Chưa bao giờ việc mua bán thực phẩm chức năng lại dễ dàng như hiện nay và nhiều khi chỉ cần một cú nhấp chuột là sẽ có người giao đến tận tay, tuy nhiên không phải lúc nào người tiêu dùng cũng mua được sản phẩm đảm bảo chất lượng…
Mua thực phẩm chức năng dễ như mua… kẹo
Khái niệm thực phẩm chức năng ở thời điểm hiện tại đã không còn xa lạ với đời sống. Trên thanh công cụ tìm kiếm của Google, nếu gõ cụm từ “thực phẩm chức năng” sẽ cho ra 1.170.000 kết quả trong 0,36 giây. Còn nếu gõ môt sản phẩm mà chị em hiện nay đang rất quan tâm là collagen sẽ cho ra kết quả 62,900,000 kết quả trong vòng 0.23 giây. Và nếu nhấp chuột tiếp vào bất cứ một dòng kết quả nào hiện ra bên dưới, sẽ cho ra đầy đủ thông tin rất hấp dẫn về sản phẩm cùng thông tin để người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm cần tìm.
Người tiêu dùng hiện nay có thể dễ dàng mua các loại thực phẩm chức năng
Tại Hà Nội, một con phố mà chị em văn phòng hay rủ nhau đến để mua những lọ thực phẩm chức năng cho mình và người thân. Đó là phố Nguyễn Sơn gần sân bay Gia Lâm. Tại đây có thể nói trên là trời, dưới là vô vàn sản phẩm có tên gọi xuất xứ “hàng xách tay” được các chủ cửa hàng giới thiệu là do các tiếp viên hàng không xách về theo các chuyến bay. Vào bất cứ cửa hàng nào, người tiêu dùng cũng có thể mua cho mình đủ loại thực phẩm chức năng phổ biến như collagen, sụn vi cá mập, sữa ong chúa, tảo… luôn được giới thiệu có nguồn gốc xuất xứ từ Nhật Bản, Australia, Mỹ.
Nếu lười đi xa, người tiêu dùng cũng không khó để sờ tận tay, nhìn tận mắt sản phẩm muốn mua tại các cửa hàng bán đồ xách tay đang được mở ra ở khắp các nơi, đặc biệt là ở các khu đô thị mới. Chỉ cần đăng một địa chỉ trên diễn đàn dành cho chị em, thế là một ai đó cũng có thể kinh doanh sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khoẻ con người, lại còn dễ dàng qua mặt cả sự kiểm soát của các cơ quan chức năng .
Không chỉ phổ biến ở các thành phố lớn, thực phẩm chức năng đang len lỏi về các thị xã, thị trấn với tốc độ nhanh chóng. Không khó để bắt gặp những chủ cửa hàng ở các tỉnh chen chân trên một cửa hàng có tiếng ở phố Nguyễn Sơn là H.C để mua buôn sản phẩm về bán ở các tỉnh thành. 5-7 nhân viên của cửa hàng này luôn trong tình trạng tất bật nhặt đồ cho khách, hay đóng cửa hiệu để đi giao hàng tại các tỉnh. Phổ biến nhất vẫn là các mặt hàng như: Collagen, sữa ong chúa, tảo… những sản phẩm được cho là tốt cho sắc đẹp của chị em.
Chị Nhung, một người khách mua hàng từ Nam Định cho biết, tháng đôi lần chị lên Hà Nội lấy hàng, khi bận quá chỉ cần gọi điện thì chị Huyền, chủ cửa hàng sẽ gửi về. Khách hàng của chị Nhung ở Nam Định phần lớn là giới công nhân viên chức và số lượng khách hàng sử dụng thực phẩm chức năng theo kiểu “rỉ tai nhau” của chị vẫn không ngừng tăng lên.
