UBND tỉnh Cà Mau vừa có báo cáo tình hình thực hiện quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong giai đoạn (2021-2023), tỉnh Cà Mau có 1 Chủ tịch UBND xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách và 4 cán bộ, công chức bị kiểm điểm rút kinh nghiệm trong công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ ngày 1/1/2021 đến 30/6/2023, trên địa bàn tỉnh có 22.109 vụ VPHC với 279 tổ chức, 24.609 cá nhân. Tỉnh đã ban hành 24.888 quyết định xử phạt với tổng số tiền gần 100 tỷ đồng.
Trong đó, 277 quyết định xử phạt VPHC có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và 3.748 quyết định có tịch thu tang vật. Số quyết định thi hành xong 22.053 quyết định với số tiền hơn 62 tỷ đồng; đang thi hành 1.206 quyết định, số tiền 5,3 tỷ đồng và chưa thi hành 1.629 quyết định, số tiền hơn 30 tỷ đồng.
Giai đoạn từ năm 2020 – 2022, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện Nghị định số 19/2020/NĐ-CP, tỉnh ban hành các kế hoạch kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý VPHC và thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, đã tiến hành kiểm tra định kỳ tại 15 đơn vị.
Trên địa bàn tỉnh có 1 Chủ tịch UBND xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo quyết định của Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời; 4 cán bộ, công chức bị kiểm điểm rút kinh nghiệm (không gắn hình thức kỷ luật) trong công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC.
Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đơn kiện liên quan đến quyết định xử phạt VPHC, ở cấp tỉnh có 1 quyết định bị khởi kiện ra Tòa thuộc lĩnh vực khai thác thuỷ sản trái phép vùng biển nước ngoài nhưng người khởi kiện tự nguyện rút đơn. Ở cấp huyện có 1 quyết định bị khởi kiện liên quan đất đai của Chủ tịch UBND huyện Cái Nước. Toà đã tuyên huỷ quyết định xử phạt VPHC của Chủ tịch UBND huyện.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, thời gian qua, việc tổ chức thi hành các quyết định xử phạt VPHC, nhất là thi hành biện pháp khắc phục hậu quả chưa được triệt để, còn nhiều quyết định xử phạt VPHC chưa được thi hành.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng dịch COVID-19, người vi phạm có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm ổn định, thu nhập thấp, không có khả năng nộp phạt, một số trường hợp rời khỏi địa phương hoặc không có điều kiện đảm bảo cưỡng chế thi hành.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đổi mới, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Bố trí đủ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực thực hiện các nhiệm vụ công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ trực tiếp thực hiện, tham mưu thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính.
Đồng thời, quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ để phát hiện vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm,... và phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính theo quy định.