Vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại thủ đô Paris hôm 13/11 có thể là một hành động trả thù cho “John thánh chiến”, các chuyên gia nhận định.
Ngày 12/11, Mỹ đã tiến hành cuộc không kích nhắm vào đoàn xe chở “John thánh chiến” ở Raqqa, Syria. Mặc dù chưa có thông tin xác nhận “John thánh chiến” đã chết, nhưng một quan chức Mỹ giấu tên nói rằng, 99% tên đao phủ của IS đã bị tiêu diệt.
"John thánh chiến" được cho là đã thiệt mạng trong trận không kích của Mỹ hôm 12/11
Ngày 14/11, một video được công bố trong đó tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã đứng ra nhận trách nhiệm cho đợt tấn công liên hoàn nhắm vào 7 điểm ở thủ đô Paris hôm 13/11. Đồng thời tuyên bố, đó mới chỉ là "những gì khởi đầu cho một cơn bão".
News week bình luận, trận không kích tiêu diệt “John thánh chiến” và thảm kịch ở Paris chỉ cách nhau có 1 ngày vì thế, IS chắc chắn không có khả năng lên kế hoạch cho một vụ tấn công quy mô lớn trong một thời gian ngắn như thế. Kế hoạch tấn công có khả năng đã được tính toán từ lâu. Tuy vậy, việc Mỹ quyết tiêu diệt “John thánh chiến” đã đổ thêm dầu vào lửa, khiến IS đẩy nhanh kế hoạch tấn công.
Theo ông Raffaello Pantucci, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu An ninh Quốc tế, vụ thảm sát đã được lên kế hoạch từ lâu, nhưng cái chết của “John thánh chiến” đã khiến IS chọn đêm 13/11 là thời điểm tốt nhất.
Còn theo ông Peter Neumann thuộc từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Cực đoan và Bạo lực chính trị của trường Cao đẳng Kings London, mặc dù đã lường trước về một chiến dịch khủng bố Châu Ấu, nhưng không thể ngờ được mức độ lại nghiêm trọng như thế. Theo ông Peter, có tới 5.000 người Tây Âu thường xuyên đi tới Iraq và Syria, trong đó có nhiều người Pháp. Nhiều người sang Iraq và Syria với ý định thánh chiến và có khả năng thực hiện vụ tấn công.
Thủ đô Paris bất ngờ bị tấn công hôm 13/11
Theo Telegraph, Cơ quan tình báo nội địa Anh (MI5) và cảnh sát theo dõi các phần tử cực đoan ủng hộ Nhà nước Hồi giáo đã cảnh báo về một cuộc tấn công trả thù cho “John thánh chiến”. M15 nhấn mạnh, cái chết của “John thánh chiến” có thể châm ngòi cho các cuộc tấn công trả thù do IS phát động.
Pháp từng rơi vào tình trạng căng thẳng khi 11 người thiệt mạng trong vụ xả súng tại tòa soạn biếm họa Charlie Hebdo hồi tháng 1. Động cơ vụ xả súng được cho là trả thù các nhân viên tòa soạn vẽ hình biếm họa nhà nhà tiên tri Muhammad.
Tuy nhiên, vụ tấn công 13/11 lại không nhắm vào đối tượng nào cụ thể và 4 tay súng hét lên "Allah Akbar" (Thánh Allah vĩ đại). “Điều này tạo ra sự lo lắng trong lòng người dân Pháp vì nghĩ rằng nơi đâu cũng có thể trở thành mục tiêu", ông Peter nói.