Lễ hội Bà Thu Bồn là một lễ hội dân gian của cư dân ven sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam. Lễ hội được tổ chức hằng năm từ mùng 10 đến 12 tháng 2 âm lịch, là dịp người dân nơi đây tỏ lòng thành kính biết ơn sự che chở của Bà cho dân làng sống trên bờ cũng như trên sông nước được bình an, ấm no.
Đây là lễ hội lớn mang màu sắc tín ngưỡng dân gian có từ bao đời thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc Chăm, Cơ Tu, Kinh sinh sống vùng thượng lưu sông Thu Bồn, Vu Gia (Quảng Nam).
Huyền tích về người Mẹ xứ sở…
Lễ hội Bà Thu Bồn xuất phát từ truyền thuyết, huyền tích về sự hiển linh của Bà Thu Bồn. Đó là hóa thân của vợ, hay con gái đồng trinh của một vị tướng hay vua Mây, vua Chàm, vua Việt... Tuy nhiên, cộng đồng cư dân ở dọc sông Thu Bồn, Quảng Nam đều thống nhất cho rằng Phường Rạnh, làng Trung An, xã Quế Trung, huyện Quế Sơn là nơi sinh quán, hay cụ thể, chính là nơi Bà Thu Bồn tử trận. Bà ngã xuống bên sông Thu Bồn và dòng nước cuốn trôi đưa thi thể Bà về bến sông của làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên.
Đến đây, thi hài Bà tràn ngập hương thơm và dừng lại, không chịu rời làng Thu Bồn theo dòng nước. Nhân dân kính phục đức hy sinh cao cả và sự linh hiển, phò trợ của Bà nên làm lễ an táng và thiết trí lăng mộ, xây dựng miếu đền thờ tự Bà một cách quy mô, thiêng liêng, trang trọng, với đầy đủ y phục, voi, ngựa, người hầu, nghi trượng, pháp khí...
Trên bình diện nghiên cứu về văn hóa dân gian, có thể nhận thấy rằng Bà Thu Bồn giữ được tính chất của tín ngưỡng thờ Mẫu nguyên thủy mà tinh thần chủ đạo cho việc hình thành ý tưởng là Lễ rước nước trong Lệ Bà Thu Bồn, gắn liền và xâu chuỗi mối quan hệ từ rất lâu đời giữa Lăng Bà Thu Bồn và Dinh Bà Phường Rạnh nói riêng, cũng như giữa hai cộng đồng cư dân Thu Bồn - Trung Yên dọc lưu vực sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam.
Với những giá trị quý báu về lịch sử văn hóa, Lăng Bà Thu Bồn tại làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 436/QĐ-UB ngày 15/02/2005 và Dinh Bà Thu Bồn tại Phường Rạnh, làng Trung An, xã Quế Trung, huyện Quế Sơn đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 130/QĐ-UBND, ngày 10/01/2008. Mới đây, Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch cũng đã công nhận Lễ hội Bà Thu Bồn là Di sản phi vật thể cấp Quốc gia.
Ước vọng an lành của người dân xứ Quảng
Sau hai năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ ngày 12-14/3 (tức mùng 10 – 12/2 âm lịch), tại làng Thu Bồn Đông, xã Duy Tân, UBND huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) phối hợp với UBND xã Duy Tân đã khai mạc Lêc hội truyền thống Bà Thu Bồn năm 2022. Lễ hội Bà Thu Bồn là một hình thái văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ mẫu có quy mô lớn nhất Quảng Nam.
Ngày 11 sẽ có lễ tế âm linh, cúng tiền nhân tiền bối, lễ rước sắc phong vua ban cho Bà, lễ rước nước, lễ tiên thường, dâng nước cho bà. Đến tối sẽ có hoạt động thả hoa đăng trên sông Thu Bồn, đến ngày 12 là lễ giỗ Bà. Dòng hoa đăng trải dài như mái tóc lấp lánh của người mẹ quê hương, xứ sở, mang sắc màu huyền bí. Tất cả đã điểm tô cho bức tranh sinh động, lung linh huyền ảo mà chủ thể là hình bóng mẹ Thu Bồn, người phụ nữ tài năng, đức độ, là người mẹ của quê hương, xứ sở mang sắc màu huyền bí, là biểu tượng của khát vọng đất nước thái bình.
Có nhiều truyền thuyết về bà Thu Bồn, song tất cả đều hội tụ và toát lên chân dung vẻ đẹp của người phụ nữ đa tài, đức độ, là người Mẹ của quê hương, xứ sở mang sắc màu thần bí, là biểu tượng của khát vọng đất nước thái bình.
Vào những năm hạn hán, lụt lội người dân trong vùng đói khổ, Bà đều linh ứng hiện về cứu giúp khôi phục mùa màng… Để đền đáp công ơn độ thế của Bà, dân trong vùng quyết định xây một dinh thờ lớn thờ chiếc áo quan và hành lễ hàng năm, trong sân dinh trồng nhiều cây hoa sứ và một cây đa… Trên trụ cổng Dinh Bà còn câu đối “Hiển hách thiêng liêng tại/Anh linh vạn cổ tồn”.
Dưới triều vua Minh Mạng, Bà được sắc phong là “Mỹ Đức Thục Hạnh Bô Bô Phu nhân Thượng đẳng thần” mà nay bài vị thờ trong Dinh Bà còn ghi. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hồng, dù là Bô Bô Phu nhân theo tên Chăm hay Bà Thu Bồn theo cách gọi Việt, thì đó vẫn là “sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố Chăm – Việt trong tín ngưỡng, thể hiện ở chỗ Bà được xem là vị thần bảo hộ cho cả cư dân sống trên cạn và cư dân sống bằng nghề sông nước…
Bởi thế, trong phần lễ của Lễ hội Bà Thu Bồn bao giờ cũng phải đầy đủ các nghi thức: lễ rước Sắc, lễ rước nước, lễ đại tế tại Dinh Bà. Trong đó, lễ rước Sắc được tiến hành trên cạn vào chiều ngày hôm trước (11/2 âm lịch) với 9 đội hình trông rất oai nghiêm gồm: lân; cờ đại; cờ ngũ sắc; nhạc cổ; trống chiêng; kiệu rước Sắc; lính hộ tống; đội hình phụ nữ và bô lão.
Trong những ngày diễn ra lễ hội, còn tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian như hô hát bài chòi, biểu diễn dân ca kịch… làm cho đời sống tinh thần của người dân địa phương thêm vui tươi phấn khởi sau hơn 2 năm dịch bệnh Covid kéo dài. Cùng với hoạt động văn hóa, thể thao, năm nay huyện Duy Xuyên còn tổ chức giới thiệu nhiều sản phẩm Ocop tiêu biểu của các doanh nghiệp, HTX và người dân tại 14 xã thị trấn. Nhiều sản phẩm truyền thống đặc biệt ấn tượng với du khách đến tham quan, tế lễ như sản phẩm nước mắm truyền thống miền biển, sản phẩm nông nghiệp và các làng nghề.
Ông Nguyễn Thế Đức – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết: Lễ hội Bà Thu Bồn là một hình thái văn hóa phi vật thể tín ngường thờ Mẫu có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Lễ hội đã giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng dân gian; từ đó nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cộng đồng dân cư sống dọc theo hai bên bờ sông Thu Bồn. Năm 2022, lễ hội Bà Thu Bồn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Những năm qua, Dinh Bà Thu Bồn được chính quyền huyện Duy Xuyên quan tâm trùng tu, tôn tạo và đang mở rộng về quy mô lễ hội, làm phong phú và sinh động hơn về nội dung và hình thức, để tạo được dấu ấn bởi những yếu tố văn hóa phi vật thể đậm chất dân gian và sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, nhất là kết nối du lịch các địa phương vùng tây Duy Xuyên”, Phó Chủ tịch huyện Duy Xuyên chia sẻ.
Lễ hội là một trong những giá trị văn hóa, tâm linh mang đậm dấu ấn đời sống tín ngưỡng dân gian của quê hương, xứ sở gắn với sông mẹ Thu Bồn, thể hiện khát vọng phồn thực, cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an cho cộng đồng làng xã. Hội Bà Thu Bồn đã giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng dân gian, từ đó nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cộng đồng dân cư sống dọc theo hai bên bờ sông Thu Bồn.