Lênh đênh phận đời sông nước

20/12/2013 15:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xóm chài Thủy Phú, thuộc xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế nằm ở hạ nguồn sông Bồ, hiện có 20 hộ gia đình với khoảng hơn 110 nhân khẩu đang hằng ngày vẫn phải vật lộn với cái đói, cái rét.

Ước mơ bao đời nay của họ chỉ đơn giản là được lên bờ, nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

 

Tận cùng cơn bĩ cực

 

Cũng như các phóng viên khác, mỗi khi lũ dâng là chúng tôi lại vội vàng xách ba lô lên để đi xem tình hình lũ lụt ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng lũ thế nào. Đang dừng lại để đợi chuyến đò đưa sang vùng rốn lũ ở huyện Quảng Điền thì bất ngờ một tiếng gọi từ dưới thuyền vang lại: “Các anh muốn đi đâu, tôi đưa các anh đi”. Chúng tôi trèo lên thuyền của anh xâm nhập vào vùng rốn lũ. Trên thuyền, qua trò chuyện, chúng tôi mới biết anh là một người dân vạn đò của xóm chài Thủy Phú, tên là Nguyễn Tiếp. Nghe anh kể đôi điều về khu xóm chài của mình, thấy có nhiều điều hay nên chúng tôi đã quyết định nhờ anh chở thẳng về thăm xóm chài của anh.

 

Lênh đênh phận đời sông nước

Căn nhà chưa đầy 4m2 là nơi ăn ở sinh hoạt của 6 người trong gia đình chị Ty

 

Trở về thăm xóm chài vào đúng những ngày mưa lũ, chúng tôi mới thấu hiểu được nỗi khổ nhọc của những người dân nơi đây. Cơn mưa chiều nặng hạt như càng tô thêm cái ảm đạm của cảnh vật cũng như khắc đậm thêm những nét vẽ để cho người chứng kiến thấy rõ hơn cuộc đời tối tăm của những con người lao động khốn khổ nơi đây.

 

Trên đầu mưa dội xối xả, dưới chân thì nước lũ đang chực chờ để ăn tươi nuốt sống những thân hình bé nhỏ này, nhưng để bảo vệ họ trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên chỉ là mấy tấm bạt rách che trên chiếc đò, cũng là nhà của mình. Anh Tiếp chỉ tay vào một cái láng rách và bảo đó là nhà của anh Hùng. Tôi sửng sốt không tin vào mắt mình. Chỉ khi nhìn vào bên trong, thấy hai ba con người đang nhúc nhích, tôi mới tin được đây là “nhà”. Cái nhà, nói đúng hơn là tấm bạt rách úp lên chiếc thuyền, nhìn vào bên trong cũng chẳng có thứ gì đáng giá, một cái giường ọp ẹp, mấy cái xoong nồi đen nhọ với mấy cái chén bát lặt vặt, vậy mà những con người nơi đây vẫn sống từ năm này qua tháng khác. Những chiếc chòi kê trên những chiếc bè với khoảng chưa đầy 4m2 mà 5-6 con người ăn ở sinh hoạt trên đó quả là không thể tin nổi.

 

Lênh đênh phận đời sông nước

Chị Đặng Thị Ty đang thổi cơm chiều

 

Nhìn cái chòi rách nát, tôi hỏi chị Đặng Thị Ty, một người dân vạn đò ở đây: “Nhà cửa thế này thì mưa lũ làm sao chịu được?” Chị Ty cười bảo: “Mưa to, lũ lớn thì chúng tôi phải đưa con cái lên bờ gửi nhà người quen hoặc gửi vào những nhà cao ráo, còn người lớn chúng tôi phải ở lại trên thuyền để giữ thuyền. Bác Trưởng thôn ở đây cũng tội lắm, hễ mưa to gió lớn là bác lại bắt chúng tôi phải lên bờ rồi cho ở nhờ tránh mưa bão, mấy đứa nhỏ nhà tôi mới đi tránh lũ trở về đó”.

