Nguồn vốn của MCG bị chiếm dụng qua các khoản phải thu 707 tỷ đồng, và có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến KQKD khi được tài trợ bằng vay nợ ngân hàng có trả lãi 1,162 tỷ đồng.
Tổng doanh thu năm 2013 của CTCP Cơ Điện & XD Việt Nam (HOSE: MCG) đạt 802 tỷ đồng, giảm mạnh 57.2% so với năm 2012. Doanh thu giảm mạnh nhưng giá vốn hàng bán tăng cao đã khiến cho lợi nhuận gộp của MCG lỗ hơn 100 tỷ đồng trong khi năm trước lời 32 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do MCG phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (xem thêm bên dưới) và quyết toán các công trình thi công thủy điện bị lỗ.
Bên cạnh đó, việc (i) chi phí lãi vay mặc dù giảm nhưng vẫn đứng ở mức cao với 70 tỷ đồng và (ii) việc phải trích lập dự phòng các khoản đầu tư ngắn hạn dài hạn 36 tỷ đồng đã khiến cho số lỗ của MCG tiếp tục gia tăng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lỗ hơn 176.5 tỷ đồng, trong khi năm 2012 lời 0.5 tỷ đồng.
Trong năm 2013, tổng tài sản của MCG gia tăng chủ yếu đến từ việc khoản mục hàng tồn kho và khoản phải thu ngắn hạn gia tăng.
Tồn kho gần 1,280 tỷ đồng, chiếm 46% tổng tài sản – Dự phòng giảm giá hàng tồn kho gia tăng mạnh. Tổng giá trị hàng tồn kho đến cuối năm 2013 của MCG là gần 1,280 tỷ đồng, tăng 23.3% so với cuối năm 2012. Hàng tôn kho của MCG chủ yếu tập trung ở các dự án bất động sản và công trình xây dựng. Mức tăng mạnh của hàng tồn kho trong năm có thể do MCG đẩy mạnh đầu tư vào dự án 102 Trường Chinh, Quận Đống Đa, Hà Nội.
Đáng chú ý, dự phòng giảm giá hàng tồn kho của MCG đã tăng mạnh trong năm lên gần 87 tỷ đồng, tăng đến 86 tỷ đồng so với năm 2012, chiếm gần 6.8% tổng giá trị hàng tồn kho.
Nguồn vốn bị chiếm dụng qua các khoản phải thu 707 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2013, tổng giá trị khoản phải thu ngắn hạn của MCG gần 707 tỷ đồng, tăng gần 119 tỷ đồng hay 20.2% so với cuối năm 2012. Trong đó, khoản phải thu khách hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 509 tỷ đồng, tăng 16.1%.
Đây không phải là một tín hiệu tích cực khi doanh thu của MCG giảm trong khi khoản phải thu lại gia tăng. Có thể thấy nguồn vốn của MCG bị chiếm dụng đã gia tăng mạnh và có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh khi nguồn vốn này được tài trợ bằng vay nợ ngân hàng có trả lãi (xem thêm bên dưới).
Hiện khoản phải thu ngắn hạn của MCG chiếm 25.4% tổng tài sản. Dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi của MCG là 5.8 tỷ đồng, chỉ chiếm 0.83% tổng giá trị khoản phải thu.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm 2013 cho thấy, nguồn tiền được dùng tài trơ cho việc gia tăng của những khoản mục phải thu này đến chủ yếu từ nguồn vay nợ mới.
Nợ vay ngân hàng khủng 1,162 tỷ đồng. Theo đó, tổng nợ vay tính đến cuối năm 2013 của MCG là 1,162 tỷ đồng, tiếp tục tăng hơn 90 tỷ đồng tức 8.4% so với năm 2012. Trong đó bao gồm nợ vay ngắn hạn là 524 tỷ đồng, đã giảm 30.1% so với cuối năm 2012, nhưng nợ vay dài hạn lại tăng mạnh gần gấp 2 lần lên mức 639 tỷ đồng. Hiện nợ vay đang chiếm 41% tổng nguồn vốn của MCG.
Lãi suất đi vay đã giảm khá mạnh trong thời gian qua là điểm tích cực, nhưng việc tiếp tục gia tăng sử dụng nợ vay khiến cho gánh nặng chi phí lãi vay vẫn đang duy trì ở mức cao.
Có thể thấy áp lực trả nợ ngắn hạn của MCG đã giảm đáng kể so với năm 2012 nhờ chuyển sang nhóm nợ dài hạn. Tuy nhiên, với mức vay hiện tại thì áp lực trả nợ gốc của MCG cũng không nhỏ. Hiện các khoản nợ vay của MCG được tài trợ bởi các ngân hàng như VCB, BID, CTG và LienVietPostBank:
· VCB với tổng cộng 585 tỷ đồng, trong đó vay nợ dài hạn là 348 tỷ đồng và ngắn hạn là 237 tỷ đồng.
· CTG với tổng cộng 242 tỷ đồng, trong đó vay nợ dài hạn là 12 tỷ đồng và ngắn hạn 230 tỷ đồng.
· BID với tổng cộng 193 tỷ đồng, trong đó vay nợ dài hạn là 181 tỷ đồng và ngắn hạn 12 tỷ đồng.
· Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) với 75 tỷ đồng vay dài hạn.
Hiện lượng tiền mặt của MCG chỉ còn lại 31.5 tỷ đồng, do đó áp lực nguồn tiền trả nợ gốc là khá cao. Kỳ vọng của MCG đang đặt vào việc hoàn thành dự án 102 Trường Chinh và bàn giao cho khách hàng có thể giúp đem về nguồn tiền. Đây cũng là dự án được kỳ vọng sẽ giúp mảng kinh doanh bất động sản của MCG trong năm 2014 có kết quả đột biến. Có thể thấy rõ điều này khi khoản mục khách hàng trả trước của MCG đã gia tăng đáng kể trong năm qua từ 230 tỷ đồng cuối năm 2012 đã tăng lên 486 tỷ đồng năm 2013.
Bên cạnh đó, việc Thuỷ điện Văn Chấn đi vào hoạt động có thể sẽ giúp mang về dòng tiền giúp giảm bớt áp lực nợ vay và chi phí lãi vay lên kết quả hoạt động kinh doanh của MCG.
Duy Nam