Môi trường

Khả năng phát triển điện hạt nhân của Việt Nam đến đâu?

Gia Khánh 05/02/2025 15:19

Theo Bộ Công thương, các yếu tố đầu vào trong đó có cơ cấu nguồn điện tối ưu của hệ thống xuất hiện thêm nguồn điện hạt nhân đã làm thay đổi một phần mục tiêu, nội dung của Quy hoạch điện VIII.

dien-hat-nhan-.jpg
Tiềm năng xây dựng nguồn điện hạt nhân có thể xem xét xây dựng tại 3 vùng Nam Trung Bộ , Trung Trung Bộ và Bắc Trung Bộ.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được nêu trong Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi.

Đánh giá về các địa điểm tiềm năng phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam, Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 cho biết: Vị trí tiềm năng để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn gồm 8 vị trí trong Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17/06/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch định hướng phát triển điện hạt nhân, mỗi vị trí có tiềm năng phát triển khoảng 4- 6 GW nguồn điện hạt nhân.

8 vị trí tiềm năng để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân cụ thể gồm: 1) Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; 2) Thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận; 3) Thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; 4) Vũng La, thôn Phú Hải, xã Xuân Phương, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên; 5) Thôn Sơn Tịnh, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; 6) Bãi Chà Là, thôn Bình Tiên, xã Cống Hải, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận; 7) Thôn Gia Hòa, xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi; 8) Thôn Văn Bân, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Cũng theo Bộ Công thương, từ tiềm năng trên, điện hạt nhân có thể xem xét xây dựng tại 3 vùng: Nam Trung Bộ (khoảng 25 - 30 GW), Trung Trung Bộ (khoảng 10 GW) và Bắc Trung Bộ (khoảng 4 - 5 GW). Nhưng đến thời điểm hiện nay, chỉ có 2 địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải là có công bố quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Một số địa điểm tiềm năng khác (2 địa điểm ở Quảng Ngãi, 1 địa điểm ở Bình Định) được xem xét là địa điểm tiềm năng phát triển 4 tổ máy điện hạt nhân quy mô lớn.

"Tuy nhiên, do không có quy hoạch được công bố, nên sau 10 năm, các địa điểm này đều cần rà soát, đánh giá lại do có thể có nhiều biến động kinh tế xã hội, phát triển kinh tế tại các khu vực", Bộ Công thương lưu ý.

Về địa điểm xây dựng lò phản ứng kiểu mô-đun nhỏ (SMR), dự thảo điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho hay: Lựa chọn địa điểm là một bước quan trọng để đưa SMR vào hệ thống năng lượng khu vực. Quá trình này sẽ có tác động đáng kể đến chi phí xây dựng, sức khỏe môi trường, an toàn và các khía cạnh khác trong suốt thời gian hoạt động của nó.

Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều thiết kế SMR đang được phát triển ở nhiều giai đoạn khác nhau trên khắp thế giới. Trong khi hiện Việt Nam chưa có quy định pháp quy về yêu cầu địa điểm đối với lò SMR.

"Trong trường hợp không có quy định hướng dẫn cụ thể về lựa chọn địa điểm đối với SMR, việc thực hiện phải tuân thủ theo quy định yêu cầu địa điểm nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn hiện hành", theo Bộ Công thương.

Đánh giá về khả năng phát triển của nguồn điện hạt nhân, Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 nhấn mạnh, ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam. Hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 trước đây đã được Tư vấn thiết kế hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) nhưng chưa được phê duyệt.

“Do đó đề án đưa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và điện hạt nhân Ninh Thuận 2 trong kịch bản có chính sách phát triển điện hạt nhân của Chính phủ”, dự thảo của Bộ Công thương thông tin.

Cũng theo Bộ Công thương, nguồn điện hạt nhân (kể cả điện hạt nhân quy mô nhỏ SMR) đều phải đặt ở những vị trí có tiềm năng do đặc biệt liên quan đến vấn đề an toàn, địa chất khu vực và vấn đề chôn cất chất thải hạt nhân. Do đó, đề án chỉ tính toán cho những vị trí tiềm năng đã được phê duyệt tại Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17/06/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch định hướng phát triển điện hạt nhân.

Theo quyết định trên, giới hạn tiềm năng xây dựng nguồn điện hạt nhân có thể xem xét xây dựng tại 3 vùng như sau: Nam Trung Bộ (khoảng 30 GW), Trung Trung Bộ (khoảng 10 GW) và Bắc Trung Bộ (khoảng 5 GW).

Việc điều chỉnh QHĐ VIII là rất cấp bách

Trước các khó khăn thách thức trong phát triển nguồn lưới điện, tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện, ngày 03/01/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.

Theo đó, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới đặt ra cao hơn rất nhiều so với thời gian qua, tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 phấn đấu đạt trên mức 8% và tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2026-2030 phấn đấu ở mức 2 con số, đòi hỏi điện năng tăng trưởng gấp 1,5 lần, dự kiến bình quân hàng năm từ 10,3% đến 12,5%. Chỉ thị cũng đưa ra yêu cầu cấp bách cần tập trung rà soát, nghiên cứu điều chỉnh QHĐ VIII để kịp thời cập nhật các yêu cầu, mục tiêu chiến lược mới về phát triển kinh tế xã hội; cập nhật, bổ sung các nguồn điện mới, nguồn điện xanh, sạch, bền vững, đồng thời loại bỏ, thay thế các dự án chậm tiến độ, không phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.

Theo Bộ Công thương, các yếu tố đầu vào như trên làm thay đổi một phần mục tiêu, nội dung của QHĐ VIII như: nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc và các vùng, miền tăng cao; cơ cấu nguồn điện tối ưu của hệ thống bị thay đổi do xuất hiện thêm nguồn điện hạt nhân; năng lực của hệ thống truyền tải điện liên miền cần được rà soát, đánh giá lại; thay đổi về nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu vốn đầu tư. Cần thực hiện các phân tích, dự báo, tính toán căn cơ, bài bản để xác định kịch bản phát triển điện lực tối ưu. Do vậy, việc điều chỉnh QHĐ VIII là rất cấp bách nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện, kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, phù hợp với quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khả năng phát triển điện hạt nhân của Việt Nam đến đâu?