Ngày 27/10, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ Nguyễn Văn Long cho biết, đơn vị đang phối hợp với Viện Khảo cổ học và cơ quan liên quan hoàn thiện thủ tục pháp lý để khai quật khảo cổ khu chân móng Thành Nhà Hồ.
Các đơn vị liên quan triển khai thực hiện tu sửa công trình theo các trình tự và thủ tục của pháp luật hiện hành. Sau khi hạ giải tường thành và chân móng tại vị trí sạt lở, đã xuất lộ 2 đoạn móng (có tổng chiều dài khoảng 15m) với kết cấu khác nhau: Đoạn 8,7m có đá lót chân móng và đoạn 6,3m không có đá lót chân móng.
Đối chiếu với kết quả khai quật khảo cổ học năm 2018 thì có sự sai khác. Để có cơ sở triển khai thực hiện dự án ở giai đoạn tiếp theo, cần thiết phải tiến hành khai quật khảo cổ học để làm rõ kết cấu và cách thức gia cố móng chân tường thành sau khi hạ giải.
So sánh sự khác biệt với kết quả khảo cổ học trước đó, tạo cơ sở cho đơn vị tư vấn thiết kế có cơ sở xây dựng phương án gia cố móng theo nguyên gốc, làm cơ sở cho đơn vị thi công tiến hành bảo tồn, gia cố phần móng đảm bảo đúng theo quy định.
Đồng thời, việc gia cố phần móng cho phép tính toán kết cấu chịu lực gia cố phần móng ở khu vực bên dưới, tạo cơ sở cho đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng phương án gia cố khu vực tường thành bên trên.
Mục đích khai quật là làm rõ sự khác biệt của 2 loại kết cấu móng tường thành đã tìm thấy tại khu vực dự án. Làm rõ kết cấu các loại móng và cách thức gia cố móng tường thành đá Di sản thế giới Thành Nhà Hồ.
Các nhà khoa học sẽ tiến hành trên diện tích khai quật khoảng 60m2, gồm 6 hố tại vị trí đoạn tường thành - 15m tường thành phía Đông Bắc, Di sản văn hóa tế giới Thành Nhà Hồ.
Quy trình khai quật khảo cổ sử dụng phương pháp nghiên cứu của khảo cổ học: điều tra, khai quật, nghiên cứu di tích và di vật tại khu di tích; khai quật theo hố, xử lý và thu thập đầy đủ thông tin về di tích, di vật theo phương pháp của khảo cổ học tại hiện trường (ghi chép, đo vẽ, chụp ảnh, quay phim…) để lập hồ sơ khoa học.
Toàn bộ di vật, cổ vật thu được trong quá trình khai quật khảo cổ được lưu giữ, bảo quản tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo quản và phát huy giá trị di sản đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia và các nhà khoa học đây là lần đầu tiên tiến hành dự án tu sửa tường thành di sản Thành Nhà Hồ nên cần phải thực hiện một cách cẩn trọng, khoa học để phục vụ cho triển khai dự án tu sửa cấp thiết tường thành hiện tại cũng như làm cơ sở cho việc trùng tu, tu bổ các đoạn tường thành bị sụp đổ còn lại sau này.
Thành Nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai) là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu của Việt Nam dưới thời nhà Hồ), nằm trên địa phận tỉnh Thanh Hóa.
Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới.
Thành được xây dựng trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397) và cho đến nay, dù đã tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng một số đoạn của tòa thành này còn lại tương đối nguyên vẹn.
Ngày 27/6/2011, sau 6 năm đệ trình hồ sơ, Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, thành cũng được CNN đánh giá là một trong 21 di sản nổi bật và vĩ đại nhất thế giới.