“Khoảng tối” đấu thầu Dự án Khu đô thị Nam Phúc Yên

Binh Nhất| 09/04/2021 10:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khu đô thị Nam Phúc Yên không chỉ được biết đến là một dự án tai tiếng, nội bộ lục đục, mà trong quá trình đấu thầu chủ đầu tư còn có những “khoảng tối”, khi Công ty Cổ phần Tây Đức có dấu hiệu “phông bạt” hồ sơ để tham dự và trúng thầu.

Nội bộ lục đục

Nói tới Dự án Khu đô thị Nam Phúc Yên (sau đây gọi là dự án) ở phường Nam Viêm, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc chẳng mấy người dân ở khu vực này là không biết đến. Bởi đây không chỉ là một dự án tai tiếng được rất nhiều cơ quan báo chí quan tâm, phản ánh mà nội bộ chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tây Đức (sau đây gọi là công ty) còn lục đục, tố cáo lẫn nhau.

Theo hồ sơ, dự án có quy mô 17,59 ha, tổng mức đầu tư dự án tạm tính là 346,82 tỷ đồng, được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt chấp thuận đầu tư ngày 21/4/2015, tại Quyết định số 2195/UBND-CN1.

Tháng 1/2019, ông Trịnh Văn Đức, cổ đông sáng lập nắm giữ 20% cổ phần công ty có đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng bà Trịnh Thị Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty nhận chuyển nhượng cổ phần trái pháp luật từ các cổ đông của công ty. Sau khi nhận chuyển nhượng, bà Trịnh Thị Hà không tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông để bầu Hội đồng quản trị mà tự ý lập các giấy tờ để sửa đổi Giấy chứng nhận kinh doanh, trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị và là đại diện pháp luật của công ty.

20210408_125100.jpg
Một góc Dự án Khu đô thị Nam Phúc Yên.

Ngoài ra, ông Trịnh Văn Đức còn cho rằng việc triển khai dự án đã xâm phạm trực tiếp, nghiêm trọng đến quyền lợi Doanh nghiệp tư nhân Trịnh Đức và Công ty TNHH MTV Đức Việt do ông Đức làm chủ sở hữu.

Cụ thể, ông Trịnh Văn Đức có 4,4ha nằm trong quy hoạch dự án được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao trước đó và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại các cuộc họp cổ đông, ông Trịnh Văn Đức đồng ý đưa phần diện tích đó vào quy hoạch dự án với điều kiện được độc lập hạch toán, kinh doanh và tất cả các cổ đông đều đồng ý. Tuy nhiên, khi bà Trịnh Thị Hà mua được 75% cổ phần công ty thì lại “bẻ kèo”, không có ý định bàn bạc để giải quyết quyền lợi cho ông Trịnh Văn Đức.

Trong đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Trịnh Văn Đức còn phản ánh việc công ty chào bán bất động sản tại dự án khi chưa đủ điều kiện. Cũng trong khoảng thời gian này, rất nhiều cơ quan báo chí cũng đã phản ánh về việc một số sàn bất động sản rầm rộ rao bán đất nền tại dự án.

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, bà Trịnh Thị Hà cho rằng không có tranh chấp gì với ông Trịnh Văn Đức. “Một số luật sư của ông Đức cũng đã tới làm việc, sau khi nghe tôi giải thích đã đứng dậy…ra về”, bà Hà cho biết.

Về việc một số sàn bất động sản rầm rộ chào bán đất tại Dự án, bà Hà khẳng định chủ đầu tư chưa chuyển nhượng mua bán mà chỉ cho sàn bất động sản lấy thông tin đặt chỗ, việc cho phép lấy thông tin này không có giấy tờ gì. Hiện công ty đã hoàn thành hạ tầng dự án, theo quy định được huy động vốn nhưng công ty chưa làm?

“Phông bạt” hồ sơ để dự thầu

Theo hồ sơ, cuối năm 2012, Công ty Cổ phần Tây Đức nộp hồ sơ tham gia lựa chọn chủ đầu tư Dự án Khu đô thị tại khu vực nút giao thông đường cao tốc (Hà Nội – Lào Cai) với đường Nguyễn Tất Thành, thị xã Phúc Yên – khu vực 1 (Dự án Khu đô thị Nam Phúc Yên).

Một trong 9 tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu là khả năng tài chính, huy động vốn: “Yêu cầu nhà đầu tư phải có vốn đầu tư thuộc sở hữu của chủ đầu tư là vốn thực có của chủ đầu tư tính đến năm gần nhất, được xác định thông qua báo cáo tài chính của doanh nghiệp năm 2011 hoặc năm 2012, kèm theo quyết toán thuế hoặc báo cáo kiểm toán lớn hơn hoặc bằng 15% tổng mức đầu tư của dự án”. Như đã nói ở trên, dự án có quy mô 17,59 ha, tổng mức đầu tư dự án tạm tính là 346,82 tỷ đồng. Như vậy, vốn thực chủ đầu tư phải có tối thiểu là 52 tỷ đồng.

Được biết, Công ty Cổ phần Tây Đức thành lập ngày 4/2/2010, trụ sở theo Giấy đăng ký kinh doanh tại đường Trần Phú, xã Nam Viêm, thị xã Phúc Yên (nay là phường Nam Viêm, TP Phúc Yên), tỉnh Vĩnh Phúc. Trên giấy đăng ký kinh doanh thể hiện, công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, gồm 9 cổ đông, nhưng trong các tài liệu nội bộ của công ty thể hiện chỉ có 3 cổ đông.

Ngày 3/9/2011, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc có Thông báo số 2780/TB-CT-KTT1 gửi Công ty Cổ phần Tây Đức, đề nghị đến làm việc để giải trình và bổ sung một số thông tin, trong đó có nội dung liên quan tới vốn chủ sở hữu 100 tỷ đồng của công ty. Để chứng minh năng lực tài chính, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Công ty Cổ phần Tây Đức gửi toàn bộ số tiền mặt tồn tại quỹ là 99,7 tỷ đồng của đơn vị vào tài khoản của công ty mở tại ngân hàng. Trong 5 ngày, nếu công ty không nộp, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị đơn vị điều chỉnh lại nguồn vốn sát với tình hình tài chính thực tế của đơn vị.

Sau đó, Công ty Cổ phần Tây Đức không nộp số tiền trên vào tài khoản của công ty mà có công văn gửi Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc, cam kết đã thực hiện góp vốn đầu tư đầy đủ theo giấy phép kinh doanh bằng tiền mặt!? Song các tài liệu phóng viên Báo Công lý có được lại thể hiện, công ty không hề góp 100 tỷ đồng tiền mặt như đã cam kết, tiềm lực tài chính khá “ọp ẹp”. Thế nhưng, bằng cách “phông bạt” hồ sơ năng lực, Công ty Cổ phần Tây Đức đã dễ dàng qua mặt bên mời thầu là Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc để làm chủ đầu tư dự án.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Khoảng tối” đấu thầu Dự án Khu đô thị Nam Phúc Yên