Bà bầu cần khám thai đều đặn suốt thai kỳ nhằm giúp phát hiện sớm những bệnh tiềm ẩn hoặc các dấu hiệu bất thương cho cả mẹ và bé.
Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ sẽ trải qua nhiều thay đổi sinh lý, vì vậy việc theo dõi, thăm khám là cách tốt nhất để đảm bảo sức khỏe của sản phụ và thai nhi. Hiện nay, việc siêu âm và khám thai là phương pháp cần thiết để chăm sóc và kịp thời can thiệp nếu có bất thường ở sản phụ hoặc thai nhi.
Các mẹ bầu cần khám thai định kỳ để đảm bảo cho một thai kỳ khỏe
Bác sĩ Lê Huy Tuấn, Trưởng khoa Cận lâm sàng - Dược, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Hà Nội cho biết: 'Theo quy định của Bộ Y tế, sản phụ cần khám tối thiểu 3 lần/3 thai kỳ (3 tháng đầu 1 lần, 3 tháng giữa 1 lần, 3 tháng cuối 1 lần), còn tuỳ vào tình huống cụ thể bác sĩ có thể yêu cầu khám nhiều hơn'.
Khám thai đối với thai là kiểm tra nhịp tim thai, siêu âm xem hình thái, trọng lượng thai, bánh rau, nước ối..., còn với mẹ là khám nội khoa, tim, phổi, đo huyết áp, đo chiều cao tử cung, vòng bụng, khám khung xương chậu, thử nước tiểu...
Bác sĩ cũng khuyến cáo, cho tới nay, chưa có nghiên cứu nào khẳng định siêu âm ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé. Vì vậy, nếu có điều kiện, bà bầu có thể đi khám thường xuyên.
Về thời điểm siêu âm tốt và bắt buộc: Siêu âm 3 chiều ở giai đoạn thai 11-12 tuần, 21- 22 tuần, 31- 32 tuần nhằm phát hiện bất thường về hình thái (dị dạng, dị tật..) nếu không có máy Siêu âm 3 chiều có thể làm bằng máy 2 chiều cũng được nhưng đòi hỏi bác sĩ có kinh nghiệm và chuyên ngành.
Sinh con khoẻ mạnh là mong muốn của bất kỳ người mẹ nào
Việc theo dõi, khám thai định kỳ có ý nghĩa quan trọng để kiểm tra sức khoẻ của bà mẹ và em bé và tránh các tai biến có thể xảy ra khi sinh. Và cùng với việc theo dõi và khám thai định kỳ thì người mẹ khi có thai cần được tiêm phòng uốn ván, tiêm hai lần, mũi thứ nhất vào tháng thứ tư hoặc thứ sáu, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng và trước khi đẻ ít nhất 1 tháng.
Bà mẹ có một sức khoẻ tốt trước khi mang thai, trong khi mang thai là tiền đề cơ bản để sinh ra những đứa trẻ khoẻ mạnh. Trong thai kỳ, ngoài chú ý đến chế độ dinh dưỡng thì việc theo dõi, khám thai định kỳ, tiêm chủng đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi hợp lý cũng là việc bà mẹ nên lưu ý để mẹ và con cùng khoẻ mạnh.