Đời sống

Lệ Sơn, Đồn Nhất: Trận đánh của những chiến binh quả cảm

Trang Trần - Hải Nam 30/04/2023 - 11:17

Nhắc đến hai trận đánh trong đêm lịch sử ấy, giọng của ông Huỳnh Năm - Cựu chiến binh Tiểu đoàn 59 càng lúc càng khí thế. Câu chuyện ông kể khiến người đối diện cảm nhận như trận đánh đó mới kết thúc ngày hôm qua...

le_son-don_-nhat_tran_danh_-cua_-nhung_-nguoi_-con_qua_-cam-1-1-.jpg
Ông Huỳnh Năm xúc động khi nhắc đến đồng đội của mình.

Lệ Sơn, Đồn Nhất từ lời kể của cựu binh Tiểu đoàn 59

Theo lời hẹn, chúng tôi đến nhà ông Huỳnh Năm vào một ngày đầu tháng 4 tràn ngập nắng. Ông Năm trong bộ đồ áo trắng, quần tây đen sơ vin chỉn chu đón chúng tôi với vụ cười hiền và cái bắt tay chắc nịch đậm chất người lính.

Ông Huỳnh Năm sinh năm 1932, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn, khỏe khoắn, đặc biệt khi nhắc đến những tháng ngày lịch sử vẫn hừng hực khí thế của một người lính đang thời chiến trận. Ông Huỳnh Năm cho biết, khi về nghỉ hưu ông mang quân hàm Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Thời chống thực dân Pháp ông là lính của Tiểu đoàn 59- Chủ lực cơ động Liên khu V- ngay từ buổi đầu thành lập và là người tham gia đánh trực tiếp trận Lệ Sơn, trận Đồn Nhất- Hải Vân Quan vào tháng 9/1952.

Tiểu đoàn 59 được thành lập ngày 10/6/1950 tại thôn 10, xã Tam Chánh, huyện Tam Kỳ (nay là thành phố Tam Kỳ) theo quyết định của Bộ Tư lệnh Liên khu V. Lúc bấy giờ, tiểu đoàn có hai đại đội: Đại đội 6 độc lập của Đà Nẵng, Đại đội 11 của tỉnh. Cuối năm 1950, bổ sung thêm vào biên chế tiểu đoàn Đại đội 4 (từ bộ đội địa phương của tỉnh Quảng Nam). Đồng chí Nguyễn Lựu được giao chức vụ Tiểu đoàn trưởng- Chỉ huy tiểu đoàn và đồng chí Phạm Đạo làm Chính trị viên.

Theo lời kể của ông, Tiểu đoàn 59 lúc đó chủ yếu là các đội biệt động bộ đội địa phương hoạt động nội thành, đều là những người gan dạ, anh dũng vì nhân dân mà chiến đấu. Ông Năm thuộc Đại đội 11, người được đánh giá “tuy nhỏ con, nhưng có dư sự gan lì khi xung trận”. Nói về cứ điểm Lệ Sơn, cứ điểm Đồn Nhất, ông Năm tự hào khẳng định, đây là hai trong số những chiến công vang dội của Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 803- Liên khu V).

Năm 1952, nhận nhiệm vụ tham gia chiến dịch Hè Thu 1952, Trung đoàn chủ lực 803, trong đó có Tiểu đoàn 59 đã hành quân liên tục 18 ngày đêm vượt hàng trăm cây số từ Bình Định qua Quảng Ngãi ra đến Quảng Nam - Đà Nẵng. Đối với Tiểu đoàn 59, đây chính là sự trở lại của những người con trên mảnh đất đã khai sinh ra Tiểu đoàn. Trong chiến dịch này, Tiểu đoàn 59 nhận nhiệm vụ tiêu diệt hai cứ điểm Đồn Lệ Sơn (Hòa Tiến) và Đồn Nhất (Hòa Hiệp).

