Quốc hội thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn

Quốc Huy| 17/11/2020 20:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 17/11, trước khi bế mạc kỳ họp, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Nghị quyết này được thông qua với 95,44% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Nghị quyết quyết nghị, Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

202011121539438755_nhan-nut-2-.jpg
Các ĐBQH biểu quyết thông qua nghị quyết

Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa hoàn thành, chậm triển khai hoặc triển khai chưa hiệu quả theo yêu cầu của Quốc hội.

Theo Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục tập trung thực hiện các nội dung về tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, trình Quốc hội ban hành các luật để tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng soạn thảo, thẩm định các dự án luật, pháp lệnh, chú trọng việc đánh giá tác động của chính sách và lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động. Hạn chế việc đề nghị bổ sung, lùi thời hạn trình, rút dự án ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Tăng cường công tác rà soát văn bản, kịp thời xử lý văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Xem xét, xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết. Rà soát, hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức làm công tác pháp chế.

Nghị quyết Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch cấp quốc gia khác, quy hoạch vùng, phê duyệt quy hoạch tỉnh; Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi;

Thực hiện hiệu quả các giải pháp điều hành giá điện, bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường; Sớm hoàn thành rà soát, sửa đổi Bộ tiêu chí nông thôn mới, tập trung phát triển, nhân rộng mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị;

Tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội; Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án.

Nghị quyết giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này tại các kỳ họp hằng năm và báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết nêu tại Khoản 2 Điều này theo yêu cầu cụ thể tại từng nghị quyết và theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn