Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nội dung trên tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng theo chức năng của lực lượng Công an nhân dân từ năm 2013 đến nay, diễn ra ngày 30/12.
Tham dự hội nghị có đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương, cán bộ chủ chốt trong CAND.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị.
Khởi tố mới 1.856 vụ phạm tội về tham nhũng, thu hồi gần 19.500 tỷ đồng
Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng theo chức năng của lực lượng CAND từ năm 2013 đến nay, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Bộ Công an do đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo, được thành lập từ năm 2007, giai đoạn 2013 đến nay tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Các thành viên được mở rộng là tất cả Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Công an.
Từ năm 2013 đến nay, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã ban hành 186 văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng trong CAND. Bộ Công an đã tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện thể chế góp phần phòng ngừa tham nhũng; đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chức năng tham mưu ban hành 131 văn bản; trực tiếp ban hành 1.642 văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác có liên quan đến phòng, chống tham nhũng.
Công an các cấp đã có 745 kiến nghị đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng, cùng hàng nghìn kiến nghị khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực góp phần phòng ngừa tham nhũng…
Cũng trong giai đoạn này, lực lượng CAND đã tiếp nhận 1.074 tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố về tội phạm tham nhũng (đã xử lý 100% các nguồn tin, trong đó kết luận, giải quyết 863 đơn theo chức năng, nhiệm vụ, khởi tố 292 vụ án, 409 bị can).
Cơ quan điều tra các cấp trong CAND đã khởi tố mới 1.856 vụ với 4.072 bị can phạm tội về tham nhũng, thu hồi gần 19.500 tỷ đồng và trên 290.000 m2 đất. Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 1.718 vụ, 4.768 bị can. Trong đó đã điều tra 120/133 vụ, chiếm tỷ lệ 91% các vụ án lớn thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước được xử lý dứt điểm, nghiêm minh, đúng pháp luật với quan điểm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ", dù bất kể đó là ai, không còn tình trạng xử lý thiếu kiên quyết, kéo dài, “chìm xuồng”; việc mở rộng điều tra các vụ án được thực hiện triệt để hơn, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi của các đối tượng. Điển hình như một số vụ án xảy ra tại ngân hàng ACB và các ngân hàng Đại Tín, Dầu Khí, Đông Á, Phương Nam, Sacombank đã được điều tra, làm rõ, mở rộng, ngăn chặn các ý đồ “lợi ích nhóm” một cách kịp thời; vụ Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng và đồng phạm tham ô tài sản cũng là những vụ án tồn đọng từ trước đã được giải quyết dứt điểm, giúp việc truy tố, xét xử vụ án thành công trong giai đoạn này.
Công tác thu hồi tài sản hiệu quả, triệt để hơn rất nhiều, tỷ lệ thu hồi tài sản năm sau cao hơn năm trước, nhất là 3 năm trở lại đây. Nhiều vụ án thu hồi được 100% tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát như vụ án xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, vụ án Hứa Thị Phấn... Nhiều tài sản bị tẩu tán, chuyển nhượng, che giấu, thậm chí cả tài sản đã bị chuyển ra nước ngoài cũng đã được phát hiện, truy nguyên ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu (như vụ Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Ngân hàng BIDV, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng đã kịp thời phong tỏa để thu hồi hơn 10 triệu USD bị tẩu tán ra nước ngoài).
Thời gian trước, công tác điều tra, xử lý các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chưa điều tra, xử lý được hành vi “rửa tiền” thì trong giai đoạn này CQĐT đã phát hiện, điều tra và khởi tố 4 vụ án về tội danh “rửa tiền” (vụ án Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt và đồng phạm; vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và đồng phạm; vụ án Nhật Cường; vụ án tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba), kết quả đó góp phần bảo vệ thành quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bảo vệ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế...
Năm 2020, bên cạnh việc duy trì tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng lớn thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, lực lượng Công an còn làm tốt công tác nắm tình hình, xác định khâu đột phá, phát hiện một số vụ việc để cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa trong cả một lĩnh vực (điển hình là vụ CDC Hà Nội và vụ nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai).
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan điều tra
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao Bộ Công an đã quán triệt, triển khai chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thiết thực trong giai đoạn tới cũng như thể hiện quyết tâm chính trị cao của toàn lực lượng trong công tác phòng chống tham nhũng.
Cơ bản thống nhất với báo cáo tổng kết của Bộ Công an do Thượng tướng Lê Quý Vương và các báo cáo điển hình tại Hội nghị, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao những đóng góp quan trọng, tích cực của lực lượng Công an nhân dân, lực lượng nòng cốt, chủ công trong đấu tranh, điều tra các vụ án tham nhũng.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ luôn xác định quyết tâm chính trị cao trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng, kiên quyết ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng.
Đồng thời với điều hành kinh tế-xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định công tác phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ rất quan trọng.
Quán triệt xuyên suốt phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, chúng ta đã kiên quyết xử lý hình sự một số cán bộ cấp cao, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang có vi phạm. Qua đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, Đảng viên và nhân dân.
Để bảo đảm phòng, chống tham nhũng hiệu quả, căn cơ, lâu dài, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm phòng ngừa tham nhũng; tập trung tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập. Thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, bảo đảm "không thể tham nhũng", nhất là quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập, thu hồi tài sản tham nhũng; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của từng người có chức vụ, quyền hạn.
Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân; tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, đặc biệt phải thực sự trong sạch, liêm khiết làm nhiệm vụ phòng chống tham nhũng. Xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội đảm bảo khách quan, thận trọng, thấu đáo trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, "không có vùng cấm", đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung, không bỏ lọt tội phạm nhưng không được làm oan người vô tội.
Thủ tướng lưu ý, trong điều tra, truy tố, xét xử, cần xem xét cụ thể bối cảnh, môi trường và thiệt hại để xử lý đúng pháp luật, nhân văn, có lý, có tình. Mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta là ổn định xã hội để phát triển kinh tế-xã hội, vì vậy trong điều tra xử lý không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính để doanh nghiệp và người dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhưng không được bỏ lọt tội phạm, không tạo cơ sở cho tham nhũng, tiêu cực.
Cần tạo điều kiện cho các chủ thể sai phạm khai nhận và khắc phục hậu quả thiệt hại tốt, có chính sách hình sự phù hợp. Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, chú trọng công tác điều tra, mở rộng vụ án, kết luận, đề xuất xử lý triệt để, nghiêm minh, đề nghị truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Trong điều tra xử lý, đối với những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội, nhất là đối tượng làm ăn phi pháp, sản xuất hàng giả, hàng gian như thuốc chữa bệnh, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... có sự tiếp tay, bao che của cán bộ tham nhũng thì cần xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục chung nhằm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, minh bạch, công bằng; đồng thời bảo vệ những người dân lương thiện, những doanh nghiệp chân chính, tạo lòng tin cho toàn xã hội.