Đối với trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại các điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như hướng dẫn tại khoản 2 Điều 4 của Nghị quyết thì khi giải quyết cũng áp dụng tương tự như đã trình bày tại mục 3 vừa nêu trên. 

Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội vừa chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vừa gây thiệt hại mà số tiền bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại đều trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự được hướng dẫn tại khoản 3 Điều 4 Nghị quyết, khi áp dụng cần chú ý:

Hướng dẫn tại khoản 3 này được hiểu là hướng dẫn áp dụng khung hình phạt đối với một số trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, khi áp dụng hình phạt Tòa án phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội để quyết định hình phạt phù hợp.

Ví dụ: cả A, B đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 214 của Bộ luật Hình sự và có nhân thân tốt như nhau. Tuy nhiên, A chỉ chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội mà chưa gây thiệt hại, B vừa chiếm đoạt, vừa gây thiệt thì khi quyết định hình phạt giữa A và B không thể như nhau.

Chú ý: khi xử lý các trường hợp thực hiện hành vi phạm tội quy định tại Điều 214, Điều 215 của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP cần phải xác định “chiếm đoạt” ở đây được hiểu là người thực hiện hành vi phạm tội đã hoàn thành đầy đủ các hồ sơ, thủ tục nhận tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và (1) đã thanh toán được tiền từ quỹ bảo hiểm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định về tội phạm hoàn thành hoặc (2) nếu chưa thanh toán được tiền từ quỹ bảo hiểm do các yếu tố khách quan, ngoài ý muốn thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về phạm tội chưa đạt theo quy định tại  Điều 15 của Bộ luật Hình sự.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số nội dung hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC