Luật Năng lượng nguyên tử đề xuất phân quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân cho Thủ tướng Chính phủ (hiện thuộc thẩm quyền của Quốc hội).
Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp 44, sáng 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về phân cấp, phân quyền, Luật Năng lượng nguyên tử đề xuất phân quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân cho Thủ tướng Chính phủ. Theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công thẩm quyền này giao cho Quốc hội
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật– Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, quy định thẩm quyền như trên là điểm khác biệt rất lớn so với Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công. Quan điểm chung là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhưng với dự án điện hạt nhân phải hết sức thận trọng, do đó cần báo cáo kỹ lưỡng với Quốc hội vấn đề này.
Theo ông Tùng, dự án nhà máy điện hạt nhân rất quan trọng, tiềm ẩn nguy cơ tác động môi trường, kinh tế xã hội, di dân thực hiện dự án và nguồn vốn rất lớn… Đây đều là tiêu chí của dự án quan trọng quốc gia, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội.
Từ đó, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng đề nghị làm rõ: “Phân cấp, phân quyền cho Thủ tướng Chính phủ thì nhanh hơn, gọn hơn hay tốt hơn thế nào? Nếu chuẩn bị kỹ và trình Quốc hội xem xét thì có mất nhiều thời gian so với việc giao cho Thủ tướng Chính phủ? Khi trình Quốc hội với đầy đủ hồ sơ, đại biểu Quốc hội thảo luận cũng là dịp để nhân dân hiểu rõ hơn chính sách, tính pháp lý và đồng thuận cao hơn”.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, hiện dự án điện hạt nhân sau khi cấp có thẩm quyền đồng ý mới ra Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, tới đây, luật ủy quyền cho Thủ tướng Chính phủ "thì có phù hợp không vì đây là công trình trọng điểm quốc gia, ảnh hưởng rất lớn đến quyền, nghĩa vụ, tính mạng của người dân”.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ sẽ giải trình rõ cơ sở phân cấp, phân quyền cũng như đánh giá tác động liên quan để đảm bảo an toàn và chủ động, "vì an toàn hạt nhân được đặt lên trên hết, trước hết và cao nhất".
Phó Thủ tướng đề nghị vấn đề nào rõ thì sớm thông qua để làm cơ sở cho triển khai dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
“Quan điểm cá nhân tôi tiếp cận theo quy mô dự án, theo hướng dự án có quy mô nhỏ và vừa, tiêu chuẩn hóa, kiểm soát được thì nên giao Thủ tướng Chính phủ quyết định; còn dự án quy mô lớn, tác động ảnh hưởng rất lớn từ vận hành cho đến sau dừng hoạt động thì Quốc hội quyết định. Chúng tôi sẽ xin ý kiến lại với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”-Phó Thủ tướng nêu quan điểm.