Không còn tình trạng điểm cao vẫn trượt đại học, điểm thấp lại đỗ

Ngọc Anh| 14/08/2015 20:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một điểm mới của Kỳ thi THPT quốc gia năm nay là các thí sinh sau khi biết điểm thi mới thực hiện đăng ký xét tuyển vào trường đại học phù hợp với số điểm của mình.

Một điểm mới của Kỳ thi THPT quốc gia năm nay là các thí sinh sau khi biết điểm thi mới thực hiện đăng ký xét tuyển vào trường đại học phù hợp với số điểm của mình. Đây là một chủ trương tiến bộ và minh bạch, có ý nghĩa khắc phục yếu tố may rủi mà nhiều thí sinh gặp phải ở các kỳ thi trước.

Không còn tình trạng điểm cao vẫn trượt đại học, điểm thấp lại đỗ

Để hỗ trợ học sinh trong cách xét tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các trường tổ chức nhiều buổi tư vấn tuyển sinh .

Tuy nhiên để thực hiện thành công chủ trương này, cần có nhiều giải pháp kỹ thuật và sự thực hiện đồng bộ của các trường đại học và các phụ huynh, học sinh. Thời điểm kết thúc xét tuyển theo Nguyện vọng 1 đã cận kề, sáng 14/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã có cuộc trao đổi, giao lưu, giải đáp cho các thí sinh những băn khoăn về cách thức đăng ký xét tuyển theo chủ trương mới này. 

Nhiều lựa chọn vào đại học, cao đẳng cho thí sinh 

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận về công tác tuyển sinh năm nay. Theo đó, cách tuyển sinh của năm nay khác với cách tuyển sinh của các năm trước. Những năm trước, thí sinh đăng ký nguyện vọng trước kỳ thi khi chưa có thông tin về kết quả thi của mình cũng như không biết mức điểm đạt được so với các bạn trong cả nước là cao hay thấp. Chính vì vậy, yếu tố may rủi rất cao. (Có em học tốt, đỗ thủ khoa một ngành của trường tốp trung nhưng vẫn buồn vì trước đó bố mẹ không tin tưởng và với tâm lý để chắc chắn vào được đại học đã không đăng ký vào trường tốp trên. Trong khi đó bạn cùng lớp điểm thi thấp hơn nhưng vẫn đỗ vì có đăng ký trước) . Vậy là xảy ra tình trạng người điểm cao không vào được những người có điểm thấp lại đỗ. 

Năm nay, học sinh đăng ký nguyện vọng sau khi biết điểm và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố các số liệu điểm của các khối thi cùng với chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Như vậy, thi sinh có đầy đủ thông tin để cân nhắc lựa chọn, thay đổi nguyện vọng để vào được trường mình có khả năng đỗ. 

Năm nay, việc cung cấp thông tin xét tuyển của các trường cũng được công khai, cập nhật liên tục để học sinh, phụ huynh có thông tin và phán đoán được khả năng trúng tuyển để giữ nguyên hoặc thay đổi nguyện vọng đăng ký. Đây là một sự thay đổi lớn theo hướng tạo điều kiện cho học sinh chủ động tự cân nhắc quyết định trường mình lựa chọn. Việc làm này, thí sinh phải tự tìm hiểu và cập nhật thông tin từ các trường nên vất vả hơn nhưng ít rủi ro, cơ hội trúng tuyển cao hơn, Thí sinh có thể không sử dụng các cơ hội hỗ trợ nói trên, chỉ đăng ký xét tuyển vào 1 trường và chờ công bố kết quả như những năm trước, tùy vào quyền lựa chọn của thí sinh. 

Để hỗ trợ học sinh trong cách xét tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các trường tổ chức nhiều buổi tư vấn tuyển sinh để các học sinh và phụ huynh nắm rõ hơn về quy định. Ngoài ra, các nhà trường cũng có nhiều buổi tư vấn cho học sinh đăng ký vào trường. Để giúp học sinh ở các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa chưa có điều kiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin còn hạn chế, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, chỉ đạo các Sở Giáo dục, trường trung học phổ thông cập nhật thông tin tuyển sinh phổ biến tới thí sinh. Báo Giáo dục và Thời đại của Bộ và một số báo in khác liên tục cập nhật các thông tin xét tuyển, tạo điều kiện cho thí sinh thay đổi nguyện vọng ngay tại địa phương. 

Theo quy chế tuyển sinh năm nay, ở đợt xét tuyển đầu tiên mỗi thí sinh có thể đăng ký tối đa 4 nguyện vọng ở một trường đại học, cao đẳng. Công tác xét tuyển (có sự hỗ trợ của phần mềm) đảm bảo mỗi thí sinh sẽ nhận được kết quả tốt nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký. Khi đã trúng tuyển vào một nguyện vọng thì thí sinh không tham gia xét tuyển các nguyện vọng khác và các đợt khác. Giải pháp này hạn chế tình trạng thí sinh ảo, giúp thí sinh có thông tin rõ ràng hơn về ngành, trường mình muốn đăng ký xét tuyển. 

