Trong lựa chọn chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ đề xuất chính sách đặc thù, trong đó để Thủ tướng giao chủ đầu tư thực hiện các dự án; áp dụng hình thức hợp đồng "chìa khóa trao tay" và chỉ định thầu xây dựng nhà máy...
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng nay (14/2), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Hoàn thành vào năm 2030
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, do đây là Dự án đặc biệt quan trọng, có công nghệ phức tạp, chỉ một số ít quốc gia sở hữu; nhu cầu vốn đầu tư rất lớn và lần đầu tiên được đầu tư xây dựng tại nước ta nên rất cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện.
Về cơ chế, chính sách đặc thù cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, theo ông Diên, Chính phủ đề nghị 10 nội dung. Trong đó, đề nghị Quốc hội cho phép triển khai đồng thời các công việc về đàm phán các hiệp định, thỏa thuận với đối tác song song với quá trình lập các hồ sơ và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư.
Đặc biệt, về lựa chọn chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện: Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư thực hiện các dự án; áp dụng hình thức hợp đồng chìa khóa trao tay và chỉ định thầu đối với gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong Thỏa thuận hoặc Hiệp định liên Chính phủ; áp dụng hình thức chỉ định thầu/chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu tư vấn quan trọng để lập, thẩm tra, thẩm định, trợ giúp chủ đầu tư quản lý, thực hiện dự án; mua nhiên liệu, thuê đối tác vận hành, bảo dưỡng trong thời gian đầu. Được thực hiện song song, đồng thời một số công việc chuẩn bị dự án (khảo sát lập nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, rà phá bom mìn, thực hiện dự án thành phần…) trong quá trình đàm phán hiệp định, thỏa thuận, hợp đồng chìa khóa trao tay trước khi phê duyệt dự án đầu tư.
Về phương án tài chính và thu xếp vốn thực hiện dự án: Đàm phán vay vốn Chính phủ với các đối tác; cho phép chủ đầu tư vay lại không chịu rủi ro tín dụng; sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác; chủ đầu tư được sử dụng nguồn vốn vay từ trái phiếu Chính phủ/doanh nghiệp/công trình và một số cơ chế khác để có đủ vốn đối ứng thực hiện dự án; bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện dự án di dân, tái định cư.
Ông Diên nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù nêu trên là rất cấp thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Việt Nam khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, dự kiến vận hành năm 2030 phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam; còn nhà máy Ninh Thuận 2 ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.
Bổ sung cơ chế kiểm soát chặt chẽ các điều khoản hợp đồng gói thầu chìa khóa trao tay
Thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (KH,CN&MT) Lê Quang Huy thống nhất với sự cần thiết ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Chính phủ đề xuất đưa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành trong năm 2030. Do đó, đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng và bổ sung giải pháp để bảo đảm mục tiêu hoàn thành dự án theo đề xuất của Chính phủ. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo bổ sung thông tin về cơ sở chính trị, pháp lý, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về mốc tiến độ để nêu bật cần thiết phải ban hành Nghị quyết.
Về lựa chọn nhà thầu, theo ông Huy, một số ý kiến tán thành các cơ chế lựa chọn nhà thầu được Chính phủ đề nghị trong dự thảo Tờ trình nhằm sớm triển khai dự án, rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nội dung về chỉ định thầu đã được quy định trong Luật Đầu tư và phù hợp với việc lựa chọn nhà thầu trong đầu tư xây dựng dự án này, do đó đề nghị không đưa vào dự thảo Nghị quyết.
Đáng chú ý, đối với việc áp dụng chỉ định thầu gói thầu chìa khóa trao tay là hợp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
"Tuy nhiên, hình thức này có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, nguy cơ lợi ích nhóm và thiếu minh bạch trong quá trình thực hiện. Đề nghị cần có quy định rõ ràng về điều kiện áp dụng, tiêu chí lựa chọn nhà thầu, bổ sung cơ chế kiểm soát chặt chẽ các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là các cam kết về công nghệ, bảo trì và chuyển giao công nghệ sau khi hoàn thành dự án", ông Huy lưu ý.
Về phương án tài chính và thu xếp vốn, đề nghị nghiên cứu, cân nhắc việc quy định cụ thể trong dự thảo Nghị quyết khi trao cơ chế, chính sách đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Về cơ chế để đảm bảo mức vốn đối ứng, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ và khẳng định việc đánh giá lại tài sản để bổ sung vốn tự có, việc giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế còn lại để bổ sung vốn đối ứng... là hoàn toàn chỉ phục vụ cho việc triển khai dự án điện hạt nhân, không phục vụ cho bất kỳ mục đích nào khác. Có ý kiến đề nghị cần có quy định chặt chẽ về hạn mức vay vốn, lãi suất, thời hạn trả nợ và các điều kiện ràng buộc khác có liên quan...; có các giải pháp kiểm soát sử dụng vốn vay đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả.