Phóng sự - Ghi chép

Kí ức hào hùng Điện Biên Phủ qua lời cựu binh ở xứ Thanh

Thanh Phương 04/04/2024 - 17:17

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu như vẫn còn nguyên giá trị. Trong ký ức của những người tham gia chiến dịch như mới hôm qua, bao trang “sử sống” vẫn hàng ngày truyền khí chất “Bộ đội Cụ Hồ”, sáng mãi niềm tin với quê hương đất nước, tất cả vì độc lập, tự do.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ Cao Xuân Thọ (SN 1926), tại xã Hoằng Giang, (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vẫn nhớ như in về những năm tháng hào hùng trên mảnh đất Điện Biên.

ongtho.jpg
Cựu binh Cao Xuân Thọ nhớ lại những ngày tháng hào hùng

Theo tiếng gọi non sông, cả nước ra trận, 18 tuổi, chàng trai Cao Xuân Thọ xung phong vào đội tự vệ. Hai năm sau tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Đại đoàn 308, Trung đoàn 108 phục vụ Chiến dịch Thu – Đông. Năm 1949 - 1951, Cao Xuân Thọ theo phục vụ chiến dịch Cao – Bắc – Lạng, sau đó đi học quân báo ở Trung Quốc.

Sau khi về nước, ông trở thành Đội trưởng đội phá bom Đại đội 404, đội TNXP 40 phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, với nhiệm vụ gác đài quan sát bom ở ngã ba chảo lửa Cò Nòi. Đây được xem là cửa ngõ tiến vào Tây Bắc, là tuyến đường nối đồng bằng Bắc bộ, Chiến khu Việt Bắc, khu IV với chiến trường Điện Biên. Mọi hoạt động chi viện lên chiến trường Điện Biên đều phải qua nút thắt quan trọng này, vì vậy địch đã tìm mọi cách nhằm chặt đứt sự chi viện của quân dân ta với chiến dịch.

nhao.jpg
Căn nhà nơi ông Thọ sống tại xã Hoằng Giang

Nhớ về những ngày tháng gian khổ, hào hùng ấy, đôi mắt người lính già rực sáng. "Tốp máy bay này vừa rời đi, tốp máy bay khác lại kéo đến, chưa phá xong loạt trước, loạt sau lại rải xuống. Bom chồng bom, thi nhau phát nổ, khói lửa ngập trời, đất đá tung tóe, núi rừng rung chuyển, hòa lẫn trong đó không ít máu xương của những người lính mở đường.

Chỉ trong một thời gian ngắn, khu vực ngã ba Cò Nòi đã không còn màu xanh, tất cả bị xới lên tơi tả. Số lần đánh phá ngày một dày đặc hơn, quy mô bán kính ngày một lớn, cứ 13 phút, địch lại ném bom bắn phá một lần. Có ngày chúng ném xuống đây khoảng 300 quả, đủ các loại như bom phá, bom nổ chậm, bom bươm bướm với trọng lượng khoảng 69 tấn thuốc nổ. Vì vậy, công việc phá bom lúc này là nhiệm vụ hết sức nặng nề, cần kíp mà vô cùng phức tạp”.

contrai.jpg
Anh Cao An Khánh (bên phải) luôn tự hào về người cha của mình

Bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống, nhưng tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh tràn đầy trong khí quản người lính, sẵn sàng xung phong lên tuyến đầu. Bởi ai cũng biết và nắm rõ đây là trận đấu quyết định cho vận mệnh đất nước được độc lập, tự do.

Ông kể, năm 1946, trong những lần tham gia chiến dịch Thu Đông, Hòa Bình, Thượng Lào, ông cùng 2 đồng đội được bầu là Chiến sỹ thi đua xuất sắc nhất của toàn đoàn TNXP. Vì vậy, tháng 12/1953, cả 3 được về chiến khu Việt Bắc để dự Đại hội Chiến sỹ thi đua. Tại đại hội này, lần đầu tiên cụ Thọ được vinh dự gặp Bác Hồ.

