Đời sống

Kỷ luật cảnh cáo Giám đốc Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Cà Mau

Trần An 14/03/2024 - 21:10

Ngày 14/3, nguồn tin từ Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau cho biết, Hội đồng kỷ luật của Sở đã họp và thống nhất kỷ luật cảnh cáo đối với ông Trần Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh (trực thuộc Sở Nội vụ) và bà Đinh Thị Cẩm Nhung kế toán của trung tâm.

Theo Sở Nội vụ Cà Mau, ông Trần Quốc Việt và bà Đinh Thị Cẩm Nhung bị kỷ luật liên quan đến kết luận thanh tra về công tác điều hành, quản lý và sử dụng tài sản công, các nguồn tài chính tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh.

Trước đó như Báo Công lý đã thông tin, Thanh tra tỉnh Cà Mau có kết luận thanh tra và phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng trong công tác điều hành, quản lý và sử dụng tài sản công, các nguồn tài chính tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Cà Mau.

Theo kết luận thanh tra, năm 2013, kế toán của Sở Nội vụ quyết toán kinh phí xong nhưng kế toán trung tâm không kịp thời liên hệ kế toán Sở Nội vụ để nhận lại chứng từ quyết toán, dẫn đến mất chứng từ kế toán.

trung-tam-luu-tru.jpg
Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Cà Mau.

Đến năm 2020, Trung tâm phát hiện mất chứng từ. Lúc này, kế toán của Trung tâm có báo cáo với ông Trần Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm, nhưng ông Việt không xử lý việc mất chứng từ trên.

Trung tâm xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ nhưng không tổ chức thảo luận rộng rãi, dân chủ; không gửi dự thảo quy chế cho cơ quan quản lý cấp trên để lấy ý kiến là thực hiện chưa đúng theo Thông tư của Bộ Tài chính.

Hàng năm, Giám đốc trung tâm không xây dựng kế hoạch tự kiểm tra tài chính, kế toán trong đơn vị mình theo các nội dụng quy định tại Quyết định số 67/2004/QĐ-BTC ngày 13/8/2004 của Bộ Tài chính về việc ban hành “Quy chế về tự kiểm tra tài chính, kế toán tại các cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước”.

Cũng theo kết luận, năm 2013, Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Cà Mau chi thanh toán tiền nhân công chỉnh lý tài liệu là 1,921 tỷ đồng nhưng hiện nay hồ sơ, chứng từ kế toán bị mất. Thanh tra cũng xác định, từ năm 2014 đến năm 2020, tổng số tiền chi thanh toán tiền công chỉnh lý tài liệu là hơn 14,5 tỷ đồng; Trung tâm đã chi, thanh, quyết toán vượt hơn 3 tỷ đồng.

Ngoài ra, Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Cà Mau cũng đã áp dụng công thức tính đơn giá tiền lương chỉnh lý tài liệu cho cán bộ, viên chức của Trung tâm trực tiếp thực hiện chỉnh lý tài liệu giấy sai theo quy định tại Thông tư số 12/2010/TT-BNV ngày 29/4/2010 của Bộ Nội vụ, quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật chỉnh lý tài liệu giấy, dẫn đến thu thừa của 4 đơn vị với tổng số tiền 586 triệu đồng.

Thanh tra cũng chỉ ra hàng loạt sai sót như: mua sắm văn phòng phẩm chưa đúng trình tự, thủ tục; chi tiền làm thêm giờ vượt quy định, khen thưởng không đúng quy định; chi quỹ phúc lợi chưa đảm bảo quy định; công tác điều hành, quản lý tài sản công không đúng quy định; thu, chi nguồn phí, lệ phí chưa đảm bảo theo quy định...

Trong niên độ thanh tra (2013 - 2022), Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Cà Mau còn được xác định có nhận 455 triệu đồng từ các khoản thu do các công ty chi hoa hồng, khen thưởng tập thể, bán giấy vụn... nhưng không nhập quỹ cơ quan mà thành lập quỹ đời sống.

Trung tâm cũng không đưa vào hệ thống sổ sách kế toán để theo dõi, quản lý; không lập chứng từ thu, chi; không hạch toán kế toán, không có báo cáo tài chính. Các khoản chi từ nguồn này không thông qua tập thể cơ quan mà do Giám đốc Trung tâm tự quyết định chi nhưng không có hồ sơ, chứng từ chứng minh.

Theo kết luận thanh tra, hành vi trên có dấu hiệu phạm tội lập quỹ trái phép được quy định tại Điều 205 Bộ luật Hình sự năm 2015. Các khoản tiền các cá nhân nộp lại từ tiền công chỉnh lý tài liệu là 3,6 tỷ đồng, Thanh tra cũng xác định, các khoản mà Giám đốc Trung tâm báo cáo đã chi hỗ trợ cho các tập thể và cá nhân ngoài Trung tâm với số tiền 888 triệu đồng. Qua xác minh, có 1/7 tập thể không thừa nhận có nhận số tiền 8 triệu đồng, có 52/58 cá nhân không thừa nhận đã nhận số tiền 373 triệu đồng.

Các khoản chi nêu trên không có căn cứ xác định là có thật toàn bộ; hiện nay khoản tiền trên không còn tồn quỹ tiền mặt và không thể hiện trên số dư tài khoản tiền gửi. Thanh tra cho rằng, hành vi này có dấu hiệu phạm tội tham ô tài sản.

Việc cá nhân nộp lại tiền, ông Việt xác nhận với thanh tra, trong cuộc họp vào năm 2013, có đề nghị nhưng không có ghi biên bản. Viên chức nộp tiền sau được thanh toán tiền công chỉnh lý tài liệu sẽ nộp lại từ 10% đến 40% (tùy theo giá trị hợp đồng) trên số tiền công chỉnh lý tài liệu. Mục đích thành lập quỹ đời sống nhằm chi cho các khoản cơ bản như: hỗ trợ lễ, tết, đồng phục, chi quan hệ làm việc với các đơn vị chỉnh lý, tiếp khách... và được viên chức Trung tâm thống nhất.

Việc thành lập quỹ đời sống không thể hiện trong quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm; những khoản thu, chi không thông qua Ban Giám đốc và không thông qua tập thể Trung tâm. Hiện nay, kế toán và thủ quỹ Trung tâm đã làm mất danh sách có ký tên của người nộp tiền mà chỉ còn số liệu theo sổ theo dõi của kế toán.

Chánh Thanh tra tỉnh Cà Mau đã chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra đối với việc thành lập trái phép và sử dụng quỹ đời sống số tiền hơn 4 tỷ đồng trên....

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ luật cảnh cáo Giám đốc Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Cà Mau