Không chi tiền cấp dưỡng cho con sau ly hôn, xử phạt thế nào?

LS Nguyễn Huế| 15/11/2022 07:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tùy theo mức độ nghiêm trọng, việc không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn của chồng bạn có thể bị xử phạt hành chính hoặc sẽ bị xử lý hình sự.

 Vợ chồng tôi có 1 con chung 9 tuổi, vì nhiều lý do khác nhau nên chúng tôi đã ly hôn. Theo bản án, tôi được quyền nuôi con và bố cháu có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con trai 5 triệu đồng một tháng đến khi cháu được 18 tuổi. Tuy nhiên, bố cháu chỉ tìm mọi cách để gặp con mà không hề chi trả tiền cấp dưỡng. Như vậy có hình thức xử phạt nào đối với bố cháu không?

Nguyễn Thanh Thúy (Hà Nội)

me-don-than.jpg
Ảnh minh họa

Trả lời: Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Huế, (Công ty Luật TNHH XTVN, đoàn luật sư TP Hà Nội) tư vấn như sau:

Tùy theo mức độ nghiêm trọng, việc không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn của chồng bạn có thể bị xử phạt hành chính hoặc sẽ bị xử lý hình sự.

Về xử phạt hành chính:

Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định như sau:

“Điều 57. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;

b) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự

Hành vi cố ý không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc Tội không chấp hành án quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Trường hợp từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. (Điều 186 Bộ luật hình sự 2015)

Trường hợp nghĩa vụ cấp dưỡng đã được thể hiện trong bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực mà người cấp dưỡng có điều kiện nhưng không chấp hành mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Ngoài ra, người trốn nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp này còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. (Điều 380 Bộ luật hình sự 2015).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không chi tiền cấp dưỡng cho con sau ly hôn, xử phạt thế nào?