Phóng sự - Ghi chép

Kỳ bí tộc người mang tên một giống lúa

T.Thành 26/06/2023 07:02

Chơ Ro là một trong những dân tộc thiểu số sinh sống tập trung chủ yếu ở Đồng Nai và ở một số huyện của Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận. Tuy chỉ có chưa đến 30 nghìn người, song dân tộc có tên một loại giống lúa nước này được đánh giá có nền văn hóa riêng, đặc sắc và có tác động nhất định đến không gian văn hóa của cả vùng Đông Nam bộ.

Tín ngưỡng đa thần

Trong lịch sử phát triển, dân tộc Chơ Ro (hay còn gọi Chrau – Jro, Châu Ro, Dơ Ro, Chro) là lớp cư dân cư trú từ xa xưa ở vùng đồi núi thấp phía Nam, chủ yếu sinh sống tập trung ở khu vực miền Đông Nam bộ. Theo số liệu điều tra, người Chơ Ro ở Đồng Nai hiện chiếm 56,5% tổng số người Chơ Ro trong cả nước, cao nhất so với các tỉnh, thành trong khu vực (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương).

Theo sách Các dân tộc ít người ở Việt Nam, tên tự gọi của dân tộc là Chrau - Jro, trong đó Chrau có nghĩa là nhóm người, hay tập đoàn người. Tộc danh Chrau Jro còn gắn liền với tên gọi một giống lúa nước cổ truyền mà đồng bào rất thích gieo trồng. 

Người Chơ Ro có tín ngưỡng thờ đa thần theo quan niệm “vạn vật hữu linh”. Những hiện tượng thiên nhiên, sự vật trong môi trường sống đều có linh hồn, thần linh thuộc về thế giới siêu hình, có khả năng chi phối đến đời sống con người. 

anh-bai-ky-bi-toc-nguoi-mang-ten-giong-lua-1.jpg
Cơm lam, thịt xiên nướng là món ăn đặc sắc của người Chơ Ro.

Giống như nhiều dân tộc thiểu số khác, cách thức tổ chức cư trú truyền thống của người Chơ Ro là làng (plây). Già làng (kwang bon, hoặc voq plây, tức chủ làng) có vị trí rất quan trọng, thường là người lớn tuổi, có uy tín, hiểu biết và được cộng đồng kính trọng. Trước đây người Chơ Ro theo chế độ mẫu hệ, thể hiện qua việc đặt tên con theo họ mẹ, quyền thừa kế tài sản thuộc về con gái, nhưng giờ đây chế độ này dần được bãi bỏ.

Kiến trúc nhà ở của người Chơ Ro là nhà sàn bằng vật liệu sẵn có như: gỗ, tre, mây, độ dài ngắn của nhà tùy thuộc vào gia chủ. Trong gia đình có thành viên lập gia đình thì nhà dài được nối tiếp về phía Tây, trước đây có những ngôi nhà sàn dài đến 100m. 

Điểm khác biệt so với các dân tộc khác là vách nhà của người Chơ Ro thường vát nghiêng từ sàn lên mái. Khi bắt đầu làm nhà, già làng đào một hố nhỏ để chôn cột chính, trong hố bỏ một vài cục than hồng rồi mới trồng cột lên, với ý nghĩa than hồng làm ấm áp ngôi nhà đồng thời là dạng “chú yếm” để ma quỷ không xâm nhập.

Gạo là lương thực chính của người Chơ Ro. Dân tộc này còn có tập quán nấu cơm trong ống tre lồ ô (cơm lam, tiếng Chơ Ro là piêng đinh), thuận lợi cho môi trường sống trong rừng nhiều ngày khi đi làm rẫy hoặc săn thú. Gạo nếp thì được nấu thành xôi hay làm bánh dày (piêng puh) trong các dịp lễ, tết. 

Về thực phẩm, người Chơ Ro khai thác chủ yếu từ môi trường xung quanh như cá suối, cá sông, ốc, tôm tép, thịt rừng, rau rừng các loại (rau má, rau nhíp, rau dền, đọt rau lang, mướp, bí, bầu, măng, đọt mây) được chế biến đơn giản bằng cách luộc, nấu canh, nướng.

Người Chơ Ro cũng có tập quán chế biến rượu cần để uống và sử dụng trong lễ tiết, lễ hội; là lễ vật dâng lên thần linh và phương thức bày tỏ lòng mến khách. Rượu cần chế biến từ gạo nấu thành cơm, trộn thêm trấu bổi và men rượu làm từ lá, vỏ và rễ một số loại cây rừng (lá cây Gàng, lá cây Vlân, vỏ cây Ktờram…). 

