Thời điểm trước Tết, trong và sau Tết Nguyên đán, các ca ngộ độc rượu thường tăng đột biến do liên hoan, tổng kết, gặp mặt… dịp tết đến, xuân về.
Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), năm 2017, cả nước có 328 cơ sở sản xuất rượu lớn với sản lượng 360 triệu lít/năm; 320 cơ sở sản xuất nhỏ với sản lượng dưới 1 triệu lít/năm; hộ gia đình sản xuất ước tính khoảng 250 triệu lít/năm. Đã có 22/63 tỉnh, thành phố có xảy ra các ca ngộ độc rượu (chiếm 34,9%)
Cũng theo số lượng thống kê của Cục Cục An toàn thực phẩm (ATTP), 5 năm qua, toàn quốc ghi nhận 28 vụ ngộ độc rượu làm 193 người mắc, 179 người đi viện và 34 người chết. Riêng năm 2017 ghi nhận số ca ngộ độc rượu tăng đột biến, đặc biệt là rượu có pha methanol, với 10 vụ và 119 người mắc, 115 người đi viện.
Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân ngộ độc rượu
Theo Cục ATTP, nguyên nhân của các vụ ngộ độc rượu xảy ra chủ yếu do đối tượng đã pha chế cồn công nghiệp có nồng độ methanol cao nhiều lần giới hạn cho phép bán cho người tiêu dùng gây ngộ độc cấp tính. Bên cạnh đó, nhận thức của người tiêu dùng về tác hại, nguy cơ mất an toàn khi sử dụng các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được nấu thủ công, rượu ngâm động vật, thực vật, không nhãn mác còn hạn chế; nhất là tại các vùng và ở các nhóm nạn nhân có điều kiện kinh tế khó khăn.
Đáng lưu ý, theo quy luật, dịp Tết hàng năm, nhu cầu của thị trường về các mặt hàng thực phẩm trong đó có rượu luôn tăng cao. Vì vậy, các cơ sở sản xuất rượu trong nước sẽ tăng cường sản xuất, các cơ sở kinh doanh đẩy mạnh nhập khẩu. Tuy nhiên, trong đó vẫn có nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật gây nguy cao ngộ độc rượu cho người tiêu dùng.
Trước thực trạng trên, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP cho biết, hiện tại, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 270 triệu lít rượu/năm. Vào các dịp Tết, tiêu dùng rượu sẽ tăng mạnh, kéo theo đó là nguy cơ các sản phẩm rượu không đảm bảo chất lượng được tuồn ra thị trường là rất lớn. Do vậy trong dịp này, Bộ Y tế và các lực lượng chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực này.
Bộ Y tế cũng đề nghị ngành Công Thương tăng cường quản lý tận gốc mặt hàng rượu, nguyên liệu cồn công nghiệp; khẩn trương có các quy định đưa chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp để ngăn chặn việc pha cồn công nghiệp methanol vào rượu.
Với người dân, để phòng tránh ngộ độc rượu trong dịp Tết, các chuyên gia ATTP khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên sử dụng các loại rượu bia có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sử dụng rượu có chừng mực. Tránh tâm lý ham rẻ, mua rượu trôi nổi trên thị trường không được kiểm định chất lượng, không đảm bảo an toàn.