Thế giới

Kỳ nghỉ hè năm nay đã thất bại như thế nào?

Hà Mai 05/10/2023 - 15:24

Mùa thu đã tới với nỗi thất vọng về một mùa hè không được như mong đợi của nhiều người. Sóng nhiệt, cháy rừng, lũ lụt, đình công trong ngành hàng không, tăng giá và tình trạng quá tải dường như đã hủy hoại nơi nghỉ dưỡng của hàng trăm nghìn, nếu không muốn nói là hàng triệu người trong năm nay.

Một kỳ nghỉ hè không như ý vì sóng nhiệt

Kỳ nghỉ hè là một sự kiện vô cùng cần thiết hàng năm nhằm mang lại thời gian nghỉ ngơi, giúp giải tỏa những căng thẳng. Nhiều người may mắn được hưởng những kỳ nghỉ thoải mái trên khắp thế giới. Với mỗi dòng tweet giận dữ từ phòng chờ ở sân bay, sẽ vẫn có nhiều bức ảnh selfie tươi cười bên hồ bơi hay bãi biển đi kèm.

2.-mua-he-nam-nay-duoc-tuyen-bo-la-nong-nhat-hanh-tinh-trong-nhieu-nam..jpg
Mùa hè năm nay được tuyên bố là nóng nhất từ trước tới nay. (Ảnh: AP)

Không phải ai cũng thích trải qua những kỳ nghỉ nóng bức, đầy nắng của mùa hè vừa rồi. Ngay cả những người thích tắm nắng cũng sẽ cảm thấy đã có quá nhiều nắng ngay từ đầu mùa hè, khi tháng 7/2023 được NASA tuyên bố là tháng nóng nhất mà Trái đất từng trải qua kể từ khi có dữ liệu bắt đầu vào năm 1880. Không dừng lại ở đó, mùa hè 2023 sau đó lại được tuyên bố là nóng nhất trong nhiều năm, phá vỡ các kỷ lục trước đó.

Nhiệt độ ở Nam Âu tăng vọt lên gần mức cao nhất mọi thời đại, khiến mọi sinh hoạt trở nên khó chịu và thậm chí nguy hiểm đối với khách du lịch cũng như người dân địa phương.

Tại Athens, chính quyền đã phải đóng cửa các địa điểm du lịch quan trọng bao gồm Acropolis vào những thời điểm nóng nhất trong mùa hè vừa qua.

3.-acropolis-cua-hy-lap-da-bi-dong-cua-vao-thoi-diem-nong-nhat-trong-ngay-do-nhiet-do-tang-cao-trong-mua-he..jpg
Acropolis của Hy Lạp đã phải đóng cửa do nhiệt độ tăng cao trong mùa hè. (Ảnh: Milos Bicanski)

Các công viên quốc gia của Mỹ, đặc biệt là Thung lũng Chết, Grand Canyon và Big Bend ở Texas, đã trở nên oi bức và đã có ​​một số trường hợp tử vong liên quan đến nhiệt độ. Tại Grand Canyon, mã QR được dán ở các đầu đường, hướng dẫn đến những nơi có nước và nơi trú ẩn. Các biển báo ở Thung lũng Chết cảnh báo khách du lịch không nên đi bộ đường dài sau 10 giờ sáng trong mùa hè. Sau đó, cũng chính địa điểm này đã phải đóng cửa do lũ lụt do bão.

4.cac-bien-bao-duoc-dan-o-thung-lung-chet-keu-goi-du-khach-khong-di-bo-duong-dai-sau-10-gio-sang.jpg
Các biển báo được dán ở Thung lũng Chết kêu gọi du khách không đi bộ đường dài sau 10 giờ sáng. (Ảnh: Cơ quan Anadolu/Getty)

Khi nắng nóng tăng lên, đã có những thay đổi mô hình du lịch với một thống kê cho thấy khách du lịch đi đến khu vực Địa Trung Hải đã giảm 10% so với mùa hè năm ngoái, trong khi sự quan tâm đến các vùng có khí hậu mát mẻ hơn như Ireland và Đan Mạch ngày càng tăng.

Khi nhiệt độ ở nhiều vùng của Trung Quốc tăng vọt, mô hình du lịch mới - du lịch nắng nóng - đã khiến du khách đổ xô đến Dãy núi lửa ở tỉnh Tân Cương xa xôi phía Tây để trải nghiệm nhiệt độ thiêu đốt tỏa ra từ những vách đá sa thạch đỏ gần Turpan.

Một thế giới đang cháy

Không thể tránh khỏi, nhiệt độ cao dẫn đến cháy rừng dữ dội, khiến khách du lịch và các điểm du lịch bị cuốn vào một số thảm họa tồi tệ nhất. Vào tháng 7, hỏa hoạn bùng phát ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, nơi cháy rừng lan qua Corfu, Evia và vùng ngoại ô Athens.

5.-chay-rung-bung-phat-o-tenerife-cung-nhieu-noi-khac-vao-mua-he-nay..jpg
Cháy rừng bùng phát ở Tenerife, cùng nhiều nơi khác vào mùa hè này. (Ảnh: Cơ quan Anadolu/Getty)

Đảo du lịch nổi tiếng Rhodes bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau khi đám cháy bùng phát ở trung tâm đảo vào ngày 18/7 và nhanh chóng lan sang bờ biển phía Đông và phía Nam, đe dọa các khu nghỉ dưỡng ven biển. Khi ngọn lửa đến gần, nhiều khách du lịch và người dân đã phải sơ tán đến chỗ ở tạm thời trong các phòng thể thao, trường học hoặc các tòa nhà công cộng trên các khu vực khác của hòn đảo.

Gần 20.000 người đã phải sơ tán bằng đường bộ và đường biển, một số không thể lấy lại hộ chiếu và các đồ dùng cá nhân khác. Các hãng hàng không và công ty du lịch đã hủy các chuyến bay và kỳ nghỉ trong khi các máy bay được gửi đến để đưa du khách đang mắc kẹt về nước. Hy Lạp sau đó đã cung cấp các kỳ nghỉ thu hoặc mùa xuân năm 2024 miễn phí cho những người bị ảnh hưởng.

Vào tháng 8, Tenerife, một trong những quần đảo Canary vốn có khí hậu ôn hòa của Tây Ban Nha đã hứng chịu trận cháy rừng khiến hơn 12.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa. Hỏa hoạn bùng phát ở các vùng Sicily, Calabria, Abruzzo và Puglia của Ý khiến nhiều người phải sơ tán khỏi nhà và khách sạn. Algeria, ở Bắc Phi, cũng bị ảnh hưởng.

Canada đã trải qua điều mà các chuyên gia cho là mùa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử với hơn 1.000 đám cháy kể từ tháng Tư. Hàng ngàn người đã được sơ tán trên khắp Lãnh thổ Tây Bắc và British Columbia, nơi việc đi lại bị hạn chế xung quanh địa điểm du lịch nổi tiếng Kelowna.

6.-lahaina-lich-su-cua-maui-bi-tan-pha-boi-lua..jpg
Thị trấn Lahaina lịch sử của Maui bị tàn phá bởi lửa. (Ảnh: Los Angeles Times/Getty)

Trận cháy rừng kinh hoàng nhất mùa hè đã tấn công Lahaina, thị trấn lịch sử nổi tiếng với khách du lịch trên đảo Maui của Hawaii, vào ngày 8/8, khiến ít nhất 115 người thiệt mạng. Nhiều địa danh lịch sử và văn hóa của Lahaina đã bị ngọn lửa thiêu rụi, bao gồm Bảo tàng Nhà Baldwin - ngôi nhà lâu đời nhất ở Maui có từ những năm 1830, Bảo tàng Di sản Lahaina và Bảo tàng Wo Hing. Người ta hy vọng rằng cây đa 150 năm tuổi - một điểm tham quan nổi tiếng ở Maui - có thể tồn tại.

