Khủng hoảng của phim Việt: Đừng đổ lỗi, hãy tìm nguyên nhân

Minh Anh| 09/12/2022 10:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một năm gần đây, nhiều dự án của điện ảnh Việt Nam đã bị khán giả quay lưng và chịu cảnh thua lỗ nặng nề khi khởi chiếu. Ngay đến những bộ phim nước ngoài có nội dung không mấy xuất sắc cũng vượt thị trường phim nội địa cả một quãng đường xa. Vậy nguyên nhân là do đâu? Khán giả mong rằng, nhà sản xuất nên dừng việc đổ lỗi và đã đến lúc ngồi nhìn nhận thẳng thắn vấn đề này.

Thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển sôi động sau đại dịch Covid-19. Không ít tác phẩm “đắp chiếu” trong vài năm qua đã có cơ hội ra mắt khán giả trong nước thời gian qua.

Tuy nhiên, số lượng không đồng đều với chất lượng khiến điện ảnh nước nhà chứng kiến hàng loạt cú ngã ngựa ở phòng vé. 

c10(1).jpg
Chất lượng tụt dốc khiến khán giả dần thờ ơ và quay lưng với phim Việt.

Doanh thu phim Việt đã lên đến “đỉnh cao” với Bố già (2021) – tác phẩm đầu tiên và duy nhất đạt đến cột mốc 420 tỷ đồng, hiện là dự án ăn khách nhất mọi thời.

Nhưng cũng ở thời điểm này phim Việt cũng bắt đầu rơi xuống “vực sâu” và chưa có dấu hiệu dừng lại. Gần nhất, Huyền sử vua Đinh (đạo diễn Anthony Võ) ghi nhận mức doanh thu thấp kỷ lục.

Sau một tuần công chiếu, phim chỉ đạt 42 triệu đồng theo thống kê từ Box Office Vietnam - đơn vị kiểm toán doanh thu phòng vé độc lập. Virus cuồng loạn (đạo diễn Nguyễn Ngọc Nhất Duy) cũng rơi vào tình trạng tương tự khi ế ẩm tại phòng vé, lỗ nặng với tổng doanh thu chỉ hơn 157 triệu đồng so với kinh phí công bố gần 8 tỷ đồng.

Những tác phẩm gần đây gây sốc vì phần hình thức quá tệ. Virus cuồng loạn là minh chứng điển hình. Ngay từ khi chưa công bố, tác phẩm đã nhận hàng loạt ý kiến chỉ trích về mặt hình ảnh. Từ poster phim, trailer đến tạo hình nhân vật đều được thực hiện sơ sài, không đạt chuẩn để chiếu rạp.

Khi xem phim, khán giả dễ dàng phát hiện hàng loạt điểm trừ. Các diễn viên trở thành xác sống thông qua phần hóa trang thực hiện qua loa. Họ chủ yếu được đánh phấn trắng, thoa son đậm và đeo lens. Cách xử lý này có thể tạm chấp nhận với một vở kịch sân khấu, nhưng khó thể thông cảm với một dự án điện ảnh được đầu tư tiền tỷ.

virus.jpg
Nhiều dự án phải rút rạp sớm trong tình trạng thua lỗ nặng nề.

Tạo hình xác sống thiếu sáng tạo thì đạo diễn cũng chưa kiểm soát được phong cách ở lần đầu làm phim. Các góc máy được sắp đặt bố cục lệch lạc, khung hình rung lắc khiến người xem chóng mặt. Màu phim cũng không thống nhất, khi thì sặc sỡ khi lại quá nhợt nhạt.

Khó thể kỳ vọng ở một bộ phim không được đầu tư ngay từ yếu tố quan trọng nhất: Xác sống. Do đó, cũng khó để xếp phim vào một thể loại nhất định. Nó không đủ sợ hãi để thành phim kinh dị, quá uể oải để làm phim hành động và cũng chưa đủ sâu sắc để làm phim tâm lý.

Khán giả ngán ngẩm nghĩ có lẽ thất vọng dành cho Virus cuồng loạn đã đạt đến đỉnh điểm thì Huyền sử vua Đinh cũng đi theo vết đổ đó. Lần này, đáng mừng là khán giả không cần ra rạp vẫn nhặt được đầy sạn trong trailer.

Đơn cử, ê-kíp để cho các diễn viên trẻ hóa thân thành người già bằng cách đeo râu giả. Song, chất lượng đạo cụ hóa trang rất thấp, chỉ bằng các tiết mục văn nghệ của học sinh, sinh viên.

Tạo hình nhân vật chính – vua Đinh Bộ Lĩnh (Anh Tài) – không hề toát lên vẻ oai hùng, trang nghiêm. Trái lại, người xem ái ngại vì không biết khi nào bộ râu sẽ “cuốn theo chiều gió”.

Phần kỹ xảo cũng là một yếu tố khiến hai tác phẩm bị chê bai thậm tệ. Thật khó hiểu khi đến năm 2022 mà vẫn có phim điện ảnh ra rạp với những hiệu ứng vi tính của phim truyền hình thập niên 2000. Thậm chí, Huyền sử vua Đinh còn gây sốc khi bỏ qua phần hậu kỳ. Ê-kíp không xử lý mà để nguyên nhà lầu, bối cảnh hiện đại để làm nền cho các nhân vật.

