Xinh đẹp, có học thức nhưng Nguyễn Thu Hương (SN 1991, quê Nam Định) lại xuất cảnh sang Campuchia để làm thuê cho nhóm đối tượng người Trung Quốc, lừa đảo trên mạng xã hội Facebook. Hương được phân công online, dùng lời “oanh vàng thỏ thẻ” dụ dỗ khiến các nạn nhân gửi tiền tỷ rồi lâm cảnh trắng tay...
Trong bối cảnh tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội đang diễn biến phức tạp “như nấm sau mưa”, phiên tòa xét xử Nguyễn Thu Hương của TAND tỉnh Bình Phước là lời cảnh tỉnh sâu sắc cho những ai vẫn đang ảo tưởng về việc làm giàu online.
Nguyễn Thu Hương được bố mẹ cho ăn học tử tế. Sau khi tốt nghiệp đại học, đầu năm 2022, Hương quyết định sang thành phố Sihanoukville (Campuchia) xin việc làm.
Đến tháng 7/2022, Hương được người phụ nữ tên Minh (không rõ nhân thân, lai lịch, sống tại Campuchia) giới thiệu vào làm cho một công ty do một nhóm đối tượng người Trung Quốc làm chủ tại thành phố Sihanoukville. Khi làm việc, Hương biết rõ công ty này chuyên thực hiện lừa đảo trên mạng xã hội nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.
Hương nhớ lại: Công ty “ma” đa số là người Trung Quốc, người Campuchia và chỉ có 14 người Việt. Hương trao đổi với “ông chủ” thông qua người phiên dịch tiếng Trung Quốc. Công ty hoạt động có tổ chức, chia nhân viên ra từng thành nhóm khác nhau để làm việc vì múi giờ và ngôn ngữ khác nhau.
Đối với nhóm người Việt, công ty chia thành nhiều “tổ” để phối hợp chặt chẽ nhằm cùng nhau lừa đảo người Việt trong nước. Các tổ gồm bộ phận “tìm kiếm khách hàng” sẽ tìm kiếm, dẫn dụ người Việt để mồi chài.
Bộ phận “chăm sóc khách hàng” sẽ tạo ra các lý do không cho nạn nhân sập bẫy rút tiền để yêu cầu nộp thêm tiền. Ngoài ra còn có bộ phận “xuất nhập khoản” chuyên theo dõi tài khoản nhận tiền do khách nộp, thực hiện việc rửa tiền. Bộ phận kế toán chuyên tính tiền hoa hồng cho nhân viên sau khi lừa đảo chiếm được tiền của nạn nhân.
Bị cáo Hương được “ông chủ” người Trung Quốc giao nhiệm vụ làm ở tổ “tìm kiếm khách hàng” với mức lương 200 USD/tháng. Hương sẽ được hưởng hoa hồng 5% số tiền lừa được từ nạn nhân do bị cáo dẫn dụ.
Các đối tượng Trung Quốc cấp cho Hương “công cụ” hành nghề gồm điện thoại di động, máy vi tính với tài khoản Facebook mang tên “Phạm Gia Hân”. Từ đó Hương chủ động xâm nhập, tham gia các hội, nhóm người Việt trên mạng xã hội nhằm kết bạn, làm quen.
Hương khai nhận dù hiểu rõ việc làm phi pháp nhưng vì đồng tiền, bị cáo vẫn nhắm mắt lao vào, trở thành “chân rết” phục vụ cho nhóm lừa đảo trên. Hương lên Facebook, kết bạn với nhiều người, chủ động nhắn tin qua lại tạo mối thiện cảm và lòng tin. Khi đã thân thiết, Hương giới thiệu các chương trình của Công ty qua trang web “Vndirectco.vn”, cho khách hàng chơi thử, trải nghiệm.
Ban đầu, Công ty “ma” sẽ cho khách hàng hưởng lợi nhuận, được rút tiền để nạn nhân tin tưởng. Khi họ đầu tư lớn, tổ “chăm sóc khách hàng” sẽ tạo ra các lý do không cho rút tiền, yêu cầu nộp thêm các khoản khác... nhằm chiếm đoạt số tiền lớn hơn. Hương có nhiệm vụ tiếp tục giữ liên lạc, tạo niềm tin cho nạn nhân, khích lệ họ nghe theo yêu cầu của tổ “chăm sóc khách hàng”.
Hương nhớ lại: Khoảng tháng 7/2022, bị cáo vào Facebook của anh Nguyễn Thanh Toán gửi lời mời kết bạn. Hương thường nhắn tin, trò chuyện với anh Toán để tạo sự thân thiết. Một tháng sau, Hương bắt đầu giới thiệu anh Toán tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử qua trang web “Vndirectco.vn” để hưởng lợi nhuận.
Nghe Hương nói “bùi tai”, anh Toán cũng đồng ý. Hương gửi cho anh Toán một tài khoản chơi thử nghiệm. Anh Toán chơi thử, thực hiện thao tác theo hướng dẫn của Hương thấy dễ dàng, có lợi nhuận thật. Để anh Toán tin tưởng hơn, Hương chụp hình ảnh về việc rút tiền lợi nhuận cho anh Toán xem. Từ đó, anh Toán tin tưởng, tham gia chơi sàn giao dịch điện tử qua trang web “Vndirectco.vn”. Anh Toán được Hương hướng dẫn tạo tài khoản, mật khẩu... để thực hiện các đơn hàng và hưởng lợi nhuận.
Chiêu trò dụ “cá cắn câu” rất tinh vi, anh Toán cảm nhận được lợi nhuận thật nên tiếp tục 5 lần chuyển tiền đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Suốt quá trình đó, Hương liên lạc với anh qua Facebook Phạm Gia Hân để hối thúc nộp tiền. Đầu tháng 9/2022, Hương chuyển sang làm tại tổ “Xuất nhập khoản” nên biết anh Toán bị lừa khoảng 1 tỷ đồng. Ngày 15/9/2022, Hương nhận số tiền hoa hồng 5% trên tổng số tiền anh Toán bị chiếm đoạt, tổng cộng là 60 triệu đồng. Khi nhận ra mình bị lừa, anh Toán mới gửi đơn tố cáo.
Cuối tháng 9/2022, công ty “ma” thông báo bị cảnh sát Campuchia kiểm tra nên ngừng hoạt động. Ông chủ người Trung Quốc yêu cầu toàn bộ nhân viên chuyển ra khách sạn bên ngoài ở. Ngày 04/10/2022, công ty “ma” giải tán, đề nghị toàn bộ người Việt “tùy nghi di tản” về nước. Hương về lại Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Ngày 13/10/2022, Hương ra đầu thú và bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trước bục khai báo TAND tỉnh Bình Phước, Hương khai nhận hành vi phạm tội và xin giảm nhẹ hình phạt. “Con dại, cái mang”, bố Hương phải thống nhất sẽ bồi thường một phần thiệt hại cho anh Toán.
Xuyên suốt vụ án, có thể thấy Hương cùng với những đối tượng người Trung Quốc và Campuchia bằng các thủ đoạn tinh vi, thông qua các trang mạng xã hội như Facebook để lừa đảo, chiếm đoạt của anh Toán hơn 1 tỷ đồng. Vai trò của Hương là giúp sức cho tội phạm nước ngoài để hưởng lương 200 USD mỗi tháng và chia 5% số tiền lừa được.
Hương nghẹn ngào: “Bị cáo chỉ là người làm thuê cho các đối tượng người nước ngoài, có vai trò thứ yếu. Khi biết làm cho công ty lừa đảo, bị cáo có xin nghỉ nhưng phía công ty buộc phải bồi thường 4.000 USD nên bị cáo phải tiếp tục thực hiện hành vi theo kịch bản công ty giao”. Vụ án khép lại với hình phạt 8 năm tù dành cho Hương về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Mặc dù các cơ quan tố tụng nước ta có đề nghị nước bạn tương trợ, cùng hạn chế, ngăn chặn tội phạm nhưng trên không gian mạng hiện nay vẫn rất phức tạp. Do đó, mỗi người cần nâng cao hơn nữa cảnh giác, tuyệt đối không kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, nâng cao cảnh giác nhằm tránh những cạm bẫy khó lường...