Mới đây, hàng triệu người Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia các sự kiện để kỷ niệm 1 năm ngày xảy ra vụ đảo chính quân sự tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị của đất nước, đồng thời cũng tạo nên nhiều thách thức và cả cơ hội cho quốc gia này.
Theo BBC, ngày 15/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức một loạt các sự kiện để đánh dấu kỷ niệm một năm diễn ra cuộc đảo chính quân sự bất thành, mà hậu quả đã khiến ít nhất 260 thiệt mạng và 2.196 người bị thương.
Phát biểu tại một phiên họp đặc biệt của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Binali Yildirim cho rằng, ý nghĩa của việc đập tan cuộc binh biến ngày 15/7/2016 giống như chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành độc lập những năm 1920, để thành lập nên nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại.
Trước đó, vào ngày15/7/2016, một nhóm tướng lĩnh tại Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan. Lực lượng làm đảo chính đã sử dụng cả xe tăng, trực thăng và máy bay chiến đấu cho cuộc binh biến, song đã thất bại.
Thủ tướng Yildirim nhận định, cái ngày đen tối ấy đã biến thành ngày tươi sáng nhất của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ khi người dân đã đi vào huyền thoại với hình ảnh những vị anh hùng chiến thắng những kẻ muốn cướp quyền và gây tội ác.
Vào ngày 15/7 năm nay, biển người trong cờ hoa đã tụ tập tại Istanbul và lắng nghe bài phát biểu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khẳng định về cuộc chiến đánh bại bất cứ âm mưu khủng bố, cũng như thế lực đứng đằng sau.
Các hoạt động tuần hành tương tự cũng diễn ra tại nhiều thành phố khác trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng tổ chức một phiên họp đặc biệt để kỷ niệm sự kiện. Giới chức nước này đã áp đặt nhiều biện pháp an ninh nghiêm ngặt để bảo đảm an ninh cho sự kiện cùng nhiều máy bay trực thăng cảnh sát tuần tra ở các khu vực.
Biển người trong cờ hoa đã tụ tập tại Istanbul và lắng nghe bài phát biểu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan
Theo các chuyên gia nhận định, một năm sau cuộc đảo chính bất thành, chúng ta đã được chứng kiến những chuyển biến tích cực tại Thổ Nhĩ Kỳ, đó là vai trò ngày càng tăng trong giải quyết các vấn đề quốc tế, phần nào lấy lại hình ảnh của đất nước. Đó là sự đóng góp của Thổ Nhĩ Kỳ trong tiến trình đàm phán hòa bình Syria hay trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Trong khi đó, sau thời gian đầu căng thẳng, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh cũng đang dần được cải thiện. Các quan chức Mỹ thời gian gần đây đã liên tục có những tuyên bố nhằm xoa dịu đồng minh quan trọng này. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ mới đây cũng đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ và nhân dân nước này.
Còn với Đức, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hồi tuần trước cũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Đức Merkel bên lề Hội nghị cấp cao nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20). Dù diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước căng thẳng thời gian vừa qua, song hai nhà lãnh đạo cũng đã có những động thái cho thấy thiện chí hòa giải.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ lại mang đến sự bất lợi không chỉ cho người dân trong nước mà còn với cả Mỹ và phương tây.
Theo BBC, trong một năm sau khi đập tan cuộc binh biến, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải hơn 150.000 viên chức thuộc nhiều lĩnh vực trên khắp đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, với lý do bị tình nghi ủng hộ lực lượng đảo chính. Cùng với đó, cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt và giam giữ hơn 50.000 người bị cho là liên quan đến cuộc đảo chính và chống đối chính quyền.
Thậm chí, ngày 14/7 vừa qua, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải tới 7.395 viên chức chỉ trong một ngày, với cáo buộc liên quan đến lực lượng làm đảo chính và các nhóm khủng bố. Sau cuộc binh biến bất thành, tại Thổ Nhĩ Kỳ gần như tất cả những nguyên tắc nền tảng của tự do, dân chủ truyền thống phương Tây đã bị vô hiệu hóa. Một nền chuyên chính đã chi phối mọi sinh hoạt trong đời sống chính trị tại quốc gia này.
Ngoài việc bắt bớ và thanh trừng, chính quyền của Tổng thống Erdogan còn được cho là đã và đang thực hiện những nguyên tắc phi dân chủ, thậm chí phản dân chủ trong quản lý xã hội và điều hành đất nước.
Ngày 15/7, phát biểu trước những người ủng hộ tập trung tại cây cầu bắc qua eo biển Bophorus, nơi diễn ra những trận chiến dữ dội nhất vào đêm xảy ra cuộc đảo chính, Tổng thống Erdogan khẳng định sẽ phê chuẩn nếu Quốc hội thông qua bất kỳ dự luật nào về việc khôi phục án tử hình, đồng thời ông Erdogan cũng nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ chặt đầu tất cả những kẻ phản trắc".
Nhiều nhà bình luận cho rằng, Tổng thống Erdogan đang lợi dụng các cuộc thanh trừng sau đảo chính để trấn áp những người bất đồng chính kiến, phục vụ cho mưu đồ chính trị của mình với ước vọng tái lập đế chế Ottoman.
Dù là đồng minh quan trọng và đối tác chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng trước những hành động của ông Erdogan, Mỹ và các nước phương Tây cũng đành bất lực vì không thể có bất cứ hành động nào để đưa Ankara vào quỹ đạo.
Từ đó chính quyền Erdogan ngày càng tạo ra hố sâu ngăn cách với các đồng minh chiến lược của mình. Ankara cũng giảm quy mô hợp tác với Washington, trong đó đặc biệt là đóng cửa căn cứ không quân Incirlik vốn được cho Mỹ và đồng minh sử dụng. Không những thế, lực lượng cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ còn lên tiếng chỉ trích Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như một tổ chức khủng bố.
Nghị sĩ đảng cầm quyền AKP Samil Tayyar không ngại ngùng tuyên bố rằng, "NATO luôn đạo diễn những hành động bẩn thỉu trong các sự kiện đẫm máu xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ. Và tương lai của NATO sẽ không có chỗ cho Tổng thống Erdogan và đảng AKP”.
Không những vậy, Tổng thống Erdogan ngày càng tung hoành ngang dọc với những hành động bị cho là ảnh hưởng rất tiêu cực tới chiến lược của Mỹ tại vùng đất nóng. Chính quyền Ankara còn ngày càng tăng cường quan hệ với Nga và Iran. Đây là hai đối thủ của Mỹ và phương Tây, việc làm này như một sự thách thức.