Phóng sự - Ghi chép

Khi đã 'lấy binh làm nghiệp' - Bài 2: Vàng phải được thử bằng lửa

Hữu Tài - Tâm Phúc - Khánh Ngọc 15/03/2024 - 09:18

Trên con đường vinh quang, không có dấu chân của kẻ lười biếng. Khó khăn giúp mỗi người thêm bản lĩnh, tích lũy kinh nghiệm và học được những bài học quý báu. Đối với mỗi người lính, cần xây dựng bản lĩnh, động cơ học tập, xu hướng nghề nghiệp đúng đắn để không ngừng phát huy bản chất truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.

Từ khi còn là học sinh, Thượng úy Huỳnh Văn Dương, nhân viên tài chính Tiểu đoàn 308, Trung đoàn 3, Sư đoàn 330 thường xuyên theo dõi các hoạt động của bộ đội qua phim, ảnh. Ấn tượng bởi sự chững chạc, kỷ luật nghiêm nên tháng 02/2016, chàng thanh niên Huỳnh Văn Dương tình nguyện nhập ngũ để thực hiện ước mơ của mình. Sau 2 năm luyện rèn, thanh niên Huỳnh Văn Dương viết đơn xin tiếp tục phục vụ lâu dài trong quân đội và được cử đi học lớp nhân viên tài chính.

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất là thời điểm đại dịch Covid-19, tôi được phân công hỗ trợ Nhân dân TPHCM chống dịch. Đây là thách thức lớn với tôi, bởi “chống dịch như chống giặc”, là cuộc chiến sinh tử. Khi đến nơi, thấy người dân tử vong rất nhiều, tôi thấy sợ và ám ảnh bởi cái chết do dịch Covid-19. Trong lúc khó khăn, tôi lấy khẩu hiệu “Vì Nhân dân quên mình” để tạo động lực, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ và được Nhân dân tin yêu. Khi về đơn vị, tôi được thăng quân hàm trước niên hạn vì có thành tích phòng, chống dịch và đó là thành quả của sự nỗ lực, không buông bỏ trước những khó khăn”, Thượng úy Huỳnh Văn Dương chia sẻ.

Đơn vị đóng quân ở đảo Thổ Châu (TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), cách đất liền gần 200km, điều kiện đi lại khó khăn nhưng tình đồng chí, đồng đội và động lực từ gia đình đã giúp Trung úy Trần Ngọc Đường, Phó Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát, Trung đoàn 152 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 2021, Trung úy Trần Ngọc Đường tốt nghiệp Trường sĩ quan Lục quân 2 và được phân công về Trung đoàn 152 cho đến nay.

“Tôi chưa bao giờ hối hận khi theo con đường binh nghiệp, mà cảm thấy rất tự hào vì được góp một phần nhỏ công sức cho đất nước. Nếu ai hỏi tôi chọn lại nghề, tôi vẫn chọn con đường binh nghiệp để được làm người cán bộ ưu tú của Đảng, Nhà nước, quân đội mà tôi ấp ủ lâu nay. Động lực chính của tôi là gia đình và đồng chí, đồng đội. Ba mẹ luôn động viên tôi cố gắng trong công việc, dù tuổi đã cao, nhưng ba mẹ vẫn lo nghĩ muốn tôi thành công trong con đường binh nghiệp mà mình lựa chọn.

Bên cạnh đó là chỉ huy cấp trên, anh em, đồng đội luôn quan tâm, đồng cảm, giúp đỡ tôi trong công việc để bản thân hoàn thành nhiệm vụ. Tôi nhớ khi diễn tập năm thứ 3, một đồng chí trong tiểu đội trật chân, chúng tôi thay phiên vác ba lô, súng cho đồng đội để hoàn thành chặng hành quân. Khi đến nơi ai cũng mệt lả nhưng đều vui vẻ vì đã giúp được đồng đội qua lúc khó khăn. Và tôi hay lấy mẫu chuyện này kể cho bộ đội nghe, xem như là bài học để hướng dẫn, động viên anh em đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công tác”, Trung úy Trần Ngọc Đường tâm sự.

Đối với người quân nhân và cuộc sống quân ngũ, mỗi người đều có những niềm vui, tự hào, những góc khuất, nỗi niềm riêng. Vui vì được thực hiện ước mơ, niềm đam mê của một thời trai trẻ, được sống trong môi trường “kỷ luật thép” của quân đội với chiều dài lịch sử gần 80 năm, một quân đội anh hùng, được Nhân dân quý mến, tin tưởng, đùm bọc, che chở.

1(1).jpg
Trung úy Trần Ngọc Đường (áo trắng) trò chuyện với chiến sĩ của đơn vị

Từ những khó khăn đó mới rèn quân nhân tính kỷ luật, tỉ mỉ, làm việc khoa học. Trên 30 năm công tác trong quân đội đã rèn luyện Đại tá Huỳnh Văn Hơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 962 bản lĩnh vững vàng, tinh thần, ý chí và nghị lực để vượt qua những khó khăn, thử thách.

Đại tá Huỳnh Văn Hơn chia sẻ: “Đối với tôi, tôi may mắn được sinh ra và lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, quê hương của người anh hùng áo vải Trương Định. Hình ảnh người lính với bộ quân phục đối với tôi là điều rất thiêng liêng và tôi mong muốn được mặc những bộ quân phục ấy từ khi còn rất nhỏ.

Khi lớn lên tôi cảm nhận rõ hơn về những người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, tôi muốn được thử thách, được trải nghiệm, được khám phá, được rèn luyện trong môi trường quân sự, nơi có nền nếp “kỷ luật thép”. Trong cuộc sống tất nhiên cũng có tâm tư, suy nghĩ nhưng tôi tự đúc kết, lúc gặp khó khăn phải dám đối mặt với nó, không né tránh và tự đặt ra câu hỏi vì sao? Cách giải quyết như thế nào? Để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho mình. Cùng với đó, tôi trao đổi với đồng chí, đồng đội, học hỏi kinh nghiệm các đồng chí đi trước, lắng nghe lời động viên của bạn bè, người thân trong gia đình để có thêm động lực và tự tin hơn trong công việc”.

Trong giai đoạn xây dựng đất nước, vai trò chiến đấu không còn thường trực thì huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn trở thành nhiệm vụ trung tâm của người lính. Thời gian gần đây, hình ảnh người lính càng sáng ngời khi giúp Nhân dân qua các đợt bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, cứu nạn trên biển, đất liền, phòng, chống dịch... Trên tất cả các mặt trận, các anh luôn sát cánh cùng Nhân dân.

Trong mọi thử thách, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” luôn được phát huy ở mức cao nhất, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chỗ dựa vững chắc cho Nhân dân. Chính vì vậy, trước những khó khăn mỗi quân nhân phải trang bị cho mình tâm lý vững vàng, một tinh thần thép, không ngừng phấn đấu, rèn luyện trong mọi hoàn cảnh. Bởi “súng không lau súng mau han gỉ, người không rèn ý chí không cao”, có như vậy bản thân mới thực sự vững vàng, bản lĩnh vượt qua khó khăn, xứng đáng là người quân nhân cách mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi đã 'lấy binh làm nghiệp' - Bài 2: Vàng phải được thử bằng lửa