Trước rất nhiều những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đã “trói buộc”, cản trở, đặc biệt là đối với hoạt động đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí trong những năm qua, các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư đang kỳ vọng rất lớn rằng Luật Dầu khí (sửa đổi) thực sự khắc phục được bất cập, tạo bước đột phá, góp phần thu hút đầu tư, phát huy được nguồn lực nội tại, thúc đẩy, phát triển ngành Dầu khí, khai thác hiệu quả tài nguyên quốc gia.
Đến nay, Dự thảo Luật đã nhiều lần được góp ý, bổ sung, chỉnh lý và đang đi đến giai đoạn hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua.
Phải phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của Tập đoàn Dầu khí
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã phân định chức năng, nhiệm vụ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) 02 vai trò, là nhà thầu dầu khí, đồng thời thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động dầu khí theo ủy quyền của Chính phủ.
Nhiều chuyên gia khẳng định, việc phân định và quy định rõ “vai” của Petrovietnam là cần thiết và phản ánh đúng thực tế vị trí và vai trò mà Petrovietnam đảm nhận trong quá trình triển khai và thực hiện hoạt động dầu khí trong nhiều năm qua (bao gồm thời gian trước khi Luật Dầu khí năm 1993 được ban hành).
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Petrovietnam đại diện vai trò của nhà nước để thực hiện pháp luật dầu khí, hoạt động này phục vụ cho hoạt động dầu khí chứ không phải phục vụ cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, là hoạt động do Chính phủ ủy quyền”.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Việt Sơn - Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương - cũng cho biết, Bộ Công Thương đã cân nhắc kỹ và thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ của Petrovietnam chỉ liên quan đến thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, chứ không phải thực hiện các nhiệm vụ chung. Còn trong vai trò nhà thầu, Petrovietnam hoàn toàn bình đẳng so với các nhà đầu tư khác.
Cũng cần nói thêm một vấn đề liên quan khác, đó là quy định việc phê duyệt hợp đồng dầu khí. Theo đó, hợp đồng dầu khí là loại hợp đồng đặc biệt, nhằm khai thác nguồn tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân mà Chính phủ là đại diện chủ sở hữu, Petrovietnam chỉ thay mặt đại diện chủ sở hữu để ký hợp đồng và thực hiện một số công việc quản lý nhà nước đối với hoạt động dầu khí theo ủy quyền của Chính phủ.
Do vậy, Petrovietnam chỉ có thể ký hợp đồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ/Bộ Công Thương phê duyệt nội dung chi tiết hợp đồng. Việc phê duyệt Thủ tướng Chính phủ đối với các nội dung chính của hợp đồng dầu khí được coi là thay thế cho quyết định chủ trương đầu tư.
Cần thêm nhiều yếu tố cải thiện môi trường đầu tư
Theo đánh giá của TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các chính sách ưu đãi đối với hoạt động dầu khí trong dự thảo Luật hiện nay chỉ dừng lại ở thiết kế mức ưu đãi hơn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế suất thuế xuất khẩu.
Thực tế còn nhiều những chính sách ưu đãi khác có thể nghiên cứu để xem xét nhằm đa dạng hóa các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài như cơ chế giảm trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; hay giảm trừ thuế dựa trên chi phí… những chính sách này vừa tạo ra ưu đãi, đồng thời thúc đẩy các nhà đầu tư đầu tư vào một số những hoạt động mà nước chủ nhà mong muốn.
Một trong những bất cập liên quan đến vấn đề này, đó là trong quá trình triển khai thực hiện về căn cứ xác định thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp đặc thù của dự án dầu khí thực tế còn gặp nhiều vướng mắc. Các chuyên gia cho rằng, trong Dự thảo luật cần có thêm định nghĩa cụ thể về Chi phí hoạt động dầu khí - là tất cả chi tiêu do nhà thầu thực hiện và gánh chịu theo chương trình công tác và ngân sách đã được phê duyệt để tiến hành hoạt động dầu khí, được xác định và được phép thu hồi phù hợp với các quy định của hợp đồng dầu khí.
Dự thảo Luật, quy định về xử lý chi phí còn lại chưa được thu hồi của dự án dầu khí đến thời điểm kết thúc hợp đồng. Đây cũng được xem là một trong những chi phí rủi ro của hoạt động dầu khí, tương tự chi phí tìm kiếm thăm dò của dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí không thành công.
Tuy vấn đề này đã được quy định tại Quy chế tài chính của Petrovietnam, song, việc đưa vào Luật là cần thiết nhằm luật hóa quy định này tránh việc chồng chéo, không rõ ràng trong quá trình thực hiện, đảm bảo đồng bộ với luật ngân sách nhà nước và các luật khác có liên quan.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho phía Nhà thầu có cơ hội nghiên cứu trước những yêu cầu của nước chủ nhà một cách rõ ràng ngay từ đầu và rút ngắn được thời gian đàm phán, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư, việc ban hành hợp đồng mẫu của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí cũng là một nội dung cần thiết để làm cơ sở cho việc đàm phán hợp đồng.