Sau mỗi vấp ngã, câu hỏi về nguyên nhân thất bại lại tiếp tục được đưa ra mổ xẻ, bàn luận. Một số nhìn trực diện, thừa nhận những thiếu sót về chất lượng, song cũng có những nhà làm phim đổ lỗi cho nhà phát hành, nhà rạp chèn ép, không ưu tiên điện ảnh nội địa.

Nhưng đó không phải thứ họ muốn nghĩ tới mà không ít đạo diễn Việt viện lý do hoàn cảnh. Họ cho rằng khán giả Việt không mua vé ra rạp vì bận xem World Cup, SEA Games hoặc do thời tiết mưa gió…

z3933279708303_ac9c6da0f82c5041340a5b56adc632d3.jpg
Nhưng cũng có những bộ phim không chỉ đạt giải thưởng quốc tế mà cũng được khán giả đón chờ.

Ngoài ra, đạo diễn cũng cho rằng, phim thất bại vì bị nhiều người “chơi xấu”. “Bộ phim bị hủy hoại khi ra rạp từ những ngày đầu. Nhiều khán giả thiệt thòi khi không được theo dõi tác phẩm lúc công chiếu. Trước khi vào TP.HCM để ra mắt phim, nhiều người bạn nhắn tôi: 'Phim sẽ bị chơi xấu, cẩn thận đấy. Phim chưa ra mắt đã có nhóm chờ sẵn rồi'. Bây giờ thì những điều đó hiện diện trên mạng xã hội. Bằng nhiều trò khác nhau, các nhóm đó tìm mọi cách để phá hoại tác phẩm của tôi”, đạo diễn Lương Đình Dũng kể.

Sau khi đổ lỗi cho nhà rạp, đạo diễn lại tiếp tục lập luận rằng khán giả không mua vé ra rạp vì thời điểm phát hành trùng với World Cup đang sôi động.

Trong khi các nhà làm phim Việt bận đổ lỗi cho World Cup, Sea Games, khán giả thì cũng tại hệ thống rạp trong nước, nhiều tác phẩm điện ảnh của Thái Lan, Hàn Quốc, Hollywood lại oanh tạc về doanh thu.

Điển hình, Ngược dòng thời gian để yêu anh (đạo diễn: Adisorn Tresirikasem thu về trên 84 tỷ đồngBỗng dưng trúng số (đạo diễn: Park Gyu Tae, 181 tỷ đồng)…

Những con số kể trên là minh chứng cho việc phim thất bại không phải đến từ nhà rạp, nhà phát hành hay do khán giả mải mê coi World Cup, SEA Games.

Thực tế cũng cho thấy, trước phim Việt cũng có một chỗ đứng riêng trong lòng khán giả với những tác phẩm ý nghĩa, sâu sắc như: "Cua lại vợ bầu", "Bố già", "Hai phượng"... 

Có thể dễ dàng nhận ra thành công của tất cả những bộ phim trăm tỷ đến thời điểm hiện tại thiên về đề tài tình cảm gia đình, những điều bình dị trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Những tiếng cười nhẹ nhàng, sâu sắc, những ý nghĩa nhân văn được đúc kết lại sau mỗi tác phẩm đều được khán giả đón nhận nhiệt tình.

Nhưng khi chúng ta đang cố, đang gồng mình để gọi là "hội nhập thế giới" với các thể loại kinh dị, cổ trang thì mọi thứ trở nên bị lố và tất cả gói gọn vào một từ "thảm họa".

Vậy có phải là phim Việt yếu về nội dung, cách thể hiện hay kịch bản chưa hay? Tất cả đều không phải như vậy.

Bởi các nhà sản xuất Việt Nam thừa khả năng có những bộ phim sâu sắc làm rung động hàng vạn con người. Phim Việt Nam cũng đủ sức để chinh phục những giải thưởng điện ảnh lớn trên thế giới như "Tro tàn rực rỡ".

Không chỉ Việt Nam mà ngay cả nền điện ảnh của các quốc gia khác, họ cũng sẽ đều có những thế mạnh, điểm yếu riêng của mình. Không nước nào giống nước nào. Nhưng họ vẫn thành công vang dội không chỉ về mặt giải thưởng mà doanh thu cũng vô cùng ấn tượng.

avengers-1119643-16346144875571310127054.jpg
Không nên né tránh lý do phim Việt thất bại doanh thu.

Điện ảnh hollywood thì siêu phẩm về những anh hùng, phim khoa học viễn tưởng là một độc quyền và không đơn vị nào qua nổi họ. Còn Trung Quốc thì những bộ phim dã sử đã là một thương hiệu. Phim Hàn Quốc là những câu chuyện tình cảm đan xen với những ý tưởng cao đẹp của thời đại lại được ưu tiên để sản xuất.

Như vậy có thể thấy chất lượng mới là thứ đánh giá sự sống còn của mỗi tác phẩm. Mà để có những bộ phim chất lượng thì hãy tập trung vào thế mạnh của mình, những điểm còn yếu kém thì nên hạn chế và tìm cách khắc phục. Chứ đừng chạy theo xu hướng một cách mù quáng để rồi quên mất vị trí mình đang đứng là ở đâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng của phim Việt: Đừng đổ lỗi, hãy tìm nguyên nhân