Sáng 9/8, tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức Chương trình khánh thành và bàn giao Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Chương trình là một trong những hoạt động chào mừng 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2024) và Quốc khánh 2/9.
Cách đây 75 năm (ngày 4/4/1949), giữa núi rừng ATK Việt Bắc, Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã ra đời. Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Quốc Minh bày tỏ: “Đây là công trình văn hóa, lịch sử quan trọng nhằm tôn vinh di sản báo chí to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà báo cách mạng tiền bối đã để lại cho các thế hệ nhà báo hôm nay và mai sau. Tên trường do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn đặt. Người đặc biệt quan tâm và hai lần dành thời gian viết thư động viên tinh thầy dạy và học của thầy và trò nhà trường lúc đó.
Với mong muốn tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị, tầm vóc lịch sử của Di tích nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Trường và hướng đến 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo lập dự án tu bổ, tôn tạo Di tích địa điểm thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng”.
Ngày 28/3/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1182/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại.
Ngày 4/4/2019, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ khánh thành Bia Di tích. Ngày 18/01/2024, thiết thực chào mừng 75 năm Ngày thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan liên quan khởi công Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Di tích quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng bao gồm các phần: Nhà trưng bày - Bảo tàng thu nhỏ về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, dưới hình thức căn nhà cấp 4 rộng 80m2 xây trên đồi cao, phỏng dựng theo tài liệu ghi chép và một số hình ảnh tư liệu để lại, xưa là nhà tre nứa, nay là nhà khung gỗ, mái lá nhân tạo chống cháy. Nhà sàn - bảo tàng thu nhỏ trưng bày về báo chí Chiến khu Việt Bắc giai đoạn 1946-1954, rộng 80m2, phỏng dựng từ ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, nơi chỉ đạo trực tiếp các hoạt động báo chí kháng chiến và cũng là nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam năm 1950. Phù điêu với 48 chân dung các thành viên Ban giám hiệu, giảng viên và học viên của trường. Hội trường trong lòng đồi phục vụ hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác, có sức chứa hơn 150 người. Quảng trường mini phục vụ tổ chức sự kiện, rộng 200m2...
Di tích sau khi tu bổ, tôn tạo dự kiến sẽ được khai thác, tổ chức đón tiếp các đoàn khách tham quan, các nhà báo về nguồn, các sinh viên và học sinh học tập và trải nghiệm về lịch sử báo chí; đồng thời là nơi tổ chức các hội nghị, hội thảo về báo chí, tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn, nơi phát thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, lễ trao các giải báo chí khu vực và địa phương…
Đặc biệt, Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn khi đi vào hoạt động, các trưng bày về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và báo chí chiến khu Việt Bắc tại đây không chỉ góp phần lưu giữ và giới thiệu những tư liệu, hiện vật báo chí giá trị giai đoạn 1946-1954 mà còn khẳng định được những thành quả to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong các cuộc đấu tranh vệ quốc và trong hành trình kiến thiết đất nước.
Nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định: "Đây là công trình văn hóa, lịch sử quan trọng nhằm tôn vinh di sản báo chí to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà báo cách mạng tiền bối đã để lại cho các thế hệ nhà báo hôm nay và mai sau".
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp tu bổ, tôn tạo Di tích. Đồng thời đề nghị các cơ quan sau khi nhận bàn giao Di tích sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Hội Nhà báo Việt Nam triển khai những hoạt động hữu ích, khai thác, sử dụng hiệu quả để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị bền vững của một di tích quan trọng; là nơi kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai của báo chí cách mạng Việt Nam; đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, du lịch về nguồn của nhân dân...
Tại buổi Lễ, UBND tỉnh Thái Nguyên trao Bằng khen tặng 2 tập thể; Hội Nhà báo Việt Nam trao Bằng khen tặng 9 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp xây dựng Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Báo Nhà báo và Công luận tặng quà 20 học sinh địa phương.
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - cơ sở đào tạo đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam
Ngày 04/04/1949 tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên, cách mạng mở lớp dạy làm nghề báo và được Bác Hồ đặt tên là Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng để nhớ ơn và noi gương cụ lão thành ái quốc Huỳnh Thúc Kháng; và đồng thời cũng là một nhà viết báo lâu năm, có danh tiếng, nêu một tấm gương cho các học viên một đức tính học hỏi cần mẫn, một óc tổ chức tiến bộ, một chí khảng khái, bất khuất, là những đức tính căn bản cho một ký giả.
75 năm đã qua, song ký ức về lớp báo chí cách mạng đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng mãi luôn nhắc nhớ chúng ta về một ngôi trường dạy làm báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam, nơi góp phần tạo nền móng cho sự phát triển vững mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày hôm nay.
Lớp học với 42 học viên, đến từ các báo trung ương, quân đội, các ngành, đoàn thể liên khu, ngành thông tin với trình độ văn hóa không đều nhau và tuổi đời thì còn rất trẻ. L