Sức Khỏe

Liên tục ghi nhận các ca bệnh bạch hầu tại Hà Giang

Nguyễn Liên 30/08/2023 - 06:50

Tại tỉnh Hà Giang trong những ngày qua, liên tục ghi nhận các ca mắc bệnh bạch hầu. Phân bố chủ yếu tại huyện Mèo Vạc, tính đến cuối ngày 28/9, toàn huyện ghi nhận 24 trường hợp, 1 ca đã tử vong.

Theo đó, bệnh nhân tử vong là em Và Mí D., (SN 2008, trú tại thôn Khâu Vai, xã Khâu Vai), 1 trường hợp có biểu hiện bệnh nặng, được Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc chuyển tuyến lên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang.

Các trường hợp mắc bạch hầu chủ yếu có tuổi đời còn trẻ. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 9 tháng tuổi, người cao nhất mắc bệnh là 33. Độ tuổi mắc bệnh trung bình là 11 – 16.

a1.jpg
Ngành y tế địa phương tiến hành phun khử khuẩn gia đình có người mắc bệnh. Ảnh: Hà Linh (Mèo Vạc)
benh-bach-hau-la-gi.jpg
Biên chứng bệnh bạch hầu trẻ em

Tại huyện Mèo Vạc, địa phương xuất hiện nhiều ca bệnh nhất là xã Khâu Vai với 13 trường hợp. Ngoài ra, 2 xã là Lũng Pù và Cán Chu Phìn có 2 người mắc. Xã Giàng Chu Phìn 3 trường hợp. Các xã Niêm Tòng, Tả Lủng và thị trấn Mèo Vạc đều có 1 người mắc.

Trước đó, Báo Công lý đã thông tin, ngày 24/8, tỉnh Hà Giang ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu. Sau khi xuất hiện trường hợp mắc bệnh bạch hầu, ngành Y tế địa phương đã thành lập tổ điều tra xác minh. Đồng thời, chỉ đạo phòng chống dịch, thực hiện tẩy uế môi trường xung quanh khu vực nhà ở.

Cùng với đó, tiến hành thông báo tình hình dịch bệnh với chính quyền địa phương, nhân dân và các ban ngành đoàn thể có liên quan trong khu vực. Tổ chức điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm; lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân để hướng dẫn uống kháng sinh dự phòng, theo dõi sức khoẻ trong vòng 14 ngày…

Được biết, tại Hà Giang, đã rất nhiều năm nay không ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu

Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Để phòng bệnh Bạch hầu hiệu quả, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Người có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Bạch hầu là bệnh nguy hiểm nhưng có thể đề phòng dễ dàng bằng cách tiêm chủng phòng bệnh. Trì hoãn việc tiêm phòng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh.

Bệnh bạch hầu không có tính miễn dịch trọn đời, vì thế nếu đã mắc bệnh nguy cơ bị tái nhiễm các lần sau vẫn rất cao. Vì thế, để chủ động tạo miễn dịch với vắc xin là biện pháp an toàn, hiệu quả và kinh tế nhất.

Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hiện, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td đầy đủ, đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Lịch tiêm chủng vắc xin SII hoặc ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:
Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi
Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng
Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên tục ghi nhận các ca bệnh bạch hầu tại Hà Giang