Cứ điểm Lệ Sơn - thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang – là một cứ điểm khá kiên cố ở phía Tây Nam Đà Nẵng do một đại đội ngụy chiếm giữ, được sự chi viện của các trận địa pháo của địch. Đặc điểm địa hình phức tạp, ta phải làm công tác chuẩn bị rất công phu, nhưng được tăng cường phối hợp Đại đội 211 của Tiểu đoàn 365 và lực lượng trợ chiến của Trung đoàn 803 cùng du kích địa phương. Đêm 18/9/1952, Tiểu đoàn 59 đã tấn công và nhanh chóng tiêu diệt cứ điểm Đồn Lệ Sơn.

Sau chiến thắng Đồn Lệ Sơn, đánh Đồn Nhất là mục tiêu tiếp theo, tuy nhiên đây được xác định là nhiệm vụ không dễ dàng với nhiều thách thức đối với quân ta. Nếu đem so sánh thì thấy rằng, phía địch có hỏa lực mạnh, có công sự vững chắc, địa thế hiểm trở, có phi pháo yểm trợ, nhưng địch lại có mặt yếu là địa hình bị che khuất. Trong trường hợp bị tấn công, khả năng chi viện bằng phi pháo ít tác dụng, viện binh từ Đà Nẵng ra để ứng cứu không kịp thời, nhất là ban đêm.

Còn về phía ta, tuy gặp một số khó khăn nhất định như bộ đội phải hành quân xa, mang vác nặng, lại qua nhiều núi cao, suối sâu, mục tiêu tấn công kiên cố, mà trang bị của ta chưa được hoàn chỉnh, nhất là hỏa lực… nhưng ta có khá nhiều thuận lợi, được sự phối hợp hỗ trợ nhịp nhàng từ bộ đội, du kích và nhân dân địa phương, đặc biệt là du kích xã Hòa Liên.

Bên cạnh đó, bộ đội địa phương và du kích ta nắm rõ và thông thạo địa hình, chuẩn bị kỹ, tranh thủ được yếu tố bí mật, bất ngờ, cùng với tinh thần đang lên từ những thắng lợi trước, toàn bộ chiến sĩ nêu cao khí thế chiến đấu, khắc phục mọi khó khăn và quyết tâm giành thắng lợi ở trận đánh này.

Với quyết tâm cao độ, vượt qua mọi khó khăn, quân ta phân thành các tổ xung kích và mũi tấn công khác nhau tiếp tục thọc sâu, chia cắt và tiêu diệt từng bộ phận, từng hỏa điểm của địch bằng thủ pháo và lựu đạn. Sau hai giờ chiến đấu ngoan cường, ta đã tiêu diệt cứ điểm Đồn Nhất, tiêu diệt, bắt sống và thu quân trang, quân dụng, vũ khí của địch, chính thức giành thắng lợi trong đêm 24/9/1952.

Trận đánh của lòng quả cảm

“Trong trận đánh Đồn Nhất, tôi được chỉ huy phân công ôm bộc phá để đánh. Bộc phá ống tròn, dài tầm 1,5m bên trong là thuốc nổ, một đầu là nụ xòe. Khi áp sát đồn, mình đặt nó vào, giật nụ xòe bộc phá sẽ nổ, hàng rào dây thép gai bung ra, quân ta theo đường đó tiến vào trong. Xung trận, hiểm nguy cái chết cận kề, nhưng ý chí của người lính quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Dù thế nào cũng quyết không rời trận địa”, ông Huỳnh Năm kể lại đầy khí thế.

Trong trận đánh Đồn Nhất, Tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Dương không quản thân mình, hỗ trợ đồng đội chiến đấu và đã bị trúng đạn của địch, nhưng anh vẫn kiên quyết không rời vị trí chiến đấu cho đến lúc hy sinh. Máu đồng đội đổ xuống, xác đồng đội ngay trước mặt, nhưng nước mắt khóc thương đồng đội chỉ cho phép chảy vào trong, tất cả vẫn theo guồng cuộc chiến.

Câu chuyện “đánh trận” của ông Huỳnh Năm sinh động đã “hút” chúng tôi từng chi tiết một. Trong khoảnh khắc cao trào của câu chuyện, giọng ông nghẹn đi, nước mắt không kìm lại được, đó là khi nhắc đến đồng đội, những người đã anh dũng hy sinh.

