Ngày 16/2, Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ 1 tỷ USD để giúp đỡ trên 5 triệu người bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất kinh hoàng hồi tuần trước tại nước này.
Gói hỗ trợ sẽ tập trung vào đảm bảo an ninh lương thực, an toàn của người dân, giáo dục, nước uống và nơi ở.
Theo đó, khoản viện trợ này dự kiến được phân bổ làm 3 giai đoạn và sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức cứu trợ khẩn trương triển khai các hoạt động giúp đỡ khắc phục hậu quả trận động đất lớn nhất trong vòng 1 thế kỷ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Các thành viên của đội tìm kiếm cứu hộ trong nỗ lực xác định các vị trí còn sự sống sau trận động đất
Phát biểu với báo giới, Tổng Thư ký LHQ António Guterres nêu rõ: “Thổ Nhĩ Kỳ là nơi có nhiều người tị nạn nương náu nhất trên thế giới và nhiều năm qua đã chứng tỏ sự hào phóng đối với những người láng giếng Syria. Giờ là thời điểm thế giới giúp đỡ người dân Thổ Nhĩ Kỳ”.
Ông Guterres hối thúc cộng đồng quốc tế tăng cường và hỗ trợ đầy đủ ngân sách cho các nỗ lực ứng phó với thảm họa.
Tổng Thư ký Guterres cũng kêu gọi các nước thành viên LHQ “không chần chừ trong việc giúp hàng triệu trẻ em, phụ nữ và nam giới, những người mà cuộc sống đang bị đe dọa bởi thảm họa ảnh hưởng tới nhiều thế hệ này”.
Cùng ngày, người đứng đầu Cơ quan điều phối cứu trợ khẩn cấp và nhân đạo của LHQ (OCHA) Martin Griffiths cũng kêu gọi các quốc gia ủng hộ nỗ lực này.
Theo cập nhật từ Reuters, đã có trên 42.000 người thiệt mạng do trận động đất kinh hoàng ở hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào sáng 6/2 gây ra. Động đất kéo theo hàng loạt thách thức khác, hàng trăm nghìn người, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi, hiện nay đang thiếu nước sạch, lương thực, thuốc men và nơi trú ẩn đảm bảo trong điều kiện mùa Đông nhiệt độ xuống thấp.
Báo cáo công bố ngày 16/2 của được Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) nhận định, trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây thiệt hại kinh tế tương đương 1% Tổng sản phẩm quốc nội năm 2023 của nước này.
EBRD cho rằng con số này là mức ước tính hợp lý do các nỗ lực tái thiết sau thiên tai dự kiến được tăng cường vào cuối năm nay, bù đắp cho tác động xấu đến cơ sở hạ tầng và các chuỗi cung ứng.
EBRD cho biết thêm nhu cầu huy động vốn từ bên ngoài gia tăng và kế hoạch tổng tuyển cử năm 2023 không được đảm bảo gây ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế. Chính quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan và phe đối lập đang tranh luận về khả năng hoãn kế hoạch bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới.
Cùng ngày, Công ty dịch vụ tài chính JPMorgan cho biết thiệt hại trực tiếp của việc cơ sở hạ tầng tại Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hủy do trận động đất ngày 6/2 vừa qua có thể lên tới 25 tỷ USD, tương đương 2,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
JPMorgan cũng dự báo Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ kỳ sẽ cắt giảm lãi suất 100 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tuần tới, xuống còn 8%.
Chuyên gia kinh tế Fatih Akcelik nhận định: “Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ đã dẫn tới thiệt hại rất lớn về người và gây tác động không nhỏ về kinh tế". Chuyên gia này cho biết giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã nhắc tới khả năng cắt giảm lãi suất trước khi xảy ra động đất. Ông không loại trừ sẽ có thêm các đợt cắt giảm nữa trước cuộc bầu cử ngày 18/6 tới.
Các nhân viên cứu hộ tiếp tục dọn dẹp đống đổ nát từ những ngôi nhà bị sập ở Sarmada, Syria, trên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ
Trước đó, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) ước tính động đất có thể gây thiệt hại kinh tế tương đương 1% GDP năm 2023 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã khẩn trương tham gia giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả trận động đất.
LHQ đang điều phối hoạt động của hàng nghìn nhân viên tìm kiếm-cứu nạn tại 5 tỉnh gồm Adiyaman, Gaziantep, Hatay, Kahramanmaraş và Malatya.
Các tổ chức nhân đạo cũng đã triển khai hoạt động cứu trợ ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cùng với các đối tác, LHQ đang cung cấp các bữa ăn nóng, lương thực, lều trại, quần áo ấm, chăn đệm, thuốc men và các bộ đồ nấu ăn tới người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong nỗ lực hỗ trợ hai quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả của thảm họa động đất, Nhật Bản đã quyết định viện trợ khẩn cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 27 triệu USD và cho Syria 5,6 triệu USD.
Theo ông Hayashi, hưởng ứng lời kêu gọi của LHQ về viện trợ nhân đạo, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định viện trợ khẩn cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 27 triệu USD thông qua các tổ chức quốc tế như Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC). Bên cạnh đó, một khoản viện trợ trị giá 5,6 triệu USD cũng sẽ được gửi đến Syria thông qua Quỹ Ủy thác tái thiết Syria.
Phát biểu tại họp báo ngày 16/2, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết Nhật Bản chia sẻ những mất mát và khó khăn hiện tại của người dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau thảm họa động đất vừa qua. Chính phủ Nhật Bản cũng cam kết sẽ hỗ trợ tối đa trong khả năng có thể đối với hai quốc gia này, bao gồm điều động Đội cứu trợ thiên tai khẩn cấp, cung cấp các đồ dùng cứu trợ khẩn cấp.
Trước đó, Nhật Bản đã cử Đội cứu trợ thiên tai khẩn cấp đến Thổ Nhĩ Kỳ với 75 thành viên, bao gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản, Cơ quan Quản lý thảm họa thiên tai và cứu hỏa, đội ngũ y tế, chuyên gia về kết cấu hạ tầng, Cơ quan hợp tác quốc tế (JICA)… Nhóm đầu tiên gồm 18 thành viên đã xuất phát từ sân bay quốc tế Haneda ngay trong tối ngày 6/2 và lực lượng còn lại cũng đã tới Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 7/2 để phối hợp với lực lượng cứu hộ sở tại và lực lượng cứu hộ quốc tế tham gia khắc phục hậu quả trận động đất.