Chính trị

Quốc hội cho áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận

Duy Tuấn - Hữu Tuấn 19/02/2025 - 11:17

Với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, sáng 19/2, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

hn1.jpeg
Toàn cảnh kỳ họp.

Theo đó, Nghị quyết được thông qua với 459 đại biểu tán thành (chiếm 96,03%), đồng ý triển khai các cơ chế, chính sách đặc biệt cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Dự án phải áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm và hướng dẫn kỹ thuật do đối tác thực hiện, bảo đảm nội dung áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Các tiêu chuẩn này không được thấp hơn quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam và phải phù hợp với tiêu chuẩn về an toàn, hướng dẫn về an ninh của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với gói thầu chìa khóa trao tay

Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt để đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, bao gồm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và các dự án thành phần khác (sau đây gọi chung là Dự án). Một số cơ chế, chính sách đặc biệt cũng được áp dụng cho tỉnh Ninh Thuận để thực hiện Dự án.

Đáng chú ý, Nghị quyết giao Thủ tướng Chính phủ quyền giao chủ đầu tư thực hiện các dự án. Đặc biệt, hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn sẽ được áp dụng đối với gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong điều ước quốc tế.

Phạm vi công việc của hợp đồng chìa khóa trao tay bao gồm lập hồ sơ phê duyệt địa điểm; mua bảo hiểm cho toàn bộ phạm vi thực hiện hợp đồng (được phép mua bảo hiểm từ doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài chưa có chi nhánh tại Việt Nam); cung cấp nhiên liệu hạt nhân; vận hành, bảo dưỡng nhà máy trong 5 năm kể từ ngày dự án nghiệm thu đưa vào sử dụng.

hn3.jpeg
Chủ Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Chủ tịch biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Ngoài ra, chỉ định thầu theo quy trình rút gọn cũng được áp dụng cho các gói thầu tư vấn quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, bao gồm lập, thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; tư vấn trợ giúp chủ đầu tư đàm phán, ký kết, quản lý hợp đồng chìa khóa trao tay; thẩm tra hồ sơ phê duyệt địa điểm, báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình; tư vấn quản lý dự án và giám sát thi công.

Trình tự, thủ tục chỉ định thầu theo quy trình rút gọn sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

hn2.jpeg
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Nghị quyết cho phép đàm phán với Chính phủ các đối tác để thu xếp vốn theo nhu cầu của Dự án và cam kết của nhà tài trợ nước ngoài.

Trong quá trình thực hiện, nếu đàm phán hiệp định vay không thành công hoặc quy mô khoản vay không đủ, Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương, nguồn tiết kiệm chi ngân sách trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Chủ đầu tư được phép thu xếp vốn đối ứng từ nguồn vốn vay, vốn trái phiếu doanh nghiệp, vốn vay lại trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công trình do Chính phủ phát hành, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh với các điều kiện vay phù hợp.

Bảo đảm minh bạch, lựa chọn được công nghệ hiện đại, an toàn

Theo Nghị quyết, điện hạt nhân là dự án quy mô lớn, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện, do đó, Quốc hội yêu cầu cần có cơ chế bảo đảm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thủ tướng Chính phủ phải thành lập tổ công tác gồm đại diện các Bộ Quốc phòng, Công an, Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và các bộ, ngành liên quan để theo dõi, giám sát thường xuyên quá trình thực hiện các gói thầu.

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Lê Quang Huy cho biết: Dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh lý theo hướng quy định thống nhất hình thức lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, thể hiện tại các điểm b, c, d khoản 2 Điều 3.

Việc chỉ định thầu chỉ áp dụng đối với các gói thầu có tính đặc thù, liên quan đến công nghệ hạt nhân, an toàn hạt nhân và các hạng mục phục vụ trực tiếp cho việc triển khai đầu tư xây dựng nhà máy chính.

Đối với các dự án thành phần và công việc khác mà các đơn vị trong nước có đủ năng lực thực hiện, chủ đầu tư và các cơ quan liên quan phải tuân thủ quy trình đấu thầu theo quy định hiện hành.

hn4.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Lê Quang Huy.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo bổ sung quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3, đồng thời chỉnh lý nhiều nội dung tại khoản 1 Điều 4 để đảm bảo tính minh bạch, lựa chọn công nghệ hiện đại, an toàn.

UBTVQH cũng báo cáo rằng quy trình, thủ tục thực hiện chỉ định thầu và các hình thức lựa chọn nhà thầu khác đã được pháp luật đấu thầu quy định rõ ràng.

Ngoài ra, Luật Đấu thầu có quy định chi tiết về kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu của cơ quan quản lý nhà nước và công khai, đăng tải thông tin về từng gói thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Ông Lê Quang Huy nhấn mạnh, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng để đảm bảo minh bạch, lựa chọn công nghệ hiện đại, an toàn. Về phương án tài chính và thu xếp vốn (khoản 7 Điều 3), UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý điểm đ khoản 7 Điều 3 dự thảo Nghị quyết như sau:

"Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tăng vốn điều lệ của chủ đầu tư từ nguồn đánh giá lại tài sản đã hết khấu hao của các nhà máy điện BOT đã nhận bàn giao và các nhà máy thủy điện đa mục tiêu để thực hiện Dự án, với mức vốn bổ sung tương đương mức vốn của dự án quan trọng quốc gia."

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội cho áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận