Tin địa phương

Khoai lang rớt giá, người dân lao đao vì thua lỗ

Trần Sỹ 05/04/2024 - 18:27

Ngày 5/4, Phóng viên Báo Công lý đã có mặt tại huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai để ghi nhận về tình hình thu hoạch khoai lang Nhật. Theo đó, năm nay diện tích trồng khoai ở địa phương này tăng đột biến, nên bị ế ẩm, dẫn đến giá cả bị sụt giảm nghiêm trọng. Điều này bắt buộc huyện phải đề xuất UBND tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp tiêu thụ khoai cho bà con.

Người trồng khoai lang lỗ nặng

Xã Chư A Thai, nơi có diện tích trồng khoai lang lớn của huyện Phú Thiện, do giá giảm sâu nên không khí thu hoạch bị chùn xuống. Anh Đỗ Văn Nguyên (Thôn Drok, xã Chư A Thai), buồn bã nói:

“Gia đình trồng hơn 4ha khoai lang. Với giá trị đầu tư 1ha khoảng 80-90 triệu đồng. Mấy năm trước, khoai lang được giá (từ 12-14 nghìn/kg) nên người dân thắng lớn. Năm nay, người dân trồng nhiều nhưng tiêu thụ không hết nên khoai xuống giá chỉ từ 3,5-4 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, tôi phải bù lỗ từ 40-50 triệu/ha. Nếu giá khoai khoảng 5 nghìn đồng/kg thì mới hòa vốn”.

anh-1.-khoai.jpg
Người dân xã Chư A Thai thấp thỏm trong mùa thu hoạch khoai lang vì giá thấp (ảnh: Trần Sỹ)

Ông Đỗ Văn Năm, Giám đốc HTX Nông sản an toàn Phú Thiện thông tin thêm, trước đây vào thời kỳ chưa thu hoạch thì HTX có liên kết với một số công ty để thu mua. Sau này, thị trường khoai nhiều và địa bàn xa nên công ty không về, chủ yếu là HTX thu mua cùng với nhân dân bán ra các chợ đầu mối.

“Lượng khoai năm nay bà con nông dân trồng cùng đợt với người dân các tỉnh Tây Nguyên với diện tích gấp 4-5 lần các năm trước. Chính vì vậy, thời kỳ thu hoạch khoai nhiều quá nên số lượng tiêu thụ chậm. Một số bà con hoang mang, sợ khoai lang không tiêu thụ được dẫn đến “cung vượt cầu”, giá rẻ hơn so với năm ngoái. Khoảng 60% bà con nông dân trồng bị lỗ, khoảng 30% hòa vốn, 10% còn lại có lãi”, ông Năm nhấn mạnh.

anh-4.-khoai.jpg
Ông Đỗ Văn Năm, Giám đốc HTX Nông sản an toàn Phú Thiện cho biết, với giá thấp như hiện tại thì khoảng 60% bà con thua lỗ (ảnh: Trần Sỹ)

Chủ tịch UBND xã Chư A Thai ông Siu Tinh, cho biết: "Diện tích trồng khoai lang trên địa bàn xã tăng đột biến. Năm 2023 trồng khoảng 200ha thì đến năm nay lên đến 450ha. Năng suất bình quân 20 tấn/ha. Có thời điểm giá hơn 10 nghìn đồng/kg, đến nay rớt xuống còn 3-4 nghìn đồng/kg.

Chủ tịch UBND xã cũng thông tin thêm, hiện nay người dân trồng khoai lang đang rất lao đao, khó khăn. Diện tích còn lại chưa thu hoạch chiếm gần 40%. Đầu năm, xã cũng đã có khuyến cáo về tình trạng người dân ồ ạt trồng khoai lang Nhật, vậy nhưng, vì lợi nhuận nên bà con đã phớt lờ.

Huyện "cầu cứu" tỉnh kêu gọi doanh nghiệp tiêu thụ

Trước thực trạng này, UBND huyện Phú Thiện đã có báo cáo về tình hình giá khoai lang sụt giảm mạnh lên UBND tỉnh Gia Lai để đề xuất UBND tỉnh này kêu gọi các doanh nghiệp tiêu thụ khoai giúp bà con.

anh-2.-khoai.jpg
Chính diện tích trồng khoai tăng đột biến, cùng thời điểm với các nơi khác trên địa bàn Tây Nguyên nên khoai mới "ế ẩm". (ảnh: Trần Sỹ)

Báo cáo thể hiện: Tổng diện tích cây khoai lang trên địa bàn huyện (vụ Đông Xuân 2023-2024) là 3.440ha; hầu hết người dân sử dụng giống khoai lang Nhật Bản và chủ yếu người dân trồng luân canh giữa hai vụ lúa (tập trung chủ yếu ở các xã như: Chư A Thai, Ia Sol, Ia Piar).

Ước tính năng suất bình quân đạt từ 20 tấn/ha; tổng sản lượng khoai lang vụ Đông Xuân 2023-2024 khoảng 68.800 tấn. Đến thời điểm hiện tại, diện tích khoai lang đã thu hoạch 2.064ha (khoảng 60%), diện tích còn lại đang thu hoạch dự kiến đến 30/4/2024 sẽ thu hoạch xong.

Giá thời điểm tháng 1 và tháng 2/2024 là 10 nghìn đồng/kg, vậy nhưng giá hiện nay rớt xuống thê thảm, chỉ còn 3,5 nghìn đồng/kg.

Lý giải cho hiện tượng rớt giá, theo UBND huyện Phú Thiện thì thương lái thu mua cầm chừng và có chiều hướng thu mua giảm số lượng, khó khăn trong việc tìm đầu ra cho khoai lang; trong khi đó diện tích còn lại đang đến kỳ thu hoạch rất lớn (khoảng 1.614 ha).

Ngoài ra, thời tiết không thuận lợi dẫn đến sản lượng thấp và tỷ lệ bị sùng hà nhiều, ảnh hưởng đến giá thu mua; thị trường tiêu thụ chưa ổn định, chưa có các doanh nghiệp chế biến đầu tư trên địa bàn huyện, tỉnh.

Đặc biệt, diện tích sản xuất khoai lang tăng trên địa bàn huyện Phú Thiện và các huyện, thị, thành trong tỉnh các tỉnh và vùng, miền. Trùng thời vụ xuống giống ở các tỉnh nên sản lượng thu hoạch tăng tập trung dẫn đến khó khăn trong vấn đề tiêu thụ...

anh-3.-khoai.jpg
Rất mong các doanh nghiệp quan tâm, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nhân dân trên địa bàn huyện. (ảnh: Trần Sỹ)

Chính vì những lý do trên, nên huyện Phú Thiện đã đề xuất UBND tỉnh Gia Lai, về trước mắt (trong thời gian từ ngày 3-30/4/2024), quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp tiêu thụ cho bà con. Về lâu dài, cần kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm khoai lang trên địa bàn tỉnh gắn với việc đưa các giống có chất lượng, sạch bệnh, cho năng suất cao để người dân an tâm sản xuất.

Trước đó, vào ngày 29/12/2023, Phòng NN&PTNT huyện Phú Thiện cũng đã có khuyến cáo đến người dân và các địa phương trong huyện về việc người dân trồng cây khoai lang tăng đột biến so với cùng kỳ. Vì vậy, khi bà con mở rộng sản xuất cần gắn với doanh nghiệp đầu tư, tiêu thụ sản phẩm. Tránh tình trạng bị ép giá, đầu ra không ổn định, ảnh hưởng đến thu nhập.

Chiều 5/4, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện thông tin: Trong 2 năm vừa qua giá khoai lang tăng rất cao nên người dân thu lợi lớn. Đến thời điểm này, giá khoai lang khoản 3-4 nghìn đồng/kg. Tính theo chi phí bỏ ra thì thu nhập của người dân không có lãi, nếu xuống thấp nữa thì khả năng lỗ rất cao. Ngay khi huyện có báo cáo gửi lên UBND tỉnh, đã có khoảng 4 - 5 doanh nghiệp đến đặt vấn đề thu mua cho người dân. Về giá cá thu mua theo nhận định sẽ cao hơn giá thị trường. Về lâu về dài, khuyến cáo bà con nông dân không nên mở rộng diện tích, trồng khoai theo đúng kế hoạch hàng năm mà huyện đã đề ra; tiếp tục đăng ký mã số vùng trồng để khoai lang có điều kiện được đưa ra thị trường với giá cao, đem lại thu nhập cho bà con nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoai lang rớt giá, người dân lao đao vì thua lỗ