Thí sinh cũng nên lưu ý, không có quy định nào bắt buộc đợt xét tuyển đầu tiên các trường chỉ được tuyển 70% chỉ tiêu. Tùy thuộc vào tình hình đăng ký xét tuyển vào các ngành/nhóm ngành của trường để Hội đồng tuyển sinh của trường quyết định điểm trúng tuyển vừa đáp ứng chỉ tiêu đào tạo vừa đảm bảo chất lượng đầu vào. Nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì các trường có thể tuyển bổ sung ở đợt tiếp theo. 

Thí sinh được đảm bảo việc thay đổi nguyện vọng thuận lợi 

Trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh được phép rút, nộp hồ sơ nhiều lần và theo dõi thông tin được các trường cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của trường. Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo Mai Văn Trinh cho biết: Với ngành/nhóm ngành có thể xét tuyển từ nhiều tổ hợp khác nhau thì các trường phải xác định độ chênh lệch giữa các tổ hợp căn cứ vào chỉ tiêu của các ngành, đặc thù đào tạo đối với ngành/nhóm ngành đó. Tuy nhiên, mức chênh lệch này có thể bằng 0. Các trường đại học, cao đẳng phải thông báo cho thí sinh biết để có thêm căn cứ đăng ký xét tuyển. Việc xét tuyển phải tuân thủ mức chênh lệch giữa các tổ hợp đã được trường công bố.

Công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng phải tuân thủ quy chế tuyển sinh năm 2015, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và có giám sát. Công tác tuyển sinh theo nguyên tắc lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu của trường. Với nguyên tắc này các trường sẽ xác định điểm trúng tuyển không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng tuyển sinh. Điểm trúng tuyển được công bố công khai để thí sinh, phụ huynh và xã hội được biết. Tùy thuộc vào đặc thù của ngành đào tạo, các trường có thể đưa thêm các tiêu chí bổ sung (nếu cần thiết). Các tiêu chí này cũng được các trường công khai trước khi thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển. 

Về mặt nguyên tắc, thí sinh có thể được thay đổi nguyện vọng nhiều lần trong khung thời gian quy định. Tuy nhiên, nên tham khảo thông tin và cân nhắc để quyết định việc đăng ký nguyện vọng của mình hướng tới kết quả tốt nhất. Việc thay đổi nguyện vọng thí sinh có thể biết được trong công bố thông tin về đăng ký xét tuyển của trường. Cụ thể, ở trường cũ thí sinh không có tên trong danh sách đăng ký xét tuyển nữa, còn ở trường mới em sẽ có tên trong danh sách xét tuyển. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có giải pháp quản lý và kỹ thuật để đảm bảo việc thay đổi nguyện vọng của thí sinh thuận lợi, đảm bảo thời gian quy định. 

Đối với những vùng sâu, xa, vùng khó khăn, các chế độ ưu tiên cũng là một phần động viên các thí sinh ở vùng khó. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo dùng các hình thức khác nhau để cung cấp thông tin về tuyển sinh cho các em. Chẳng hạn, yêu cầu các trường trung học phổ thông mở hệ thống phòng máy tính kết nối mạng để các cháu có thể sử dụng tra cứu, nhằm nắm bắt thông tin. Nhiều trường đã in ra giấy các thông tin tuyển sinh của các trường và chuyển đến cho các thí sinh. Tất cả những việc làm này là sự cố gắng của các nhà trường, thầy cô giáo nhằm chia sẻ những khó khăn đối với những thí sinh vùng khó. 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định việc ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông (ICT) trong giáo dục và đào tạo là xu hướng tất yếu và thực tế ngày càng được đẩy mạnh trong thực tiễn giáo dục và đào tạo của Việt Nam. ICT cũng đã ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các kì thi kiểm tra, đặc biệt là trong kì thi trung học phổ thông quốc gia. Tuy nhiên, để áp dụng ICT thành công với hiệu quả cao ngoài yếu tố con người thì kết cấu hạ tầng ICT rất quan trọng, có lúc đóng vai trò quyết định. Thực tế hiện nay, kết cấu hạ tầng ICT của các trường đại học, cao đẳng Việt Nam không đồng đều, chưa đáp ứng được nhu cầu của tất cả các thí sinh, phụ huynh trong cả nước. Đặc biệt, nếu các tác vụ này diễn ra trong cùng một thời điểm. Hơn nữa, do điều kiện kinh tế xã hội ở các vùng miền khác nhau nên điều kiện tiếp cận với ICT còn hạn chế nên chưa thể triển khai đồng loạt trên toàn hệ thống. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường đại học, cao đẳng có đủ điều kiện thì triển khai hình thức đăng ký trực tuyến qua mạng. Hiện nay có nhiều trường sử dụng hình thức này. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế nước nhà, việc ứng dụng ICT trong tuyển sinh sẽ ngày một sâu rộng hơn hướng tới có thể tin học hóa hầu hết các khâu trong quá trình tuyển sinh.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không còn tình trạng điểm cao vẫn trượt đại học, điểm thấp lại đỗ