Theo một số già làng người Chơ Ro cho biết thì có đến gần 40 loại lá, vỏ, rễ cây để làm men rượu cần. Nguyên liệu chế biến rượu cần được cho vào ché sành, ủ trong một vài tháng. Khi uống rượu cần thì đổ nước vào ché, hút bằng cần (làm từ ống trúc nhỏ).

Nhiều phong tục, tập quán riêng biệt

Trong đời sống hàng ngày, người Chơ Ro có rất nhiều phong tục, tập quán riêng biệt. Kiêng kỵ lớn nhất của dân tộc này là hôn nhân cùng dòng họ. Nói cách khác, ngoại hôn dòng họ là nguyên tắc bắt buộc đối với nam nữ Chơ Ro. Độ tuổi kết hôn thường từ 16 - 20. Hiện nay, tuổi kết hôn trung bình của người dân Chơ Ro đã tăng hơn 1 - 2 tuổi so với vài năm trước. Người Chơ Ro không theo chế độ mẫu hệ hay phụ hệ mà coi trọng cả hai như nhau. 

Trong hôn nhân, tuy nhà trai hỏi vợ cho con, nhưng lễ cưới tổ chức tại nhà gái, chàng trai phải ở rể vài năm rồi vợ chồng làm nhà ở riêng. Người Chơ Ro thường có tục chia của cho con cái khi ra ở riêng, do đó chàng trai sẽ được một phần của cải của gia đình. Chế độ một vợ một chồng đã được thiết lập từ lâu trong xã hội người Chơ Ro và vợ chồng chung sống với nhau hoà thuận.

Xưa kia, việc sinh đẻ, chăm sóc sản phụ và nuôi dưỡng con cái của người Chơ Ro chủ yếu dựa trên những kinh nghiệm của cuộc sống, kiến thức y học dân gian và những kiêng kỵ liên quan đến tín ngưỡng. 

Trước đây, mỗi bậc làm cha làm mẹ người Chơ Ro thường mong sinh con gái. Về tình thương, gia đình thương cả con trai lẫn con gái, nhưng nếu sinh con gái thì tổ chức tiệc ăn mừng. Ngày nay, cha mẹ và ông bà lại mong có con trai, vì chế độ mẫu hệ đã dần dần bị thay thế bằng chế độ phụ hệ, cô dâu về nhà chồng sau khi kết hôn. Đồng thời, con trai còn là nguồn lao động chính trong gia đình.

Theo quan niệm của người Chơ Ro, bên cạnh thế giới của người sống còn có thế giới của người chết. Mỗi người chết đi là bắt đầu bước sang một thế giới mới. Vì thế, người sống luôn làm những nghi lễ mang đậm tín ngưỡng dân gian để mang đến cho người chết một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

anh-bai-ky-bi-toc-nguoi-mang-ten-giong-lua-2.jpg
Chuẩn bị đồ cúng trong Lễ hội mừng lúa mới.

Dù giàu hay nghèo thì khi trong gia đình có người mất, người Chơ Ro không quên sắm những đồ vật để gửi, chôn theo. Họ thường chia cho người chết một số tài sản trong nhà công cụ lao động như chà gạc, rìu, gùi; đồ dùng như nồi gốm, bát sành, vỏ trái bầu khô, ché; vũ khí như dao, nỏ, cung, tên, ná... cùng một số đồ trang sức, vật dụng khác để người chết bắt đầu một cuộc sống mới. 

Số tài sản này, một số bỏ chung với thi hài người chết và một số đặt xung quanh mộ hay bỏ rãi dọc đường gần khu nghĩa địa. Phần lớn những thứ bỏ trên mặt đất thường bị phá hủy một phần để phân định sự đối lập với tài sản của người đang sống, đồng thời ngăn ngừa kẻ xấu lấy về sử dụng. Nếu nhà có của thì tế người chết bằng trâu rồi dựng một chuồng trâu nhỏ để đựng xương con vật đã hiến sinh.

Độc đáo Lễ hội Yangva

Do có tín ngưỡng thờ đa thần nên trong một năm, người Chơ Ro có rất nhiều lễ hội liên quan đến các vị Thần, trong đó lớn nhất phải kể đến Lễ hội Yangva, hay còn gọi Lễ hội mừng lúa mới, để tôn vinh và tri ân Thần lúa. Lễ hội là dịp để đồng bào cảm ơn đất trời và Thần lúa đã ban tặng một vụ mùa bội thu. 

