Moderna bắt tay vào thử nghiệm vaccine đặt biệt chống lại Omicron

Nhật Minh| 21/12/2021 07:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ có kế hoạch bắt đầu thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine đặc biệt chống lại chủng Omicron vào đầu năm 2022.

Tuyên bố của công ty cho biết, xét tới tốc độ lan truyền của biến thể Omicron và sức mạnh của vaccine mRNA-1273 hiện có, liều tăng cường sẽ đóng vai trò là "tuyến phòng thủ đầu tiên" chống lại chủng này.

moderna.jpg
Vaccine phòng COVID-19 của hãng Moderna.

“Trước mối đe dọa lâu dài do biến thể Omicron gây ra, Moderna sẽ tiếp tục phát triển một biến thể vaccine chuyên dụng (mRNA-1273.529) cho chủng này và hi vọng sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào đầu năm 2022”, thông báo công ty nêu rõ.

Moderna cho biết liệu trình tiêm 2 mũi vaccine của hãng tạo ít kháng thể chống Omicron, nhưng mũi tiêm tăng cường với liều lượng 50 microgram giúp tăng lượng kháng thể gấp 37 lần để chống lại Omicron. Đáng chú ý, mũi tiêm với lượng cao hơn - 100 microgram - của cùng loại vaccine này giúp tăng lượng kháng thể cao hơn 80 lần so với mức chưa tiêm bổ sung.

Hiện các nhà quản lý dược phẩm Mỹ cho phép tiêm mũi tăng cường với liều lượng 50 microgram, bắt đầu từ tháng 10 vừa qua. Hai mũi vaccine đầu tiên đều có có liều lượng 100 microgram.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau cuộc họp khẩn cấp vào cuối tháng 11 vừa qua, đã quyết định phân loại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được tìm thấy ở Nam Phi là “đáng gây lo ngại”. WHO đặt tên cho chủng vi khuẩn mới là B.1.1.529 với chữ cái Hy Lạp là Omicron.

Biến thể Omicron chứa hàng chục đột biến trong protein S, cần thiết để mầm bệnh lây nhiễm sang tế bào, một số ý kiến cho rằng ban đầu biến thể này phát triển ở một người bị suy giảm hệ miễn dịch - có thể là người nhiễm HIV.

Các chuyên gia cho rằng ngay cả những người đã khỏi bệnh và được tiêm phòng cũng có thể tái nhiễm Omicron, với các triệu chứng từ mệt mỏi đến nhức đầu và đau nhức cơ thể.

Theo số liệu mới nhất của WHO công bố, biến thể Omicon hiện đã lây lan tới 89 quốc gia. Omicron lây lan rất nhanh, song hiện chưa có số liệu chính xác về mức độ nghiêm trọng của bệnh mà biến thể này gây ra.

Một số thông tin cần biết về vaccine COVID-19 mRNA 

Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech và Moderna là các loại vaccine RNA truyền tin, hay còn được gọi là vaccine mRNA. Vaccine mRNA thuộc nhóm những loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được cho phép và phê chuẩn để sử dụng tại Mỹ.

mRNA được tạo ra trong phòng thí nghiệm để dạy các tế bào cách tạo ra protein - hoặc thậm chí chỉ là một mảnh protein - kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể chúng ta. Phản ứng miễn dịch đó sẽ tạo ra các kháng nguyên để bảo vệ chúng ta không nhiễm bệnh nếu có virus thực sự xâm nhập cơ thể chúng ta.

Đầu tiên, vaccine COVID-19 mRNA được tiêm ở bắp tay trên. mRNA sẽ xâm nhập vào các tế bào cơ và sử dụng cơ chế của tế bào để sản sinh ra mảnh vô hại của protein gai. Protein gai này được tìm thấy trên bề mặt virus gây ra bệnh COVID-19. Sau khi sản sinh mảnh protein, các tế bào của chúng ta sẽ phá vỡ và loại bỏ mRNA.

Tiếp theo, các tế bào thể hiện protein gai trên bề mặt của chúng. Hệ miễn dịch của chúng ta nhận ra rằng protein này không thuộc về chỗ đó. Điều này kích hoạt hệ miễn dịch của chúng ta sản sinh ra các kháng thể và kích hoạt các tế bào miễn dịch khác để chống lại tình trạng mà hệ miễn dịch gọi là bị nhiễm bệnh. Đây là cách thức cơ thể quý vị thực hiện để chống lại bệnh nếu quý vị bị bệnh do COVID-19.

Vào cuối quá trình này, cơ thể chúng ta sẽ học được cách bảo vệ để chống lại việc nhiễm bệnh sau này do virus gây ra COVID-19. Giống như tất cả các loại vaccine, lợi ích của vaccine mRNA ngừa COVID-19 là những người được tiêm chủng có được khả năng phòng bệnh mà không phải chịu những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra khi nhiễm COVID-19. Mọi cảm giác khó chịu tạm thời gặp phải sau khi tiêm vaccine là một phần tự nhiên của quá trình và là chỉ báo cho thấy vaccine có tác dụng.

(Nguồn: CDC Mỹ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Moderna bắt tay vào thử nghiệm vaccine đặt biệt chống lại Omicron