Hàng trăm hộ dân sống lênh đênh trên các con sông của Thanh Hóa sẽ được hỗ trợ lên bờ ổn định đời sống. Đây được xem là chủ trương lớn, hợp lòng dân chấm dứt cuộc sống nổi trôi, chờ vào nguồn lợi thủy sản phập phù. Dù lộ trình còn dài và nhiều khó khăn nhưng những người dân chài đã tràn đầy niềm vui.
Nằm nép mình dưới bến sông Chu, xóm thuyền chài thị trấn Thọ Xuân (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) thở phào nhẹ nhõm khi bão số 2 đã tan. Ông Nguyễn Văn Thanh (SN 1964, trú tại thị trấn Thọ Xuân) đã gắn bó với cuộc sống sông nước từ bé. Gia đình ông sinh được 2 cậu con trai và cũng đang lay lắt sống qua ngày từ nguồn lợi tự nhiên. Mấy gia đình tụ lại với nhau trên 3 chiếc thuyền.
“Cuộc sống bấp bênh lắm chú ạ. Hai vợ chồng phải dậy từ tờ mờ sáng đi thu lưới bát quái thả trên sông. Thả 50 chiếc mà có khi mấy ngày vẫn phải về tay không. Tôm, cá ngày một hiếm. Nguồn nước thì bị ô nhiễm và từ ngày có thủy điện thì cá lớn không còn. Hôm nào may mắn kiếm được mớ cá bán lấy mấy chục nghìn mua mớ rau, lạng thịt sống qua bữa. Gắn với sông nước nên mấy đứa con tôi không được học hành gì nhiều, giờ chúng lại quẩn quanh trên vệt sông này biết khi nào thoát ra được cảnh cơ hàn. Đời mình coi như đã an bài, mong sao các con, các cháu có thể lật sang trang mới, ổn định hơn”.
Thuyền của ông Thanh được kết nối với thuyền gia đình con trai bằng chiếc ván nhỏ. Chị Nguyễn Thị Hiền cũng lớn lên trên mạn thuyền. Lấy chồng sống lay lắt trên sông, cô gái hơn 20 tuổi mà mặt đã dày đặc nếp nhăn. Vừa phải trông cậu con lớn chạy nhảy, nghịch ngợm, vừa phải bế con nhỏ. Chỉ cần sơ sẩy một chút là ngã xuống dòng nước xiết.
“Nhà 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào chồng đi đánh lưới trên sông và nuôi mấy con cá trắm lồng. Mấy năm nay, cá lồng nuôi chậm lớn hoặc chết giữa chừng không rõ lý do khiến chúng tôi nản lắm. Cũng may nhà nước tạo điều kiện cho đứa con trai lớn được đi học, biết cái chữ. Mai mốt còn có thể đi học lấy cái nghề, thoát cảnh lênh đênh như bố mẹ nó cho đỡ khổ. Mấy hôm nay, thấy chính quyền địa phương thông báo sẽ thống kê đưa các hộ dân chài lên bờ, được hỗ trợ đất, làm nhà khiến ai cũng mừng", chị Hiền nói.
Hôm nay có khách nên cậu con trai lớn của chị Hiền là Nguyễn Tuấn Anh được lên bờ chơi với anh nhà. Dù đã học lớp 2 nhưng Tuấn Anh vẫn đọc chưa thạo. Hai anh em chơi đùa dưới tán tre dọc bờ sông. Chúng tôi tặng cho 2 cuốn sách, các cậu vui mừng cảm ơn. “Bọn cháu thích nhất là đi học vì ở đó có các bạn, có thầy cô và nhiều trò chơi. Chơi trên bờ thích nhất, không lo bị ngã xuống sông. Cháu sẽ cố gắng học tập để hôm sau đi làm kiếm tiền chứ không ở trên thuyền đâu.”
Cũng mưu sinh trên sông Chu, xóm Thủy Cơ, xã Xuân Tín (Thọ Xuân) tụ nhau lại tới vài chục hộ. Đa phần đều là hộ nghèo, đông con cái, học hành nửa chừng thì bỏ. Xã Xuân Tín đã tiến hành rà soát, thống kê và bố trí quỹ đất, giải phóng mặt bằng; đấu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan, hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật để sớm cấp đất cho 23 hộ đang sinh sống trên sông được lên bờ.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: Thực hiện thông báo của Văn phòng Tỉnh ủy về việc kết luận của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng tại hội nghị triển khai công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông tại các địa phương trong tỉnh, UBND huyện Thọ Xuân đã tập trung chỉ đạo rà soát, qua đó thống kê được 81 hộ đang sinh sống trên sông có nhu cầu và đề nghị cấp đất tại 6 xã, thị trấn.
Ban Thường vụ Huyện ủy Thọ Xuân ban hành kế hoạch cấp đất ở và hỗ trợ đồng bào nghèo sinh sống trên sông xây dựng nhà ở, ổn định đời sống trên địa bàn huyện. Mục tiêu phấn đấu trong 2 năm (2022 - 2023), hoàn thành việc giao đất ở và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo sinh sống trên sông có đủ điều kiện để lên bờ định cư, ổn định cuộc sống.
Trong đó, quý III/2022 hoàn thành việc cấp đất ở và hỗ trợ làm nhà ở cho 33 hộ tại các xã Xuân Tín, Phú Xuân, thị trấn Thọ Xuân; quý IV/2022 hoàn thành việc cấp đất ở và hỗ trợ làm nhà ở cho 20 hộ tại xã Xuân Hồng, xã Phú Xuân, thị trấn Thọ Xuân; quý II/2023 hoàn thành việc cấp đất ở và hỗ trợ làm nhà cho 28 hộ tại xã Xuân Lai, Xuân Thiên.
“Sau khi bố trí được đất tái định cư cho các hộ, việc hỗ trợ làm nhà từ nguồn của tỉnh, chính quyền địa phương, xã hội hóa và nguồn tự có của các hộ dân. Bà con trong xóm thì hỗ trợ công, mỗi ngày giúp một tay. Về lâu dài, chúng tôi đã thống kê, phân loại cụ thể số lượng người trong từng độ tuổi. Số lượng người trên 40 đa phần là chị em thì có thể đi bán cá, hoa quả tại các điểm chợ. Lao động trẻ thì đi làm công nhân trên địa bàn. Hiện Thọ Xuân đang có nhiều nhà máy may, da giày, sản xuất thủ công, đồ gia dụng… Chính quyền địa phương sẽ đấu mối, đào tạo nghề cho người dân có nhu cầu. Đối với các cháu trong độ tuổi đi học sẽ được miễn, giảm tiền học phí, các khoản khác. Phải làm sao các hộ dân sớm ổn định đời sống, có công ăn việc làm phù hợp", ông Hải cho biết.
Được biết, trong giai đoạn 2003 - 2020, huyện Thọ Xuân đã cấp đất làm nhà cho 131 hộ dân sinh sống trên sông, với tổng diện tích 18.317 m2. Đến nay, nhìn chung các hộ đều có cuộc sống ổn định và tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.