Đây là quan điểm của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam, bởi nhóm cổ phiếu này đang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho sự tăng trưởng giá cổ phiếu.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, thị trường đang thiếu động lực dẫn dắt từ nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, trong khi dòng tiền tập trung ở nhóm vốn hoá vừa và nhỏ. Ông kỳ vọng nhóm "cổ phiếu vua" sẽ dẫn dắt thị trường nửa cuối năm.
Ông Minh giải thích, xét về định giá, hiện PB dự phóng năm 2022 của nhóm này mới 1,2 lần, thấp hơn nhiều so với mức định giá chuẩn là 2 lần, nên về góc độ định giá là hấp dẫn cho cổ phiếu ngân hàng cho giai đoạn này, là vùng an toàn. An toàn là nhìn ở góc độ top down của thị trường, hiện xác suất giảm giá của thị trường đang thấp hơn so với khả năng upside trong nửa cuối năm. Rủi ro thị trường giảm nhiều so với trước, về mức trung tính.
Chưa kể, thời gian qua, room tín dụng bị ảnh hưởng, trong kịch bản tích cực room tín dụng được nới ra trong quý 3, thì dự báo ROE ngành ngân hàng đạt 21% trong 2022, vẫn đảm bảo tỷ suất tốt với mặt bằng chung thị trường hiện nay.
Vị chuyên gia của Yuanta Việt Nam đánh giá đây là thời điểm an toàn để quay lại nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Trong 6 tháng cuối năm, có khả năng trở lại nhóm tài chính, đặc biệt là ngân hàng. Dài hạn vẫn là cơ hội tích lũy cổ phiếu trong thời điểm giảm mạnh là chiến lược đúng đắn. Đặc biệt hiện nay, vùng hỗ trợ mạnh 1.000 - 1.100 điểm là vùng hỗ trợ dài hạn của thị trường", ông Minh nhận định.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng lo ngại Thông tư 14 dừng thì nợ xấu sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng. Ông Minh chia sẻ, mức nợ cơ cấu có khuynh hướng giảm từ tháng 12/2021 là tín hiệu tốt, nên tác động của Thông tư 14 cũng sẽ có phân hoá giữa các nhóm cổ phiếu ngân hàng. Về khả năng dự phòng, tổng quan thì vẫn tăng 5% so với cùng kỳ vì tỷ lệ bao phủ nợ nhiều ngân hàng đang thấp so với mặt bằng chung. Còn các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, được xử lý trong năm 2021 thì áp lực chi phí dự phòng không cao trong 2022.