Do mâu thuẫn không thể hòa giải, chị Nguyễn Thị Hà và anh T.Q.T đã ly hôn, thế nhưng chị Hà cho biết quyền chăm sóc nuôi dưỡng con chung của chị bị cản trở, phải xa con từ khi mới 1 tuổi. Đến nay đã hơn 2 năm, là một người mẹ, chị đã làm tất cả những gì có thể và vẫn miệt mài gõ cửa các cơ quan chức năng nhờ sự giúp đỡ.
Trong đơn thư gửi Tòa soạn và các cơ quan chức năng, chị Nguyễn Thị Hà (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, chị và anh T.Q.T (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) kết hôn từ năm 2017. Tháng 12/2019 có một con chung là cháu T.G.K.
Do mâu thuẫn không thể hòa giải nên anh chị đã thỏa thuận sống ly thân và thống nhất cháu K. sẽ ở cùng bố và mẹ luân phiên 2 tuần/1 lần kể từ tháng 11/2020. Trong quá trình sống ly thân, chị Hà đưa con về sống chung với ông bà ngoại tại KĐT Ciputra, phường Xuân Đỉnh, TP Hà Nội.
Tuy nhiên anh T đã nhiều lần có các hành vi hạn chế quyền chăm sóc và nuôi dưỡng con của chị Hà. Đáng nói, ngày 12/1/2021 anh T. đã vào nhà chị Hà để đưa cháu K. về nuôi dưỡng khi chưa có sự đồng ý của chị, đưa cháu đi khỏi nơi cư trú và không cho chị Hà đón cháu.
Phát hiện sự việc chị đã trình báo với Công an phường , Tổ dân phố nơi anh T. cư trú về những hành vi trên. Đồng thời chị Hà cũng gửi đơn trình báo sự việc tới Công an phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), UBND quận Hai Bà Trưng, Hội LHPN, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc , Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cùng các cơ quan chức năng.
Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, ngày 5/2/2021 chị Hà đã nộp đơn xin ly hôn đơn phương tới TAND quận Hai Bà Trưng. Tiếp đó ngày 8/2/2021, anh T. cũng gửi đơn xin ly hôn tới TAND quận Hai Bà Trưng.
Mặc dù thụ lý hồ sơ từ ngày 9/2/2021 nhưng dịch bệnh Covid-19 và nhiều lý do khác, đến ngày 14/10/2022, TAND quận Hai Bà Trưng mới đưa vụ án ra xét xử.
Tại bản án sơ thẩm số 558/2022/HNGD-ST, “về việc ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”, HĐXX nhận định:
Anh chị có một con chung là T.G.K. (SN 2019). Chị Hà và anh T đều có nguyện vọng được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con chung và không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con. Cháu K. hiện đang sinh sống cùng anh T. tại khu đô thị Times City, phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội. Chị Hà đến đón con nhưng không đón được do gia đình anh T. không hợp tác, có sự chứng kiến của chị Chu Thị Thái Linh - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội; Công an phường Mai Động, Bảo vệ Times City Park Hill.
TAND quận Hai Bà Trưng nhận định: Hành vi của anh T. vi phạm quy định tại Điều 7 Luật Hôn nhân và gia đình về nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng của cha đối với con cái đặc biệt là cháu K chưa dù 36 tháng tuổi.
Tại phiên tòa, HĐXX cho biết ngày 17/3/2021, TAND quận Hai Bà Trưng nhận được công văn số 28/CV-HBVQTE ngày 12/3/2021 của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị về việc: …Cháu K. chỉ mới 14 tháng tuổi, đang trong độ tuổi cần được mẹ chăm sóc, việc cháu không có nơi cư trú ổn định vì mâu thuẫn của cha mẹ gây ảnh hưởng xấu đến sự an toàn, dinh dưỡng và sự phát triển toàn diện của cháu. Mặc dù, Tòa đã thụ lý đơn ly hôn nhưng anh T. và chị Hà vẫn đang có quyền về chăm sóc và nuôi dưỡng con. Cháu K. còn dưới 36 tháng tuổi cần sự chăm sóc và nuôi dưỡng của người mẹ. Việc anh T. mang cháu K. đi và không cho mẹ chăm sóc là đang xâm phạm quyền chăm sóc và nuôi dưỡng của chị Hà và quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; quyền được sống chung với mẹ của cháu K.
Công văn của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng đề nghị UBND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan có biện pháp hỗ trợ chị Hà nhằm đảm bảo quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất và quyền được sống chung với mẹ của cháu T.G.K được thực hiện.
HĐXX xét thấy, thời điểm hiện tại anh T. và chị Hà đều có chỗ ở, nghề nghiệp và thu nhập ổn định nên xác định đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng con chung. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình, con dưới 36 tháng tuổi giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Chị Hà không thuộc trường hợp loại trừ theo quy định của điều này nên giao cháu K. cho chị Hà trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con là phù hợp. Chị Hà không yêu cầu anh T cấp dưỡng nuôi con, không yêu cầu Tòa án giải quyết nên Tòa không xem xét. Anh T có quyền và nghĩa vụ thăm nom con, không ai được cản trở.
Cuối phiên sơ thẩm, TAND quận Hai Bà Trưng tuyên: về tình cảm, chị Nguyễn Thị Hà và anh T. cùng thuận tình ly hôn. Về con chung, HĐXX tuyên: “Cháu K. cho chị Hà trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục kể từ khi ly hôn cho đến khi con chung đủ 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác. Tạm hoãn nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con đối với anh T. cho đến khi có sự thay đổi khác. Anh T. có quyền và nghĩa vụ thăm nom con không ai được cản trở”.
Chị Hà cho biết: “Mặc dù Tòa án tuyên tôi quyền được nuôi con nhưng anh T. vẫn không chấp hành, tiếp tục giữ cháu từ đó đến nay. Anh T. có đơn kháng cáo tới TAND TP Hà Nội và đã thụ lý hồ sơ ngày 16/12/2022. Tòa án quyết định đưa ra xét xử vào ngày 28/02/2023 nhưng tạm hoãn, đến ngày 17/3/2023 TAND TP Hà Nội tiếp tục tạm hoãn phiên tòa rồi đưa ra thỏa thuận chung giữa tôi và anh T., đồng ý để tôi được đón và chăm sóc cháu K. vào thứ 6 đến chủ nhật hàng tuần. Tuy nhiên, sau đó ngày 17/3 và 18/3, 24/3 tôi đến đón con theo thỏa thuận thì anh T. nói cháu vắng nhà và đưa cháu đi khỏi nơi cư trú, rồi đưa ra các lý do để tôi không được gặp và đón con”.
Chị Hà cho biết thêm: “Đã hơn 2 năm qua, quyền được làm mẹ và quyền được sống chung với mẹ của cháu bé đã bị cản trở. Tôi rất mong TAND TP Hà Nội sớm đưa ra xét xử không để kéo dài ảnh hưởng đến quyền chăm sóc và nuôi dưỡng con của tôi”.
Trao đổi với chúng tôi, chị C.T.T.L trú tại quận Hai Bà Trưng cho biết: “Trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, thời điểm đó con chị Hà còn nhỏ, đã có nhiều lần tôi chứng kiến chị Hà tới đón con tại nhà anh T. nhưng không được, thậm chị gọi điện cho gia đình anh T. nhưng khi thấy số máy lạ không nghe, không hợp tác”.
Đề nghị cơ quan chức năng, TAND TP Hà Nội xem xét giải quyết vụ việc theo đúng quy định pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân.