Liên quan vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, không phải chúng ta thiếu cơ chế pháp lý, mà chúng ta thiếu cơ chế hành động, trong đó có biện pháp, quy tắc hành động và đặc biệt là người hành động.
7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo được đưa ra xét xử; tổng số tài sản thu được là gần 80 nghìn tỷ đồng. Đây là những con số đáng ghi nhận trong công cuộc phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, so với mức độ thiệt hại mà các vụ án tham nhũng đã gây ra, thì tài sản thu hồi vẫn còn khá khiêm tốn. Liên quan tới vấn đề này, tại phiên họp 52 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSNDTC cho rằng, để thu hồi được tài sản tham nhũng một cách hiệu quả, cần ban hành Luật Đăng ký tài sản.
Theo Viện trưởng VKSNDTC, Luật Đăng ký tài sản sẽ là công cụ kèm theo, tăng cường minh bạch và chứng minh tài sản, thúc đẩy thu hồi tài sản tham nhũng tốt hơn. Nếu có luật này, người đăng ký tài sản mà không chứng minh được thì bị “thăm hỏi” ngay và có cơ sở pháp lý để xử lý. Điều này có thể ngăn chặn tài sản bị tẩu tán từ những đối tượng tham nhũng.
Xung quanh ý kiến này, nhiều đại biểu Quốc hội thể hiện đồng tình cho rằng, đăng ký tài sản cũng chính là đăng ký quyền bảo hộ, bảo vệ cho tài sản cũng như chủ sở hữu khối tài sản đó. Việc này mang lại lợi ích kép, vừa bảo vệ được quyền lợi hợp pháp cho tài sản cũng như chủ sở hữu tài sản.
Đăng ký tài sản không có nghĩa là vi phạm quyền sở hữu tài sản của cá nhân mà còn góp phần rất lớn trong công tác quản lý, thu hồi tài sản tham nhũng.
Ngoài ra từ Luật Đăng ký tài sản, ngân sách sẽ thu được khoản thuế từ thừa kế. Bởi lẽ, hầu hết các quốc gia tiến bộ trên thế giới đều áp dụng mức thuế rất cao đối với người thừa kế. Yếu tố ấy sẽ giảm thiểu thói quen ỷ lại, thói quen dựa hơi mà khuyến khích mọi người cùng lao động và sáng tạo để hưởng thụ chính thành quả do mình làm ra…
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách toàn diện vấn đề chúng ta cần xác định rõ. Chúng ta đang thiếu luật, thiếu cơ chế, hay thực hiện chưa nghiêm, chưa triệt để không ít những luật liên quan hiện hành?
Hiện các luật liên quan đến tài sản của tập thể, cá nhân có thể kể ra như: Bộ luật Dân sự và các luật liên quan đã đề cập quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của các tổ chức, cá nhân, trong đó quy định rất rõ hình thức sở hữu về tài sản. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã có Luật Thanh tra, Bộ luật Hình sự, hay Luật Phòng chống tham nhũng có quy định rất rõ về nghĩa vụ kê khai tài sản. Ngoài ra, đối với nhiều loại tài sản, như bất động sản, xe cộ... đều đã có đăng ký tài sản bảo đảm, cùng nhiều luật liên quan, để khẳng định, chứng minh tài sản của công dân.
Nếu có thêm Luật Đăng ký tài sản phải cân nhắc rất kỹ. Bởi đối chiếu những luật hiện hành nêu trên, tài sản hợp pháp của công dân đã được pháp luật bảo hộ khá chặt chẽ. Có thêm quy định để quản lý là điều đáng khuyến khích, nhưng tuyệt đối không được gây thêm thủ tục hành chính, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Điều này sẽ trái với chủ trương của Thủ tướng Chính phủ mà các Bộ, ngành đều đang rốt ráo thi hành cả trong cải cách thủ tục hành chính và ứng xử công vụ.
Chúng tôi đồng tình với đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội khi cho rằng, bản chất không phải chúng ta thiếu cơ chế pháp lý, mà chúng ta thiếu cơ chế hành động, trong đó có biện pháp, quy tắc hành động và đặc biệt là người hành động.
Chúng ta chỉ cần thực hiện cho thật tốt những đạo luật đã ban hành, làm một cách minh bạch, công khai, không bao che, không sử dụng quyền lực để tước đoạt, che giấu, hay tẩu tán tài sản thì câu chuyện sẽ khác.