Một phần tư thế kỷ góp phần vào sự nghiệp an sinh

Lan Trần| 27/01/2020 08:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ở nước ta, ngay từ những ngày thành lập nước, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến xây dựng hệ thống an sinh xã hội.

Hiến pháp năm 1946 đã ghi nhận các quyền về bảo hiểm xã hội (BHXH) của công nhân viên chức nhà nước và quyền được chăm sóc phúc lợi của những người già, tàn tật, trẻ em. Cùng với quá trình phát triển kinh tế đất nước, hệ thống an sinh xã hội ngày càng được bổ sung và hoàn thiện.

Chính sách an sinh xã hội bao phủ khắp mọi miền

Tây Giang, một ngày cuối thu đầu đông. Trong cách lạnh se se của miền núi cao, trò chuyện cùng chúng tôi là hai cô gái rất trẻ của BHXH huyện Tây Giang, đó là chị Đinh Thị Anh Đào sinh năm 1984 và Vũ Thị Ngọc Anh, sinh năm 1989. Tính đến năm 2019, Anh Đào đã có 11 năm gắn bó với BHXH huyện Tây Giang dù gia đình cô ở Tam Kỳ, cách nơi làm việc gần 200 cây số. Ngọc Anh cũng vậy, quê cô ở huyện Thăng Bình, cách rất xa nơi cô làm việc.  Tuy nhiên, cả hai đã miệt mài gắn bó với huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam để tuyên truyền, vận động, đưa những chính sách ưu việt về an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào nơi đây. Bởi Tây Giang là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Nam, cách Tam Kỳ hơn 180km có 8/10 xã có đường biên giới với Lào; dân số 20.186 người, trong đó đồng bào dân tộc Cơ Tu chiếm hơn 92%, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo 43,14%.

Một phần tư thế kỷ góp phần vào sự nghiệp an sinh

Nhờ công tác tuyên truyền vận động, số người tham gia BHXH, BHYT không ngừng được mở rộng trong những năm qua. Ảnh: Thanh Dũng

“Bám nghề thôi, chứ biết sao giờ”, để có được câu nói tưởng chừng như rất nhẹ nhàng của Anh Đào là cả những ngày rong ruổi từ Tam Kỳ về Tây Giang, thân gái một mình. Rồi đến lúc lập gia đình, là những ngày nhớ chồng nhớ con nhưng vì công việc, vì “trót” gắn bó với sự nghiệp phát triển an sinh xã hội mà lại lên đường. Hành trình ngày mưa, ngày nắng, rồi cả mưa lũ…tất cả không ngăn được bước chân của những cô gái trẻ gắn bó với sự nghiệp BHXH. Bởi như các cô tâm sự: Tiếp xúc với người dân, thấy người dân còn rất khổ. Và chỉ có chính sách an sinh xã hội mới mang lại cho người dân sự ổn định lâu bền. Đó cũng là lý do mà những cô gái trẻ của BHXH huyện Tây Giang quyết tâm giấu đi nỗi nhớ nhà, nhớ chồng, nhớ con để đi tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH.

Có lẽ giống như Anh Đào, như Ngọc Anh, trên đất nước hiện có hàng nghìn cán bộ BHXH đang miệt mài nỗ lực đưa chính sách an sinh xã hội đến với người dân. Việc tuyên truyền vận động, tư vấn cho người dân “như cho người thân” đã mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt, theo đó, diện bao phủ BHXH không ngừng tăng. Nếu như năm 1995 chỉ có 2,2 triệu người tham gia BHXH thì đến hết năm 2006 (năm đầu tiên Luật BHXH có hiệu lực) đã có 6,7 triệu người tham gia; và đến hết tháng 8/2019 có 14,65 triệu người tham gia BHXH.