Sau cháy rừng là những cơn bão

Sau đám cháy, những cơn bão một lần nữa lại tàn phá trên diện rộng. Bão Hilary đổ bộ vào bờ biển phía Tây nước Mỹ hồi tháng 8 mang theo lượng mưa và lũ lụt tàn khốc. Thành phố sa mạc Palm Springs nhận được lượng mưa trong một giờ nhiều hơn mức bình thường trong một năm. Vào cuối mùa hè, bão Idalia đã tấn công Florida và các bang miền Nam khác của Mỹ.

Nhiều khu vực ở Đông Nam Á đã phải hứng chịu một số cơn bão dữ dội khi mùa bão đến. Bão Doksuri, Khanun và Lan gây ra lượng mưa, gió mạnh kỷ lục, lũ lụt nghiêm trọng, lở đất và mất điện trên diện rộng và rất nhiều người tử vong.

Bão Khanun tấn công Hàn Quốc với sức mạnh chết người và khiến gần 40.000 thanh thiếu niên từ 155 quốc gia phải cắt ngắn thời gian Trại họp bạn hướng đạo thế giới ở Saemangeum diễn ra ở phía Nam Seoul, khi mối đe dọa của cơn bão đang đến gần làm trầm trọng thêm các vấn đề vốn có do sóng nhiệt và điều kiện tại khu cắm trại gây ra.

7.dich-vu-duong-sat-cao-toc-cua-nhat-ban-bi-gian-doan-do-bao..jpg
Dịch vụ đường sắt cao tốc của Nhật Bản bị gián đoạn do bão. (Ảnh: Asahi Shimbun/Getty)

Khi cơn bão Lan tấn công tỉnh Wakayama phía Nam Nhật Bản vào ngày 15/8, các chuyến tàu cao tốc đã bị gián đoạn nặng nề. Hai hãng hàng không Japan Airlines và All Nippon Airways cũng hủy bỏ một loạt chuyến bay.

Nước nóng

Một hậu quả khác của nhiệt độ tăng cao là nhiệt độ nước cũng đạt mức cao kỷ lục. Nhiệt độ bồn tắm nước nóng tại Vịnh Manatee của Florida tăng lên 101,19 F (38,44 C) so với 80 F như thông thường, vào ngày 25/7.

Nước nóng cũng gây ra hiện tượng “tẩy trắng” hàng loạt chưa từng có và đe dọa sự tuyệt chủng của các loài san hô trên các rạn san hô xung quanh Florida Keys. Một báo cáo từ Tổ chức Phục hồi San hô cho thấy “100% san hô đã chết” tại Rạn san hô Sombrero ngoài khơi bờ biển Marathon ở Florida Keys.

8.-nhiet-do-nuoc-bien-tang-cao-gay-ra-hien-tuong-tay-trang-hang-loat-chua-tung-thay-tren-cac-ran-san-ho-xung-quanh-florida-keys..jpg
Nhiệt độ nước biển tăng cao gây ra hiện tượng tẩy trắng hàng loạt chưa từng thấy trên các rạn san hô xung quanh Florida Keys. (Ảnh: Los Angeles Times/Getty Images)

Keri O'Neil, Giám đốc và nhà khoa học cấp cao tại Thủy cung Florida, cho biết: “Điều này giống như việc tất cả cây cối trong rừng nhiệt đới đang chết dần. Tất cả các loài động vật khác sống dựa vào rừng nhiệt đới sẽ sống ở đâu? Đây là phiên bản dưới nước của việc những cái cây trong rừng nhiệt đới biến mất. San hô cơ bản cũng có vai trò tương tự”.

Và không chỉ ở Florida, nhiệt độ nước biển Địa Trung Hải đã đạt mức cao kỷ lục 83,1F (28,4C) vào ngày 24/7, theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus châu Âu (C3S). Kỷ lục trước đó là 28,25C (82,85F) được thiết lập vào năm 2003.

Những chuyến bay hỗn loạn

Trong khi hàng không Mỹ đã giữ vững được hoạt động trong mùa hè, ở châu Âu đã xảy ra rất nhiều sự gián đoạn với các cuộc đình công hoặc đe dọa đình công của kiểm soát viên không lưu, phi công hoặc phi hành đoàn, dẫn đến hàng nghìn chuyến bay bị hủy bỏ.

1.jpg
Một cuộc khủng hoảng kiểm soát không lưu ở Anh vào tháng 8 đã dẫn đến sự chậm trễ và hủy chuyến bay trên khắp châu Âu. (Ảnh: Sutterstock)

Vào cuối tháng 8, một trục trặc trong kiểm soát không lưu được cho là do một dữ liệu sai sót đã khiến Dịch vụ Không lưu Quốc gia của Vương quốc Anh bị gián đoạn, gây ra sự chậm trễ và hủy chuyến trên khắp lục địa trong nhiều ngày.

Vương quốc Anh cũng bị ảnh hưởng bởi một loạt các cuộc đình công đường sắt đang diễn ra vào năm 2023, ảnh hưởng đến cả khách du lịch và người đi làm, trong khi thời gian chờ đợi tại các bến phà quốc tế của Vương quốc Anh như Dover đã trở nên lâu hơn so với thời kỳ trước Brexit vì cần thêm thời gian để kiểm soát hộ chiếu.

9.-vuong-quoc-anh-da-trai-qua-phan-lon-mua-he-voi-thoi-tiet-am-uot-va-mat-me-bat-thuong..jpg
Các cuộc đình công và trục trặc trong kiểm soát không lưu đã gây ra nhiều vấn đề cho mạng lưới hàng không châu Âu trong mùa hè này. (Ảnh: Bloomberg/Getty Images)

Quá tải và tăng giá

Bất chấp những mối nguy hiểm và trở ngại trên toàn cầu, người ta vẫn lũ lượt đi du lịch, có lẽ là sự phục hồi sau lệnh phong tỏa do Covid-19. Trên thực tế, ở một số nơi có quá nhiều du khách đến nỗi chính quyền cảm thấy cần phải hạn chế.

Ở Pháp, các địa điểm như Mont Saint Michel đã bị quá tải đến mức có các chiến dịch đưa khách du lịch đi nơi khác hoặc giãn các chuyến thăm ra các thời điểm khác trong năm. Amsterdam đã phát động một “chiến dịch tránh xa” bất thường nhằm hạn chế các chuyến thăm của những “thanh niên Anh ồn ào” và cùng với Venice, cân nhắc các hạn chế đối với tàu du lịch. Trong khi đó, trên ngọn núi Phú Sĩ linh thiêng của Nhật Bản, người đông đến mức du khách phải xếp hàng để chờ để được lên đỉnh.

12.mont-st.-michel-cua-phap-dang-phai-vat-lon-voi-tinh-trang-qua-dong-khach-du-lich..jpg
Mont St. Michel của Pháp đang phải vật lộn với tình trạng quá đông khách du lịch. (Ảnh: AFP/Getty)

Venice mùa hè này đã công bố phí vào cửa mới là 5 euro ($5,40) cho những người đến thăm trong ngày để giảm số lượng khách. Hy Lạp cũng hạn chế số lượng du khách hàng ngày tới Acropolis kể từ tháng 9 để bảo tồn di tích.

Trên hòn đảo nghỉ mát Mallorca của Tây Ban Nha, một nhóm người địa phương đã treo những biển cảnh báo giả về sứa, đá rơi hoặc phải đi bộ một quãng đường dài mới có thể đến bãi biển gần đó, để cố gắng hạn chế tình trạng quá đông đúc.

Tuy nhiên, phần lớn, sự bất tiện của du khách chẳng là gì so với tác động bi thảm mà những hiện tượng này đã gây ra cho các cộng đồng trên khắp thế giới.

Mùa hè thật đẹp, nhưng năm nay mùa thu mới thích hợp cho những chuyến du lịch và nghỉ dưỡng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ nghỉ hè năm nay đã thất bại như thế nào?