Chính trị

Không đưa thuốc mới phát minh vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế

01/11/2023 - 12:24

Báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV về thực trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế và một số vấn đề nổi cộm khác của ngành Y tế tại phiên họp sáng 1/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, những thuốc mới còn đang phát minh, đang còn thời hạn bảo hộ thì rõ ràng giá cao. Giá thuốc là yếu tố phải tính để đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm y tế.

Về việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế gây bức xúc trong xã hội thời gian gần đây, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, tính từ năm 2014 đến nay đã 5 lần Bộ Y tế cập nhật danh mục thuốc bảo hiểm y tế. Việc này nhằm rà soát danh mục hiện hành để loại các thuốc có hiệu quả thấp, có cảnh báo an toàn, rà soát các chẩn đoán điều trị, xác định hiệu quả điều trị của thuốc mới so với thuốc tương tự đã có trong danh mục thuốc, đồng thời đánh giá được khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế.

011120230945-bo-truong-dao-hong-lan.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Trước một số ý kiến của ĐBQH cho rằng, hiện việc cập nhật danh mục thuốc bảo hiểm y tế là quá chậm, cần 2-4 năm để cập nhật thuốc mới vào danh mục, làm mất quyền lợi của người dân hưởng bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Lan cho biết: “Không phải cứ thuốc mới nào được phát minh đều nghiễm nhiên được đưa vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế. Những thuốc mới còn đang phát minh đang còn thời hạn bảo hộ thì rõ ràng giá cao, giá cũng là yếu tố phải tính để đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm y tế”.

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức đóng bảo hiểm y tế, với hơn 1.000 hoạt chất. Danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại Việt Nam được ghi dạng dưới tên hoạt chất, thành phẩm, không ghi hàm lượng, dạng chế bào và tên thương mại nên việc lựa chọn thuốc thành phẩm được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở y tế không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại.

Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh xây dựng danh mục để lựa chọn cho phù hợp.

Đối với việc ĐBQH đưa ra so sánh với thực tế triển khai ở các quốc gia khác, như: Nhật chỉ mất khoảng 3 tháng, Pháp 15 tháng, còn ở Việt Nam thì cần trung bình từ 2 tới 4 năm để cho loại thuốc mới có thể được vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Lan cho rằng, tại các nước này, danh mục thuốc BHYT ghi theo tên thương mại, vì vậy cần phải cập nhật thường xuyên do không phải thuốc nào không có hoạt chất trong danh mục nạn là ngay lập tức được thanh toán. Còn tại Việt Nam quy định tên hoạt chất, nên các thuốc tên thương mại nào được cấp phép lưu hành, mà có hoạt chất đã có trong danh mục sẽ ngay lập tức được thanh toán.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, tổng số thuốc có đăng ký lưu hành nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay khoảng trên 22.000 thuốc và trên 100.000 chủng loại trang thiết bị còn hiệu lực, tạo điều kiện cho thị trường đảm bảo cung ứng cho các cơ sở y tế. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp tìm nguồn cung, đặc biệt là đối với thuốc hiếm, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm thuốc đấu thầu tập trung quốc gia.

Bước đầu mặc dù vẫn còn tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một cơ sở, nhưng theo báo cáo của 1.078 cơ sở y tế trên toàn quốc với Bộ Y tế, trong tháng 10/2023 có 61,41% đơn vị báo cáo đã đủ cung ứng thuốc trong hoạt động khám, chữa bệnh 38,59% đơn vị báo cáo có tình trạng thiếu cục bộ, có những đơn vị trước đây khó khăn như hiện nay đã đấu thầu đảm bảo cơ bản cho công tác khám, chữa bệnh.

Vì sao thiếu thuốc?

Cũng tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã lý giải về việc thiếu thuốc. Dẫn báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, bà Lan cho rằng, việc thiếu thuốc, thiếu thiết bị, vật tư tế là một thách thức dai dẳng. Đây không phải là hiện tượng mới, mà đã xảy ra ở nhiều nước, đặc biệt nghiêm trọng hơn ở giai đoạn trong và sau đại dịch Covid-19, gây ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân. Ngay cả các quốc gia phát triển có hệ thống tiên y tế tiên tiến, hiện đại như các quốc gia châu Âu: Anh, Pháp, Ý hay cả Hoa Kỳ cũng có hiện tượng này. Và đặc biệt thiếu ở nhóm các thuốc về thần kinh, tim mạch, thuốc chống nhiễm trùng, thuốc chống ung thư, thuốc tiêu hóa, vaccine, các thuốc, sinh phẩm chế biến từ vết thương cho máu người.

Ngày 24/10/2023 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã họp bàn và ra thông báo về vấn đề tăng cường các hành động nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc trầm trọng và tăng cường an ninh nguồn cung.

Việc thiếu thuốc, thiếu thiết bị, vật tư y tế xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung nguyên liệu hoạt chất trên thế giới khan hiếm. Cùng với đó là việc giá cả biến động trên quy mô toàn cầu, vấn đề lạm phát, khủng hoảng năng lượng và cả ảnh hưởng của xung đột quân sự giữa các quốc gia làm tăng cao chi phí đầu vào của ngành sản xuất dược phẩm.

Những thực tế trên dẫn tới việc giá thành sản phẩm tăng cao, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thiếu động lực khuyến khích các nhà sản xuất sản xuất các loại thuốc mang lại ít lợi nhuận hơn.

Sớm đưa dự án bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 vào hoạt động

Liên quan dự án bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, ngày 21/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác rà soát khó khăn với sự tham gia của Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp. Đến nay tổ đã có 3 báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án và đã đề xuất các phương án để cho phép kéo dài thời gian bố trí thực hiện dự án đến hết ngày 31/12/2025.

Tổ công tác yêu cầu rà soát, điều chỉnh các hợp đồng đã ký theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng. cùng các luật khác có liên quan và đề nghị bổ sung cân đối vốn để tiếp tục thực hiện dự án, sớm đưa dự án vào phục vụ nhân dân.

Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ thì hiện nay Bộ Y tế đang phối hợp cùng với các Bộ, ngành để thực hiện thương thảo với các nhà thầu và thống nhất các nội dung điều chỉnh hợp đồng và triển khai thực hiện các giải pháp theo quy định để triển khai các nội dung này, đưa dự án bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 vào hoạt động phục vụ nhân dân.

Được biết, trong phiên họp Quốc hội chiều 31/10, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) cũng đã đề nghị Quốc hội và Chính phủ tập trung giải quyết những tồn đọng, vướng mắc của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 để sớm đưa 2 bệnh viện này đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Cũng về tiến độ xây dựng hai bệnh viện này, tháng 8/2023, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội về việc Quốc hội tăng cường công tác giám sát một số bệnh viện đã xây dựng nhiều năm nhưng hoạt động không hiệu quả như Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 ở Phủ Lý (Hà Nam)...

Theo Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, qua theo dõi và làm việc với Bộ Y tế, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, tại thời điểm năm 2014, trước yêu cầu giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện, viện tuyến Trung ương và tuyến cuối đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh", trong đó có 2 dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức do Bộ Y tế làm chủ đầu tư.

Ngày 21/10/2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này đã chính thức được khánh thành. Tuy nhiên, sau đó chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào sử dụng một thời gian từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020 và thông báo tạm thời dừng hoạt động do một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, cơ sở vật chất và nhân lực. Sau đó, khu này từng được trưng dụng làm khu cách ly tập trung phòng COVID-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không đưa thuốc mới phát minh vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế