Một trong những kiến nghị được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM nêu ra tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017 là sửa Luật Kinh doanh bất động sản để có quy định ngăn chặn được tình trạng "cò đất" núp bóng doanh nghiệp kinh doanh.
Nhận xét về thị trường bất động sản hiện nay, ông Lê Hoàng Châu cho rằng đang có những quan ngại khi thị trường vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng nhưng đã có dấu hiệu chững lại, có những rủi ro tiềm ẩn bên trong và để xử lý, vấn đề rất phức tạp. Đơn cử như gần đây có vấn đề sốt đất nền ở vùng ven TP Hồ Chí Minh và cả ở những thành phố khác như Đà Nẵng, Nha Trang.
Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017, ông Lê Hoàng Châu đã có 5 kiến nghị. Trong số đó có vấn đề đã cũ là việc hạch toán bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thu nhập khác của doanh nghiệp. “Vấn đề này đã đã được đưa vào Nghị quyết 35 của Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện”, ông Châu nói và mong lần này Chính phủ tiếp tục ghi nhận và thực hiện để bảo đảm bình đẳng của các doanh nghiệp.
Chủ tịch HH BĐS Tp Hồ Chí Minh cũng kiến nghị cho phép thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại ngân hàng ở nước ngoài nhưng khi xảy ra tranh chấp thì xử lý theo pháp luật của nước ta; Kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét thông qua Luật sửa đổi một số điều của các luật về đầu tư kinh doanh ngay trong năm 2017; Kiến nghị sửa Luật Kinh doanh bất động sản để có quy định ngăn chặn được tình trạng cò đất núp bóng doanh nghiệp kinh doanh.
Theo lý giải của ông Châu, cơn sốt ảo giá đất ở vùng ven TP Hồ Chí Minh vừa qua là do giới đầu nậu và “cò đất”. Đây cũng là nhóm đối tượng lợi lớn nhất trong quá trình này cho nên nó tiềm ẩn những rủi ro, nguy cơ rất nguy hiểm đối với tình hình kinh tế, bất động sản, nhất là tính bền vững.
“Luật Kinh doanh bất động sản quy định kinh doanh bất động sản phải có đăng ký kinh doanh nhưng giới đầu nậu, “cò đất” hiện nay đang kinh doanh với tư cách cá nhân chứ không đăng ký kinh doanh, không chịu thuế và nấp bóng người chủ đất hoặc nấp bóng doanh nghiệp để kinh doanh. Cho nên phải sửa luật về vấn đề này”, ông Châu đề xuất.
Chủ tịch HH BĐS Tp Hồ Chí Minh kiến nghị sửa Luật Kinh doanh bất động sản để có quy định ngăn chặn được tình trạng "cò đất"
Đối với 60 dự án có vấn đề phải thanh tra, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị để cho các chủ đầu tư vẫn được tiếp tục thực hiện dự án của mình. Nếu trong trường hợp thanh tra phát hiện các vấn đề thì các chủ đầu tư đó có nghĩa vụ phải nộp tài chính bổ sung nếu có. Còn trong trường hợp không phát hiện các vi phạm pháp luật cụ thể thì nên để cho các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án của mình để bảo đảm sản phẩm bàn giao cho khách hàng.
Liên quan đến những dự án nói trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Bộ đã báo cáo với Thủ tướng, kiến nghị 2 nội dung: Thứ nhất, thực hiện kế hoạch thanh tra 2017 có kế hoạch đối với các dự án không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu sai phạm đất đai làm thất thu ngân sách. Chuyển cho Thanh tra Chính phủ tham khảo danh sách 62 dự án này.
Thứ hai, yêu cầu các Chủ tịch các tỉnh thành phố tạm thời đình chỉ thi công các dự án cao tầng trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền.
Cũng tại Hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp, liên quan đến thị trường bất động sản, ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty KOSY kiến nghị Thủ tướng đối với những dự án giải phóng mặt bằng theo cơ chế tự thỏa thuận, nên đưa ra quy định nhà đầu tư thỏa thuận được tối thiểu 70%, Nhà nước quyết định có 2 phương thức: Phương thức thứ nhất là Nhà nước quyết định thu hồi đất với các trường hợp không đồng ý thỏa thuận này; phương thức thứ hai là nhà đầu tư được khởi kiện ra tòa, tòa sẽ quyết định mức giá bồi thường và tổ chức thi hành án.
Ngoài ra, ông Cường cũng kiến nghị về thời điểm xác định tiền sử dụng đất nộp cho Nhà nước và việc thu hồi dự án khi chậm tiến độ, hết hạn sử dụng. Cụ thể kiến nghị với Thủ tướng nghiên cứu đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Đất đai 2013 theo hướng xử lý đối với các dự án chậm tiến độ sử đụng đất bằng cách đóng thuế lũy tiến như nội dung Nghị quyết 19 hoặc có thể phạt nhà đầu tư bằng tiền để buộc nhà đầu tư tự quyết định, hoặc tìm cách tập trung đầu tư, hoặc tìm nhà đầu tư khác để liên doanh, hoặc tìm cách chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác mà không cần Nhà nước phải can thiệp.