Theo Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, tại Hà Nội và TP.HCM có trên 50% số người trưởng thành sử dụng thực phẩm chức năng, thế nhưng rất khó để nói rằng, những người dùng đang được sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Vàng thau lẫn lộn
Việt Nam thực sự là thị trường tiềm năng cho sản phẩm thực phẩm chức năng. Nếu năm 2000, mới chỉ có khoảng 63 sản phẩm thực phẩm chức năng của 13 đơn vị nhập vào Việt Nam thì đến hết năm 2013, cả nước đã có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia kinh doanh sản phẩm này, với khoảng 6.851 sản phẩm đang lưu hành, gồm 5.518 sản phẩm nhập khẩu và 1.333 sản phẩm sản xuất trong nước. Còn tính đến thời điểm hiện nay, đã có hơn 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng đang hiện diện trên thị trường.
Bên cạnh một số ít sản phẩm được sản xuất trong nước, Việt Nam còn nhập khẩu thực phẩm chức năng từ gần 40 thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Australia… trong số đó riêng nhập khẩu từ Mỹ là hơn 1000 sản phẩm.
Bịch sản phẩm sữa ong chúa giả bị cơ quan chức năng bắt giữ hồi tháng 1/2015. Ảnh VNE
Điều đáng báo động là việc kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm thực phẩm chức năng đang rất khó khăn dù các cơ quan chức năng đang làm rất quyết liệt. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2015, Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế đã xử phạt hàng loạt công ty vi phạm về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm chức năng với mức tiền phạt lên đến 1.5 tỷ đồng. Trong số những vi phạm này, vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất. Có những thời điểm, hơn 53% số lượng DN vi phạm về TPCN là vi phạm liên quan tới quảng cáo (như quảng cáo khi chưa có thẩm định của cơ quan y tế, quảng cáo quá nội dung được phê duyệt).
Bên cạnh việc nói quá về công dụng của sản phẩm, người tiêu dùng còn đối diện với nguy cơ sử dụng phải thực phẩm chức năng giả. Đầu tháng 6/2015, Công an Hà Nội đã khám phá, điều tra, bắt giữ đối tượng làm giả một số mặt hàng thực phẩm chức năng trong đó có Sữa ong chúa Costar, thực phẩm chức năng nhau thai cừu… Đáng nói là các đối tượng bị bắt giữ khai nhận đã thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả từ tháng 10/2014 đến khi bị bắt và những sản phẩm đó từng được hợp thức hoá để đưa vào trung tâm bán buôn dược phẩm có tiếng Hapulico.
Đơn vị chức năng vào cuộc
Chị Kim Thanh, một nhân viên của hãng bảo hiểm Prudetial chia sẻ rằng, để đảm bảo an toàn khi sử dụng sản phẩm thực phẩm chức năng, chị đã phải nhờ cháu mình đang học bên Mỹ mua và gửi về Việt Nam. Dĩ nhiên mức giá về đến tay chị không bao giờ có giá rẻ như các trang đang rao bán trên mạng nhưng chị yên tâm để cho mình và gia đình sử dụng. “Ngay cả những người khẳng định là đặt hàng trên mạng tôi cũng không mấy yên tâm”, chị Thanh chia sẻ. Cũng vì lý do đó, nếu không phải sản phẩm của cháu gửi về chị sẽ không mua ngoài.
Cũng nhiều người có chung suy nghĩ giống chị Thanh, nên cứ có điều kiện là nhờ người nhà hoặc bạn bè mua gửi về giúp, nhưng điều đó cũng khá bất tiện vì không phải lúc nào cũng có thể nhờ được. Thế nên, thị trường thực phẩm chức năng vẫn phát triển và ngày càng khó kiểm soát.
Trước sự hỗn loạn của thị trường thực phẩm chức năng, ngày 13/7/2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) đã có công điện phát động mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng từ ngày 15/7/2015 đến ngày 15/10/2015. Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cũng đã thành lập ba đoàn kiểm tra tại các tỉnh, thành như: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Long An từ tháng 7 đến tháng 9/2015. Cũng theo kế hoạch này, khi triển khai tại thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, sẽ kết hợp kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.
Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, thị trường thực phẩm chức năng có thể lập lại trật tự và người tiêu dùng sẽ tránh được tình trạng “bỏ tiền mua bệnh vào người”.