Văn hóa - Du lịch

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thành Phan 27/04/2023 - 11:25

Sáng 27/4, tại Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Lê Hoàn (xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân), UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023, kỷ niệm 1018 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền thờ Lê Hoàn.

Dự lễ hội về phía Trung ương có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nông Quốc Thành; đại diện các cục, vụ thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội LHPN Việt Nam.

Về phía địa phương có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lại Thế Nguyên; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn; Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh; các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; đại diện lãnh đạo các tỉnh, huyện kết nghĩa với huyện Thọ Xuân; cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

le_hoi_le_hoan.jpg
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - Lễ hội đền thờ Lê Hoàn cho tỉnh Thanh Hóa.

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023, kỷ niệm 1018 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền thờ Lê Hoàn diễn ra trong không khí trang trọng, thành kính và tôn nghiêm.

Lễ hội bắt đầu với nghi thức truyền thống: rước kiệu, dâng hương, tấu trình chúc văn kính cáo anh linh Hoàng đế Lê Đại Hành và các bậc tiền nhân. Tiếp đó là màn trống hội sôi động, hào hùng thể hiện cho hào khí, tinh thần chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

le_hoi_le_hoan2.jpg
Các đại biểu về dự buổi lễ.

Tại buổi lễ, đồng chí Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã đọc diễn văn khẳng định vai trò, công đức và sự nghiệp hiển hách của Hoàng đế Lê Đại Hành; tôn vinh những giá trị độc đáo, quý báu của Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Lê Hoàn. Đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm và sự đóng góp của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn.

Hoàng đế Lê Đại Hành, húy là Lê Hoàn, sinh năm 941, tại làng Trung Lập, thuộc Ái Châu, nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ông được vua Đinh Tiên Hoàng phong cho chức Thập đạo Tướng quân, Điện tiền đô chỉ huy sứ, cai quản quân đội của Đại Cồ Việt và trực tiếp chỉ huy đội quân cấm vệ của triều đình. Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, năm Canh Thìn (năm 980), Lê Hoàn lên ngôi lấy tên gọi là Lê Đại Hành.

Trong thời gian trị vì, ông thể hiện tài năng ngoại giao xuất sắc, lập nhiều chiến công hiển hách và thực hiện nhiều cải cách tiến bộ vượt bậc. Năm Ất Tỵ (năm 1005), Hoàng đế Lê Đại Hành băng hà, thọ 64 tuổi.

le_hoi_le_hoan3.jpg
Một tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại buổi lễ.

Để tỏ lòng tri ân công đức cao dày của Anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành đối với dân tộc, nhân dân đã lập đền thờ ở nơi sinh ra ông để thường xuyên thờ phụng. Cùng với xây dựng Đền thờ, các thế hệ người dân trong vùng đã hình thành và phát triển nên một lễ hội đặc sắc - Lễ hội đền thờ Lê Hoàn.

Lễ hội được thể hiện qua các nghi lễ truyền thống tái hiện lại nhiều tục lệ rất độc đáo gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người dân dưới triều Hoàng đế Lê Đại Hành, các “Trại binh thời Lê Hoàn”, tổ chức nhiều trò chơi, trò diễn dân gian...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội đền thờ Lê Hoàn đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia