Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực và quyết tâm cao của Quốc hội

Mai Thoa| 18/11/2020 10:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã chính thức kết thúc ngày 17/11, nhưng nhiều dư âm còn đọng lại không chỉ đối với các đại biểu mà với nhân dân, cử tri cả nước.

Theo nhiều đại biểu nhận định kỳ họp này không chỉ ‘nóng” về những nội dung chất vấn và phần trả lời chất vấn thẳng thắn, không né tránh vấn đề của các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành; mà sức nóng còn lan tỏa đến cả những ngày cuối cùng của kỳ họp khi các đại biểu cùng quyết định không đồng tình với những vấn đề “chưa đủ chín” như Luật giao thông đường bộ hay Luật về lực lượng về bảo vệ an ninh cơ sở;… Ngoài ra, còn rất nhiều nội dung khác của kỳ họp, phần lớn đáp ứng được mong muốn cử tri.

202011161444260146_kqa-2-.jpg

Thành tựu kinh tế đã đạt được trong thời điểm khó khăn nhất

Kỳ họp thứ 10 diễn ra trong thời điểm cả thế giới đang có đại dịch Covid-19 với những lo lắng, bất ổn của nền kinh tế toàn cầu bởi ảnh hưởng của dịch bệnh.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV bàn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XIII, trong đó có nội dung quan trọng về phát triển kinh tế đất nước.

Phiên chất vấn diễn ra ở thời điểm sắp kết thúc nhiệm kỳ khóa XIV, kết quả sẽ là cầu nối giữa hai khóa Quốc hội, chuyển tải những nỗ lực trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo điều hành và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát; thể hiện vai trò, chức năng của Quốc hội trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra của nhiệm kỳ khóa XIV.

202011171722066361_chao-co-2-1-.jpg
Các đại biểu làm Lễ chào cờ trước khi kết thúc kỳ họp

Ngày 10/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này và cho biết: Việt Nam trong giai đoạn 2016-2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn có nhiều điểm nổi bật, mức tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước. Kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 khá tích cực: Quý I tăng 3,66%, quý II còn 0,39%, quý III là 2,62%. Chín tháng năm 2020 tăng trung bình 2,12%, lạm phát kiểm soát dưới 4%. Xuất khẩu các nước giảm tổng cầu rất lớn, thương mại thế giới toàn cầu giảm 10-20% nhưng Việt Nam riêng quý 3 tăng 11%...”.

Những con số ấn tượng đó đặt trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu đã giúp Việt Nam được nhận định là điểm sáng tăng trưởng kinh tế, được xem là quốc gia có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất thế giới (4 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu tăng trưởng dương gồm Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Trung Quốc)….

Không chỉ phát triển kinh tế ổn định mà các vấn đề khác như an sinh xã hội cũng được đảm bảo. Kết quả ấn tượng về nền kinh tế đó là nhờ sự nỗ lực rất lớn của cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc giám sát của Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ và sự cố gắng nỗ lực các cơ quan tư pháp trong bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế một cách bền vững.

Công tác nhân sự tiến hành chặt chẽ, đồng thuận cao

Cùng với việc chất vấn các vấn đề nóng tại nghị trường, Quốc hội tiến hành làm công tác nhân sự cũng là nội dung mà cử tri rất quan tâm; được tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục theo luật định và đạt được sự đồng thuận cao.

hai-phong.jpg
Các ĐBQH biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết

Theo đó, Quốc hội đã xem xét, phê chuẩn bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với bà Nguyễn Thị Hồng; phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với các ông: Trần Hồng Hà, Phạm Quốc Hưng, Ngô Hồng Phúc. Quốc hội đã bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, góp ý các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Với không khí thảo luận sôi nổi, tâm huyết, dân chủ và trách nhiệm, đa số các ý kiến của đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng thuận cao và cho rằng, các dự thảo Văn kiện được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học, chặt chẽ, số liệu phong phú trên cơ sở quán triệt hài hòa, sâu sắc giữa lý luận và thực tiễn, giữa tinh thần kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển.

Quốc hội đã quyết định ngày chủ nhật, 23/05/2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại họp này, Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua 7 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến về 4 dự án luật. Các dự án luật được xem xét, thông qua tại kỳ họp đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ và quyết định thông qua với tỷ lệ tán thành cao. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Thẳng thắn, không né tránh những vấn đề “nóng” , “nhạy cảm”

Bước vào kỳ họp thứ 10 trong bối cảnh nền kinh tế, xã hội vừa gượng dậy sau đại dịch COVID-19 và cả miền Trung đang oằn mình gánh bão, các đại biểu đã thể hiện quan tâm đặc biệt trước vấn đề liên quan đến công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và đặc biệt là công tác quy hoạch, nạn chặt phá rừng... Có những đại biểu đã hi sinh khi đi làm nhiệm vụ cứu trợ miền trung lũ lụt…

202011131030508515_nguyen-thi-mai-hoa-doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-dong-thap-3-.jpg
ĐBQH Chất vấn tại kỳ họp

Kỳ họp diễn ra với nhiều cảm xúc đan xen đó, rất nhiều đại biểu trăn trở về công tác quy hoạch, nạn chặt phá rừng, quy hoach thủy điện... gây nên lũ lụt cho người dân, các đại biểu đã chất vấn các trưởng ngành về những giải pháp cần phải đặt ra lúc này. Cùng với đó là vấn đề liên quan đến giáo dục, an sinh xã hội, việc làm, đào tạo nghề; phòng chống tham nhũng... cũng được Quốc hội đưa ra bàn thảo và các đại biểu quan tâm chất vấn.

Nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là nội dung liên quan đến các ngành tư pháp được các đại biểu chất vấn tại kỳ họp này. Các đại biểu đã rất thẳng thắng chất vấn trực diện vấn đề như có hay không việc “chỉ đạo giải quyết án”, án hành chính vì sao khó thi hành và tỷ lệ thi hành thấp; hay việc có hay không tình trạng công an cơ sở đi “xin tiền” các hộ kinh doanh bán hàng nhỏ lẻ…

Trong phần trả lời chất vấn, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khẳng định: Tòa án luôn tôn trọng sự độc lập xét xử của Thẩm phán. Không có việc chỉ đạo án của Tòa cấp trên đối với cấp dưới trong xét xử tất cả các loại án, chứ không riêng gì án hành chính. TANDTC hướng dẫn các tòa địa phương về chuyên môn khi họ có sự lúng túng trong việc áp dụng pháp luật trong quá trình xét xử.

Hay việc giải quyết đơn giám đốc thẩm, với khối lượng công việc rất lớn như hiện nay, TANDTC đã có nhiều giải pháp để giải quyết nhanh số lượng đơn giám đốc thẩm tái thẩm, trong đó có việc động viên cán bộ, công chức tích cực, làm cả ngày thứ 7 và chủ nhật để giải quyết đơn…

Trả lời chất vấn về việc “công an thu tiền bà con buôn bán dịp lễ tết” mà đại biểu Lưu Bình Nhưỡng hỏi, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng đã khẳng định: Quan điểm của Bộ Công an là kiên quyết trong xử lý các sai phạm, tiêu cực và đã thực hiện nhiều biện pháp để phòng ngừa, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, tiêu cực của cán bộ chiến sỹ, không bao che một trường hợp nào.

17.11-bl3.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình (bên phải) bên hành lang Quốc hội

Chủ tịch Quốc hôi Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã có nhận xét về chất vấn và trả lời chất vấn: Các đại biểu đã đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, bám sát vào nội dung chất vấn; người trả lời chất vấn đã trả lời thẳng thắn, súc tích với sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm, không né tránh, vòng vo.

Các thành viên Chính phủ, trong đó có 3 Phó Thủ tướng Chính phủ và 15 Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời thẳng thắn, súc tích với sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao, không né tránh, vòng vo. Việc tranh luận với các lập luận chặt chẽ, sắc sảo, có tính thuyết phục và xây dựng cao, cùng nhau trao đổi để đưa ra các định hướng, giải pháp xử lý các vấn đề đặt ra…

Đại biểu và cử tri đều hài lòng

Kết thúc kỳ họp, cử tri và đại biểu đều hài lòng và có chung nhận định: Kỳ họp dân chủ, thẳng thắn trách nhiệm và hiệu quả.

Nhiều đại biểu trong đó có đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm- Thành phố Hồ Chí Minh, người từng có nhiều phát biểu thẳng thắn, gai góc trên nghị trường cho rằng, kỳ họp này tuy gặp phải nhiều khó khăn, thách thức từ dịch bệnh, thiên tai, bão lũ… nhưng lại chính là kỳ họp các đại biểu dành rất nhiều tâm huyết thảo luận, để quyết định những vấn đề quan trọng.

17.11-bl5.jpg
Kết thúc kỳ họp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chi tay các đại biểu

Đại biểu cũng cho biết, theo cảm nhận của cá nhân mình đây là kỳ họp thành công, bởi Quốc hội đã đưa ra những nội dung quan trọng để các đại biểu có thể thảo luận và quyết định. Thành công bởi đại biểu đã rất thẳng thắn, chân thành và trách nhiệm trong từng phát biểu của mình. Tiếp đến là những vấn đề lớn, những vấn đề khó được đại biểu tranh luận để cùng làm sáng rõ những chân lý, tìm ra lẽ phải và từ đó đưa ra những quyết định phù hợp với lòng dân.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, không chỉ riêng kỳ họp này mà nói chung cả khóa XIV các đại biểu đều tham gia rất nhiều ý kiến chất lượng, nhiều đại biểu phát biểu với tinh thần thẳng thắn, đóng góp cao; kể cả 3 chức năng của Quốc hội về ban hành luật, các vấn đề quan trọng của đất nước, về giám sát, các hoạt động bên lề nghị trường đều được thông tin tuyên truyền kịp thời.

Việc trả lời theo phương thức chất vấn mở của kỳ họp lần này cho phép tất cả các thành viên Chính phủ và tư lệnh ngành có cơ hội được tham gia trả lời chất vấn, giải trình vấn đề thuộc trách nhiệm của mình. Đặc biệt, mỗi ý kiến, chất vấn đều được quy định thời gian và có chuông nhắc hết giờ nhằm tránh tình trạng nói “tràng giang đại hải,” không tập trung vào nội dung chính và mất thời gian của các đại biểu khác như nhiều kỳ họp trước.

Nhiều đại biểu nhận định, điểm cộng lớn cho các Bộ trưởng, trưởng ngành là khi trả lời chất vấn đã rất thẳng thắn bày tỏ quan điểm cũng như những vấn đề vấn đề mà nội bộ ngành đang rất quan tâm. Các điều hành của chủ tọa đã tập trung theo nhóm vấn đề giúp các đại biểu Quốc hội đi sâu, đi đến cùng của vấn đề chất vấn nhưng lại hạn chế về số lượng, cơ hội cho các thành viên Chính phủ được trả lời.

Đúng như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Các đại biểu Quốc hội đã tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm phát huy cao độ trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm hoạt động của người đại biểu nhân dân xuất phát từ thực tiễn đặt ra đã đánh giá, phân tích sâu sắc, toàn diện tình hình, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tham nhũng cho đến phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu,… để đề xuất những giải pháp sát thực, căn cơ trong từng nội dung mà Quốc hội xem xét, quyết định”.

17.11-bl15.jpg
Lãnh đạo Quốc hội và các thành viên Chính phủ chụp ảnh lưu niệm sau kỳ họp

Những kết quả tích cực, nhiều mặt của Kỳ họp thứ 10 tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, không ngừng đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Quốc hội ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật, các nghị quyết được thông qua, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao, việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, nơi gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực và quyết tâm cao của Quốc hội