 

Chiều, bữa cơm tối được thổi lên bởi bếp lửa củi làm bằng chiếc thau nhôm trước mũi thuyền. Bữa ăn cũng chỉ đơn giản vài cọng rau, vài con cá mà gia đình bắt được dưới sông. Chị Ty bảo: “Đánh được con cá nào to thì đem bán để lấy tiền trang trải cuộc sống, còn cá nhỏ thì để gia đình ăn, mà giờ cũng khó khăn lắm chú ạ, mấy năm trước cá nhiều chứ nay cũng cạn kiệt hết rồi”.

 

Những cuộc đời trôi theo dòng sông

 

Ông Cao Thắng, Trưởng thôn Thủy Phú, xã Hương Vinh cho biết: Xóm chài Thủy Phú gồm có 20 hộ gia đình với khoảng 110 nhân khẩu nhưng số người học lên cấp 2 chưa đầy 2%, toàn bộ chỉ học ngang lớp 2, lớp 3 là nghỉ học, người giỏi lắm thì cũng chỉ lên tới lớp 5 là cùng, hơn 100 người nhưng mù chữ đến 30% - 40%. Chính vì vậy, người dân ở đây vẫn không thể nào khá lên được, cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng mãi không thôi. Các em ở đây thất học không phải vì các em không chịu học hành mà chỉ vì gia đình quá khó khăn. Cuộc sống lênh đênh trên sông nước rày đây mai đó nên việc học cứ bị gián đoạn. Vì cuộc sống chủ yếu bằng đánh bắt cá trên sông nên hằng ngày, các hộ gia đình nơi đây phải di chuyển cả mấy cây số lênh đênh trên sông nước, có khi nơi này không có cá thì họ phải di chuyển đến nơi khác để mong đánh bắt được nhiều hơn. Và, mỗi lần như vậy, họ lại đem cả con cái đi theo. 

 

Lênh đênh phận đời sông nước

Gia đình bà Lê Lùm đã 5 đời sống trên thuyền

 

Cũng bởi vì ít học nên các hộ dân nơi đây còn nhiều hạn chế về nhận thức, gia đình nào cũng sinh đến sáu, bảy người con. Ví như chị Đặng Thị Ty, năm nay 43 tuổi nhưng chị có đến 6 người con, tất cả đều chỉ học đến không quá lớp 3 là phải nghỉ học, nay đứa nhỏ nhất đang học lớp 1 và không biết, sự học đó của em có thể kéo dài bao lâu. Anh Hùng, chồng chị Ty cho biết: “Hai vợ chồng em làm mỗi ngày chỉ được 50.000-70.000 đồng mà nuôi đến 7 - 8 miệng ăn nên cũng rất khó khăn. Chúng em cũng muốn cho các cháu đến trường như các bạn cùng trang lứa lắm nhưng tại hoàn cảnh gia đình không cho phép, chúng em có cái thuyền lớn nhưng cách đây mấy năm, nó mục nát nên bán mất rồi, không có tiền sắm lại nên chỉ mua được chiếc ghe nhỏ để làm nghề, còn dựng cái chòi nổi này để ở tạm qua ngày vậy thôi”.

 

Các hộ gia đình này nằm sát bên tuyến tỉnh lộ 4B, một trục đường khá sôi động của tỉnh Thừa Thiên Huế và chỉ cách trung tâm TP Huế chưa đầy 10km, thế nhưng cái nghèo vẫn ám ảnh họ. 

 

Chia tay xóm chài, chúng tôi vẫn không thể nào quên được hình ảnh của những đứa trẻ nghèo ngây thơ cười đùa mà chúng lại không hề hay biết, một tương lai mù mịt đang chờ đón ở phía trước. Chúng tôi cũng không hề quên lời gửi gắm của bà Lê Lùm, một người đã sống lênh đênh trên sông nước hơn 70 năm: “Các chú giúp chúng tôi được lên bờ với chứ gia đình tui 4 - 5 đời nay sống mãi trên thuyền như thế này rồi, khổ quá!”.

 

Theo dự án của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thì năm 2014 sẽ di dời 20 hộ dân này lên bờ. Hy vọng họ thực hiện đúng lời hứa để cho những con người khốn khổ nơi đây thỏa được ước nguyện của mình.

 

Lê Nguyện

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lênh đênh phận đời sông nước