“Tại hàng rào thép gai của địch, phía dưới địch đào hào sâu, cài mìn hoặc lựu đạn. Bộ đội muốn đánh phải dùng thang để vượt hào. Và hình ảnh khiến tôi không thể nào quên được đó là khi thang gãy, phải có người xuống hào, đặt thang trên vai để đồng đội đi qua. Đồng chí Nguyễn Bá Dương chính là người đã dùng sức nâng thang cho đồng đội ôm bộc phá trèo lên, giật nụ xòe, thả vào trong đồn… dù bị thương nặng.

Hay những chiến sĩ bị trúng đạn vẫn gan lỳ nằm đè lên dây thép gai “làm cầu” cho động đội đi qua, tiếp tục đánh đồn. Trong đêm, giặc bắn về phía ta như vãi đạn, thân xác đồng đội làm thành “cây cầu sống” nhuốm máu đỏ tươi, hình ảnh ấy hằn sâu trong trí nhớ. Tôi còn sống hôm nay cũng là nhờ đồng đội, nhờ những người kiên trung, can dạ, vì đất nước không tiếc thân mình”, ông Huỳnh Năm giọng đứt nghẹn kể.

Bầu không khí lại đổi thay khi ông Năm nói về Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu của mình: “Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu là người chỉ huy tài giỏi, mẫu mực, dũng cảm, oai hùng cùng chúng tôi xông pha chiến đấu. Ông luôn ở thao trường với anh em, cùng học cách đánh công kiên, lập ra lô cốt rồi tập đánh, mang cả thang ra đánh, rút kinh nghiệm và xử lý những tình huống phức tạp. Trước mỗi trận đánh đều nghiên cứu kĩ lưỡng với phương châm chỉ được thắng không được thua, chỉ được tiến không được lùi, cho đến khi tiêu diệt được mục tiêu. Tôi luôn tự hào là người lính Cụ Hồ của Tiểu đoàn 59, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng mẫu mực- Nguyễn Lựu”.

Nói về tâm nguyện của mình, ông Năm mong sao được đóng góp chút sức lực còn lại, giúp con cháu sau này hiểu đúng về lịch sử, biết công ơn của người đi trước, nối tiếp trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn non sông. 

Trong lời tâm sự của mình, ông Huỳnh Năm phấn khởi vì chiến công của Tiểu đoàn 59 được nhân dân ghi nhớ, tôn vinh. Trong đó, việc xây dựng khu Di tích chiến thắng Đồn Nhất – Hải Vân Quan và Di tích chiến thắng đồn Lệ Sơn khang trang như hiện nay… theo ông đây sẽ là địa để nhân dân, thế hệ trẻ dâng hương các Anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh vì nền hòa bình, độc lập của dân tộc. Và cũng là một trong những điểm tham quan lịch sử ý nghĩa, là “địa chỉ đỏ” để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ thêm trân trọng, tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc”, ông Năm xúc động cùng tự hào mỗi lần nhắc đến đồng đội.

Vẫn một lời cảm ơn vì chúng tôi đã nghe ông kể chuyện, vẫn một lời nhắn nhủ “các cháu cố gắng làm sao bằng cách của mình để thế hệ trẻ hiện nay và cả sau này biết về quá khứ, về lịch sử của dân tộc”, vẫn một niềm mong mỏi lớn “sống để chờ ngày chứng kiến Tiểu đoàn 59 và Tiểu ­ trưởng Nguyễn Lựu được công nhận là Anh hùng… rồi bản thân thỏa lòng mà nhắm mắt”, cái bắt tay của chúng tôi với ông Huỳnh Năm cũng vì những tâm tư này mà bịn rịn không rời.

Trận đánh Lệ Sơn, Đồn Nhất - Hải Vân Quan là trận đánh của lòng quả cảm, chiến thắng Lệ Sơn, Đồn Nhất - Hải Vân Quan đã được vinh danh, những chiến công của Tiểu đoàn 59 ngày ấy trên mảnh đất Đà Nẵng hậu thế lưu danh, ghi nhớ và đồng đội của ông Huỳnh Năm sẽ sống mãi trong lòng nhân dân, đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lệ Sơn, Đồn Nhất: Trận đánh của những chiến binh quả cảm