Về phía nước chủ nhà cũng đồng thời tiết kiệm được thời gian thẩm định và phê duyệt, đảm bảo được tính cạnh tranh và minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà thầu ký do có thể đưa về một mặt bằng chung để đánh giá và lựa chọn.
Một điểm đáng lưu ý khác là Dự thảo Luật hiện đang quy định ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng là Tiếng Việt trong trường hợp tại thời điểm ký hợp đồng nhà thầu được lựa chọn là nhà thầu Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, rất cần thiết có bảng hợp đồng dầu khí bằng tiếng Anh, nếu không đây sẽ là một điểm rất khó khăn, lo ngại với nhà đầu tư nước ngoài.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh - đại diện Công ty Eni Việt Nam nhận định, nhà đầu tư nước ngoài muốn có hai ngôn ngữ khi ký kết hợp đồng dầu khí. Có thể hợp đồng dầu khí giữa hai công ty Việt Nam ký kết với nhau là ngôn ngữ Việt Nam nhưng đến khi công ty nước ngoài muốn tham gia vào, lúc đó phải chỉnh sửa lại rất khó khăn. Còn nếu công ty nước ngoài muốn tham gia vào hợp đồng dầu khí mà hợp đồng chỉ có ngôn ngữ tiếng Việt, hoặc được dịch sang tiếng Anh mà không được các bên ký thì đối tác rất lo ngại.
Theo đánh giá của TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, việc sử dụng hai ngôn ngữ trong hợp đồng Dầu khí còn là thông điệp thể hiện sự hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định chúng ta mở cửa, chứ không đơn thuần chỉ là giải quyết vấn đề tranh chấp về sau.
Quy định này sẽ phù hợp với đặc điểm của lĩnh vực hoạt động dầu khí mang tính quốc tế cao, tạo điều kiện cho các nhà thầu dầu khí tiềm năng tiếp cận với hợp đồng dầu khí trong trường hợp các nhà thầu này mong muốn nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia tại các hợp đồng dầu khí hiện hữu. Quy định về ngôn ngữ hợp đồng dầu khí bằng tiếng nước ngoài thông dụng cũng sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Vướng mắc về sự chồng chéo giữa các luật
Bên cạnh việc đề xuất bổ sung thêm các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào ngành Dầu khí cho phù hợp với tình hình mới, mong muốn lớn nhất của những doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực dầu khí là tháo gỡ vướng mắc về sự chồng chéo, bất cập giữa Luật Dầu khí với các luật khác như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước (QLVNN), Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công.…
Một ví dụ cụ thể, đến nay, trong Dự thảo Luật, xung đột giữa Luật Dầu khí với Luật QLVNN trong quy định về chuyển nhượng quyền lợi tham gia, quyền và nghĩa vụ của Nhà thầu trong hợp đồng dầu khí vẫn chưa được giải quyết triệt để. Theo quy định của Luật QLVNN, khi chuyển nhượng quyền lợi tham gia, đồng thời với việc tổ chức chào thầu cạnh tranh, Petrovietnam phải mời tổ chức độc lập đánh giá xác định giá trị khởi điểm của tài sản/dự án dầu khí đó. Việc này được đánh giá là không khả thi vì không có tổ chức tư vấn Việt Nam nào có thể thực hiện được, dẫn đến tình trạng một số dự án bị chậm tiến độ nhiều năm so với kế hoạch ban đầu.
Vì vậy, cần thiết có quy định Petrovietnam sẽ là đơn vị trực tiếp lập phương án chuyển nhượng và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt trước khi thực hiện. Thực tế, trong trường hợp không quy định nội dung trên vào Luật Dầu khí (vì liên quan đến tài sản dầu khí) mà lựa chọn quy định vào Luật QLVNN, vẫn cần có quy định riêng cho các tài sản dầu khí.
Ngoài ra, việc chuyển nhượng dự án/tài sản dầu khí này sẽ áp dụng chung cho Petrovietnam và doanh nghiệp 100% vốn của Petrovietnam, nên trong trường hợp đưa vào Luật QLVNN sẽ phải quy định cho cả đối tượng là doanh nghiệp 100% vốn của Petrovietnam (hiện không phải là đối tượng áp dụng của QLVNN).
Trước rất nhiều những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đã cản trở hoạt động dầu khí, đặc biệt là hoạt động đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác trong những năm qua, các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư đang kỳ vọng rất lớn rằng Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc, góp phần làm minh bạch, tạo bước đột phá về mặt cơ chế, để không bị tụt hậu so thế giới, khu vực, góp phần thu hút đầu tư từ bên ngoài, cũng như phát huy được nguồn lực nội tại, thúc đẩy đầu tư vào ngành Dầu khí nói chung, đặc biệt là đầu tư ở lĩnh vực khâu đầu (tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí) nói riêng, tiếp tục khai thác hiệu quả tài nguyên quốc gia, đóng góp cho sự phát triển bền của đất nước./.