Sáng 19/4, Tỉnh ủy Khánh Hòa phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức Hội thảo khoa học 70 năm chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn (20/4/1953 – 20/4/2023) – Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm.
Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; đồng chí Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; đồng chí Nguyễn Khắc Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa; đồng chí Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Dự hội thảo còn có Thiếu tướng Cao Phi Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tư lệnh Quân khu 5; Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên – Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam; lực lượng vũ trang Quân khu 5 và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa cùng các nhân chứng lịch sử chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn.
Khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa ôn lại lịch sử, cách đây 70 năm, ngày 20/4/1953, Tiểu đoàn 59- Bộ đội chủ lực Liên khu 5 do đồng chí Nguyễn Lựu làm Tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy đã giành thắng lợi trong trận chiến đấu chống càn của địch tại Vườn Gòn- Đá Bàn. Trận đánh này đã tiêu diệt hơn 1 đại đội lính Âu, Phi trong cuộc viễn chinh của quân Pháp, thu giữ 1 đại liên, hơn 100 súng và trang thiết bị các loại.
Chiến thắng Vườn Gòn- Đá Bàn đã đi vào trang sử hào hùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên chiến trường Khánh Hòa, minh chứng tiêu biểu cho ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần cách mạng tiến công của quân và dân toàn tỉnh.
Chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn đã vinh danh những chiến sĩ anh hùng, trong đó có đồng chí Nguyễn Lựu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59 – nguyên chiến sĩ du kích Ba Tơ anh hùng. Ông là người chỉ huy mưu trí, sáng tạo, anh dũng, gan dạ trong chiến đấu, gần gũi thương yêu cấp dưới, gắn bó máu thịt với nhân dân.
Ngoài chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn, đồng chí Nguyễn Lựu chỉ đạo Tiểu đoàn 59 đánh thắng các trận chiến tiêu biểu như trận diệt cứ điểm Lệ Sơn năm 1952; cứ điểm Đồn Nhất năm 1952 tại đỉnh đèo Hải Vân; cứ điểm Thượng An năm 1953 tại An Khê (Gia Lai); cứ điểm Kon Braih năm 1954 tại Kon Rẫy (Kon Tum);…
Hội thảo khoa học hôm nay nhằm cung cấp, bổ sung những tài liệu, thông tin về chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 59 và nhiệm vụ xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Đề dẫn Hội thảo, Thiếu tướng Cao Phi Hùng - Phó Tư lệnh Quân khu 5 khái quát sự hình thành và chiến công của Tiểu đoàn 59. Thiếu tướng Cao Phi Hùng đề nghị Hội thảo bổ sung, làm sâu sắc thêm 6 vấn đề liên quan đến sự chỉ đạo của Đảng ủy Liên khu 5 và Tỉnh ủy Khánh Hòa; vai trò của bộ đội chủ lực; nghệ thuật quân sự riêng biệt của Tiểu đoàn 59; vai trò, tầm ảnh hưởng của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu đối với sự phát triển, trưởng thành của Tiểu đoàn 59; chiến thuật “vườn không, nhà trống”, thay đổi thế trận từ bị động sang chủ động; tầm ảnh hưởng của chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn đối với tiến trình cuộc kháng chiến chống Pháp.
Tại Hội thảo, 6 tham luận được trình bày gồm: Công tác phối hợp của Tỉnh ủy Khánh Hòa và Đảng ủy Liên khu 5 trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Tiểu đoàn 59 trên chiến trường Khánh Hòa (do đồng chí Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa trình bày).
Chiến thắng Vườn Gòn- Đá Bàn: Sự phối hợp tuyệt vời giữa các Lực lượng vũ trang trên địa bàn và mưu lược, tài trí của Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59 Nguyễn Lựu (Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam).
Tham luận Chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn: Giá trị vượt hơn một trận đánh (tác giả Tiến sĩ Hồ Hải Hưng, giảng viên Trường Cán bộ quản lý, giáo dục TPHCM); Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (Thượng tướng, PGS. TS. Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Quân sự Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng).
Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên – Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự trình bày tham luận Chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn: Bài học về tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân trong bảo vệ Tổ quốc.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam trình bày tham luận về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn trong giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ngoài ra còn có các tham luận được in trong cuốn kỷ yếu Hội thảo khoa học.
Tại Hội thảo, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, đã trao quà tri ân các cựu chiến binh Tiểu đoàn 59 là nhân chứng lịch sử.
Bên cạnh đó, gia đình đồng chí Nguyễn Lựu tặng cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa một số vật phẩm, tài liệu phục vụ công tác trưng bày nhà truyền thống.
Thay mặt gia đình, anh Nguyễn Tuấn Anh- cháu nội Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59 Nguyễn Lựu bày tỏ: “Nhìn lại lịch sử cuộc chiến chống Pháp ở Vườn Gòn – Đá Bàn, thế hệ cháu con như tôi vô cùng khâm phục ý chí chiến đấu, tinh thần cách mạng của ông nội. Từ bài học lịch sử, tôi lấy hình tượng ông làm kim chỉ nam trong cuộc sống của bản thân, tiếp tục rèn luyện đạo đức, phẩm chất chính trị, lối sống. Qua Hội thảo này, tôi xin cảm ơn quý đại biểu, bậc tiền bối là nhân chứng lịch sử đã góp phần nêu bật hình ảnh của ông tôi, để Hội thảo thành công tốt đẹp”.