Lễ hội Yangva thường bắt đầu vào ngày 15 tháng 2 đến 15 tháng 3 âm lịch. Tại khu rẫy trồng lúa, khi thu hoạch mùa màng, người Chơ Ro để lại một vạt lúa trĩu hạt. Những bông lúa tốt được bó lại bằng tranh, rơm, lá chuối và rào bốn bên bằng các loại gai bằng tre, cây cối để bảo vệ. 

Theo quan niệm của người Chơ Ro thì hồn lúa rẫy trú ngụ tại vùng lúa tốt và chờ cho đến khi họ tổ chức lễ Yangva thì rước về. Nghi thức rước hồn lúa là nghi thức đầu tiên trong lễ cúng Yangva.

Xưa kia, lễ cúng Yangva được đồng bào thực hiện ngay tại rẫy, ruộng và có khi kéo dài hàng tháng trời. Ngày nay, đồng bào Chơ Ro tại một số vùng như thường chọn 1 ngày tốt rồi tổ chức lễ cúng Yangva chung ngay tại Nhà văn hóa của thôn, bản. Trước ngày cúng, phụ nữ đi chợ, chọn nếp ngon để nấu xôi hoặc xay bột, giã gạo làm bánh. Mỗi người một tay, người gói bánh, người thổi lửa nấu bếp… Các sản vật sẽ xong vào tối trước ngày lễ để rạng sáng hôm sau, mâm cúng với đầy đủ lễ vật được bày biện cẩn thận, đẹp mắt. 

Tại nơi tổ chức lễ cúng Yangva, đồng bào dựng 1 cây nêu. Cỗ cúng gồm xôi, gà, hoa tươi, trái ngọt, bánh dày, cơm lam, củ nần, củ mì, củ chụp, đọt mây…. Người Chơ Ro quan niệm cây nêu được xem là cây thông thiên. Bởi họ dựng cây nêu là để gửi “tin báo và thư mời” cho thần linh để đến dự lễ hội của cộng đồng Chơ Ro. Đối với người Chơ Ro thì cây nêu là mối giao hòa giữa cộng đồng. Thế nên chỉ cần thấy làng nào có cây nêu thì người ta biết ngay rằng làng đó đang vào lễ hội. 

Cây nêu có ba tầng nấc chính. Trên cao là chùm lúa nhiều hạt vươn lên với vai trò chủ thể cúng của người Chơ Ro. Hai tầng nấc cây nêu nhỏ trên thân cây nêu chính tượng trưng cho thần linh và tổ tiên. Những gì sử dụng trang trí thể hiện trên cây nêu đều quy chiếu về những con số chẵn với quan niệm hoàn thiện, đầy đủ. 

Trong tiếng cồng chiêng, những người tham gia lễ cúng cầu mong một mùa lúa mưa thuận gió hòa, cầu bình yên cho mọi người, cầu thú nuôi không có dịch hại, lúa cho thêm nhiều hạt, chắc mẩy thu về cất đầy kho nuôi sống gia đình.

anh-bai-ky-bi-toc-nguoi-mang-ten-giong-lua-3.jpg
Biểu diễn cồng chiêng trong Lễ hội Yangva.

Sau khi lễ cúng kết thúc, rượu sẽ được rót ra, mời khách. Những món ngon để cúng, cũng được nấu để đãi khách đến dự lễ. Sau nghi thức cúng, phần hội rất được người dân và du khách ngóng đợi. Trong khi khách tham dự tiệc, uống rượu quản (cần), cồng chiêng được tấu lên. Một số phụ nữ, trẻ em Chơ Ro hát, múa những bài hát của dân tộc mình. Tiếng đàn tre, khèn môi hay kèn lúa được nhiều người khảy, thổi để cầu phúc, chúc lành cho nhau. Đêm đến, lửa được đốt lên giữa sân của Nhà văn hóa, mọi người đi quanh đống lửa, uống rượu quản, cùng hòa nhịp theo lời ca, điệu múa của đồng bào.

Thông qua lễ hội, ý thức trách nhiệm trong công tác bảo tồn những giá trị truyền thống của người Chơ Ro được nâng lên, đồng thời phát huy trong xây dựng đời sống văn hóa, gắn chặt tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc anh em.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ bí tộc người mang tên một giống lúa