Năm 2008 khi mới thực hiện BHXH tự nguyện, cả nước chỉ có 6.110 người tham gia, thì đến hết tháng 11 năm 2019, cả nước có khoảng 533 nghìn người tham gia, đạt 113% kế hoạch giao. Cũng tính đến hết tháng 11 năm 2019, cả nước có khoảng 15,065 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 99,6% so với kế hoạch giao. Bên cạnh đó, khoảng 13,2 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Con số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) cán mốc 85,29 triệu người, đạt 100,15% kế hoạch giao.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn- Viện trưởng Viện Khoa học BHXH (BHXH Việt Nam), diện bao phủ chính sách BHXH, BHYT đã không ngừng được mở rộng, mỗi năm đã có thêm hàng trăm ngàn người lao động, hàng triệu người dân được bảo vệ thông qua các chế độ BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh và tạo sự an toàn, ổn định xã hội…

An sinh xã hội là mối quan tâm hàng đầu

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, ở Việt Nam, ngay từ những ngày thành lập nước, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến xây dựng hệ thống an sinh xã hội. Hiến pháp năm 1946 đã ghi nhận các quyền về BHXH của công nhân viên chức nhà nước và quyền được chăm sóc phúc lợi của những người già, tàn tật, trẻ em. Cùng với quá trình phát triển kinh tế đất nước, hệ thống an sinh xã hội ngày càng được bổ sung và hoàn thiện.

Trước yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới, năm 1992, Chính phủ thành lập BHYT Việt Nam, đến năm 1995 thành lập BHXH Việt Nam; đến năm 2002 cả hai hệ thống BHXH và BHYT được sáp nhập. BHXH Việt Nam là cơ quan được giao trực tiếp thực hiện các chính sách BHXH, BHYT- hai trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội đất nước. Qua 25 năm xây dựng và phát triển, BHXH Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước trong phát triển kinh tế- xã hội.

Ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá, trong thời gian qua, mặc dù nguồn lực của đất nước còn hạn hẹp, nhưng Đảng và Nhà nước vẫn luôn coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội.  Theo đó, đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng, góp phần chủ động phòng ngừa, giảm thiểu những rủi ro trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Minh Tuấn thông tin, trong 25 năm qua, ngành BHXH đã giải quyết cho trên 112,5 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, trong đó có gần 2,5 triệu người hưởng các chế độ BHXH hàng tháng; gần 10 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH 1 lần và hơn 100 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn. Đồng thời, hành lang pháp lý và cơ chế hoạt động được hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp; quy mô đầu tư quỹ ngày càng lớn, số dư đầu tư và lợi nhuận thu từ đầu tư quỹ hàng năm đều tăng về số tuyệt đối; tỉ lệ lãi suất đầu tư bình quân luôn tăng trưởng dương, cao hơn tăng trưởng kinh tế và cao hơn chỉ số lạm phát…

Trong khoảng 10 năm gần đây, ngành BHXH luôn tập trung quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm từ 263 thủ tục xuống còn 27 thủ tục; thời gian giao dịch thực hiện thủ tục hành chính về BHXH, BHYT của các doanh nghiệp giảm còn 51 giờ/năm... Ngành cũng đẩy mạnh giao dịch điện tử, cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đã triển khai cấp số định danh cho người tham gia BHXH, BHYT và khai trương Trung tâm Dịch vụ khách hàng để tư vấn, giải đáp cho người dân, NLĐ về BHXH, BHYT... Đáng chú ý, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối, liên thông với các cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc.

“Với chặng đường 25 năm, ngành BHXH đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu lớn như: Số người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT ngày càng tăng lên; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, dẫn đầu về ứng dụng công nghệ thông tin... Qua các cuộc khảo sát, niềm tin, sự hài lòng của người từng bước được cải thiện, tăng cao”, TS Bùi Sỹ Lợi đánh giá.

Nghị quyết 28 NQ/TW đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2021 cả nước phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%; Đến năm 2025, các chỉ số tương ứng được nâng lên là khoảng 45%; khoảng 35% và 85%; Còn đến năm 2030 là khoảng 60%; khoảng 45% và 90%.

Để đạt được mục tiêu nói trên, cùng với sự quan tâm vào cuộc của các cấp các ngành, BHXH Việt Nam có một vai trò đặc biệt quan trọng. Nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT, ngành BHXH sẽ gặp không ít thách thức.

“Với truyền thống 25 năm xây dựng và trưởng thành, BHXH Việt Nam sẽ nỗ lực tranh thủ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự đồng hành của các bộ, ban ngành; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận tụy với công việc của toàn thể đội ngũ công chức để vượt qua mọi khó khăn, đưa Ngành phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hướng tới sự hài lòng của tất cả người tham gia BHXH, BHYT’, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh khẳng định.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một phần tư thế kỷ góp phần vào sự nghiệp an sinh