"Khi Bác bước vào, cả hội trường mừng vui, reo to "Bác đến, Bác đến", "Hồ Chủ tịch muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm". Mọi người im phăng phắc khi Bác nói chuyện và sau đó Bác để dành thời gian trò chuyện, căn dặn các chiến sỹ. Rồi Bác nhờ đồng chí Vũ Kỳ gắn huy hiệu Bác tặng cho ba chúng tôi", ông Thọ nhớ lại.

xetho.jpg
Thanh Hóa có đóng góp rất lớn về người và của cho chiến dịch Điện Biên Phủ

Hơn nửa đời người sinh sống tại Hà Nội, năm 2010, ông trở về quê nhà Hoằng Giang, sống giản dị trong một ngôi nhà nhỏ. Thời điểm khỏe mạnh, ông Thọ nuôi con lợn, con gà, trồng rau, hưởng những ngày tháng an nhiên tự tại của tuổi già.

Bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, với những di chứng của chiến tranh để lại trên cơ thể, tai ông Thọ đã không còn nghe rõ. Ít ai ngờ, cụ già tóc bạc phơ, có vẻ ngoài gầy gò, dáng lưng hơi còng này chính là người lính, người thanh niên xung phong mưu trí, anh dũng, đã bao lần cảm tử phá bom ở chiến trường đánh Pháp năm nào.

Anh Cao An Khánh, con trai cả ông Thọ cho biết, ở cương vị nào, cha anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, người Đảng viên mẫu mực, được bà con địa phương yêu quý.

"Trong cuộc sống thường nhật, đối với xã hội, bố tôi luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuyên truyền phẩm chất cao quý của người lính, thanh niên xung phong thời chiến cũng như thời bình. Đối với gia đình, ông luôn là người cha, người ông mẫu mực, sống yêu thương, chan hòa, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo", anh Cao An Khánh tự hào kể.

Bí thư Đoàn xã Hoằng Giang Đỗ Thị Thu cho biết, dẫu tuổi cao, sức yếu nhưng bác Cao Xuân Thọ vẫn luôn phấn đấu, ra sức xây dựng quê hương đất nước trong thời bình, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học hỏi, noi theo. Vào mỗi dịp lễ lớn của đất nước, ông thường được mời đến các trường học trên địa bàn để nói chuyện lịch sử với thầy cô và học sinh. Những lúc này, ông thường kể cho con cháu, thế hệ trẻ về sự khốc liệt của chiến tranh, tinh thần quả cảm của bộ đội ta. Góp phần giáo dục, tiếp thêm tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.

Theo thống kê, tính từ đầu năm 1951, khi bộ đội ta mở chiến dịch Trung du cho tới chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động và vận chuyển đáp ứng tới 70% nhu cầu vật chất cần thiết cho các chiến dịch. Tính riêng về lực lượng, Thanh Hóa đã động viên được 56.792 thanh niên tòng quân, bổ sung cho các chiến trường.

Trong đó, chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử đánh dấu sự đóng góp lớn nhất của hậu phương Thanh Hóa. Trong toàn chiến dịch, tỉnh Thanh Hóa đã đóng góp 30% người trong độ tuổi lao động tham gia dân công với tổng số dân công lên đến 178.924 người và 27 triệu ngày công; hơn 3.500 xe đạp thồ được huy động với gần 16.000 lượt vận chuyển, 1.126 chiếc thuyền, đặc biệt có cả 31 chiếc ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa, 3 thớt voi.

Thanh Hóa đã vận chuyển ra mặt trận Điện Biên 9.000 nghìn tấn gạo, chiếm 56%; 450 tấn cá khô, 2.000 con lợn, 1.300 con bò, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu, 20.000 chai, lọ nước mắm cùng hàng trăm tấn rau các loại, chiếm 40% số thực phẩm sử dụng trong chiến dịch.

Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai (ngày 13/6/1957), khi đánh giá về công lao của Nhân dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Đó chính là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp, hy sinh của tỉnh Thanh Hóa trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; là động lực để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Được biết, ngày 6/4, Thanh Hóa tổ chức chương trình gặp mặt, tri ân, tôn vinh những đóng góp của các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần khích lệ, động viên cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tiếp tục giữ vững và phát huy phẩm chất, truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kí ức hào hùng Điện Biên Phủ qua lời cựu binh ở xứ Thanh