Không chỉ hàng loạt các mạng xã hội lớn mà đến cả giới công nghệ cũng đã quay lưng với Nga. Sau đó không lâu thì xuất hiện tin đồn nước này sẽ tự ngắt kết nối, tách mình ra khỏi Internet từ 11/3.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành đạo luật về tin tức giả vào tuần trước. Trong đạo luật này, hình phạt cao nhất lên tới 15 năm tù cho người lan truyền "thông tin sai lệch" về quân đội Nga hoặc công khai kêu gọi trừng phạt Nga.
Đạo luật mới này đã khiến các hãng tin nước ngoài như Bloomberg, BBC và CNN phải dừng hoạt động tại Nga; giới chức Nga cũng đã chặn Facebook và hạn chế Twitter tại quốc gia này.
Tuần trước, cơ quan truyền thông Roskomnadzor của Nga đã phê phán TikTok do xóa một số nội dung truyền thông nhà nước Nga khỏi nền tảng của nó.
Không chỉ mạnh tay ngắt liên kết với các mạng xã hội lớn, theo trang Metro, một dòng tweet chưa được xác minh đang lan truyền trên Twitter khi tiết lộ Nga sẽ ngắt kết nối Internet vào tuần sau.
Bài viết của Nexta, một cơ quan truyền thông có trụ sở tại Belarus cho rằng tất cả công ty Nga muốn duy trì hoạt động của trang web phải chuyển sang máy chủ trong nước.
“Nga bắt đầu chuẩn bị tích cực cho việc ngắt kết nối Internet toàn cầu. Muộn nhất là ngày 11/3, tất cả máy chủ và tên miền phải chuyển về Nga. Ngoài ra, dữ liệu chi tiết về hạ tầng mạng của các trang web đang được thu thập”, tài khoản này cho biết trên Twitter.
Tuyên bố đã gây xôn xao trên mạng xã hội và châm ngòi cho các thuyết âm mưu. Một tài khoản khác nói rằng việc Nga chủ động ngắt kết nối Internet là nhằm chuẩn bị các cuộc tấn công mạng nhắm vào Mỹ.
“Tất cả công ty ở Nga đều phải đăng ký tên miền .ru và dùng máy chủ nội địa. Họ có 5 ngày để làm việc này. Cuộc tấn công mạng sẽ nhắm vào Mỹ”, tài khoản có tên Black Swan tuyên bố mà không đưa ra bất kỳ dẫn chứng nào.
Theo Metro, rất khó xác định các tin đồn nói trên. Tuy nhiên, bài viết từ nhật báo Kommersant cung cấp thông tin ngược lại. Bộ Phát triển Kỹ thuật số của Nga phủ nhận việc chính phủ sẽ chặn quyền truy cập Internet toàn cầu của người dân.
Kommersant cho biết chính sách sử dụng tên miền và máy chủ trong nước chỉ áp dụng đối với các trang web của chính phủ. Việc này đã được chuẩn bị trước, nhằm đảm bảo sự chủ động, tránh bị đe doạ cắt kết nối từ bên ngoài.
“Chúng tôi chuẩn bị cho các tình huống khác nhau nhằm đảm bảo nguồn lực của Nga luôn sẵn sàng phục vụ người dân”, Kommersant dẫn phát ngôn từ Bộ Phát triển Kỹ thuật số Nga.
Dù tin đồn Nga ngắt kết nối Internet vào ngày 11/3 không có thật, thì quốc gia này cũng đã chuẩn bị mạng Internet nội bộ từ những năm qua.
Vào năm 2018, Nga xây dựng Chương trình quốc gia về kinh tế kỹ thuật số nhằm mục đích bảo vệ cơ sở hạ tầng trực tuyến của đất nước ngay cả khi bị các quốc gia khác cô lập. Một năm sau, Bộ Truyền thông Nga tuyên bố đã thử nghiệm thành công giải pháp thay thế Internet trên toàn quốc.
Dù không ngắt kết nối, nhưng Nga cũng đang bị ngăn cách với thế giới Internet toàn cầu khi các nền tảng phổ biến như TikTok và Netflix đang tạm ngừng hoạt động tại quốc gia này. Twitter và Facebook cũng đã bị chặn.
Hàng loạt các hãng công nghệ như Apple, Samsung, Microsoft, Oracle, Cisco và những công ty khác đã rút lui khỏi Nga. Ngay cả các trò chơi điện tử trực tuyến như Minecraft cũng không còn hiện diện ở Nga.