Luật Tố tụng hành chính năm 2015: Tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong giải quyết vụ án hành chính

25/07/2016 14:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Luật TTHC năm 2015 đã khắc phục những hạn chế của Luật TTHC năm 2010, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính...

Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính; là cơ chế hữu hiệu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân bằng tài phán của cơ quan tư pháp.

Luật TTHC năm 2015, ngoài việc kế thừa các quy định của Luật TTHC năm 2010 về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án còn tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính và đề cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của công dân; đổi mới việc giải quyết khiếu kiện theo hướng khách quan, công khai minh bạch.

Cùng với việc sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của từng cấp Toà án, phân định thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, phương thức xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm và bảo đảm hiệu quả của việc giải quyết khiếu kiện hành chính, Luật TTHC năm 2015 quy định đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện thì việc giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh (khoản 4 Điều 32 Luật TTHC). Việc quy định giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện nhằm khắc phục tồn tại, bất cập từ thực tiễn. Đó là: Những năm qua, các bản án, quyết định về việc giải quyết vụ án hành chính của TAND cấp huyện bị hủy, sửa chiếm tỷ lệ cao, trong đó phần lớn là việc giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND cấp huyện và UBND cấp huyện trong lĩnh vực quản lý đất đai. Đây là loại khiếu kiện phức tạp, đòi hỏi phải có Thẩm phán chuyên trách chuyên sâu thì việc giải quyết mới hiệu quả, trong khi đó ở các TAND cấp huyện không có Toà Hành chính chuyên trách như ở TAND cấp tỉnh nên chưa có Thẩm phán chuyên trách giải quyết các vụ án hành chính.

Luật Tố tụng hành chính năm 2015: Tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong giải quyết vụ án hành chính

Một phiên tòa hành chính

Nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong công tác giải quyết các khiếu kiện hành chính theo tinh thần cải cách tư pháp, nhanh chóng lập lại trật tự trong quản lý hành chính nhà nước, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, Ðiều 30, Luật TTHC năm 2015 đã quy định các khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; Điều 31 quy định thẩm quyền của Tòa án cấp huyện;  Điều 32 quy định thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh. Về người tiến hành tố tụng, Luật TTHC năm 2015 bổ sung hai chủ thể mới là người tiến hành tố tụng gồm Thẩm tra viên, Kiểm sát viên và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm tra viên, Kiểm tra viên trong TTHC. Việc bổ sung hai chủ thể mới này để bảo đảm phù hợp với Luật Tổ chức TAND năm 2014, Luật Tổ chức VKSND năm 2014.

Mặt khác, để bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, Luật TTHC năm 2015 bổ sung các quy định để cụ thể hoá nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm theo khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, Điều 18 Luật TTHC quy định: Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Luật TTHC. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.

Ngoài ra, Luật TTHC năm 2015 còn bổ sung quyền, nghĩa vụ của đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ; quy định trách nhiệm của Toà án trong việc hỗ trợ đương sự thu thập tài liệu, chứng cứ, tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự thực hiện quyền tranh tụng. Các đương sự có quyền đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án buộc bên đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang lưu giữ, quản lý; đề nghị Tòa án ra quyết định buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý chứng cứ cung cấp chứng cứ. Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ và tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án hoặc đương sự. 

Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát khi có yêu cầu và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đó. Đương sự có quyền được biết, ghi chép, sao chụp, trao đổi tài liệu, chứng cứ do đương sự khác giao nộp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập được…

Điều 19 Luật TTHC năm 2015 cũng bổ sung quy định về bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án; không ai được hạn chế quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong TTHC.

Luật TTHC năm 2015 đã khắc phục những hạn chế của Luật TTHC năm 2010, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính, tạo ra một khung pháp lý vững chắc cho hoạt động tố tụng; tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính; là cơ chế hữu hiệu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân bằng tài phán của cơ quan tư pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Tố tụng hành chính năm 2015: Tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong giải quyết vụ án hành chính