Tạp chí kiến trúc Architectural Digest của Mỹ vừa điểm tên Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh ở vị trí thứ 2 trong danh sách 11 bưu điện đẹp nhất thế giới.
Với hình ảnh một tòa nhà màu vàng cùng các khung cửa màu xanh nổi bật, Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh là một trong những tòa nhà có kiến trúc đẹp nhất giữa lòng thành phố sầm uất.
Không đơn thuần là địa điểm cung cấp các dịch vụ bưu chính, nơi đây còn đặc biệt thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu và chụp ảnh check-in.
Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh đã có tuổi đời hơn 1 thế kỷ, được thiết kế tỉ mỉ cùng những chi tiết tinh xảo mang dấu ấn phương Tây kết hợp với các nét trang trí phương Đông.
Tòa nhà mang phong cách kiến trúc phương Tây kết hợp với nét trang trí phương Đông này được người Pháp xây dựng trong khoảng những năm 1886-1891.
Bưu điện Trung tâm Sài gòn tọa lạc ở số 2 đường Công xã Paris, trên vùng đất cao nhất của thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với Nhà thờ Đức Bà ở phía đối diện, Bưu điện Trung tâm Sài Gòn là một trong những ví dụ đẹp nhất về kiến trúc Phục hưng ở Việt Nam.
Có nhiều thông tin về kiến trúc sư thiết kế nên công trình Bưu điện Trung tâm Sài Gòn. Báo chí Việt Nam thường viết: Thiết kế bưu điện này do kiến trúc sư người Pháp Gustave Eiffel, người nổi tiếng với việc thiết kế Tháp Eiffel, Tượng Nữ Thần Tự Do...
Có những nguồn khác ghi chép: Bưu điện trung tâm Sài Gòn được thiết kế theo bản vẽ của kiến trúc sư Villedieu và phụ tá Foulhoux. Nếu xem lại các giai đoạn xây dựng của Bưu điện trung tâm Sài Gòn thì có thể thấy:
Công trình ban đầu xây dựng và khánh thành là do kiến trúc sư Gustave Eiffel chủ trì, sau 23 năm thì kiến trúc sư Villedieu và phụ tá Foulhuox thiết kế xây dựng mới lại.
Những đặc trưng tuyệt mỹ của tòa nhà ba tầng nửa chìm nửa nổi, nhìn từ phía bên ngoài, là hàng cửa sổ uốn cong, chiếc đồng hồ lớn phía trên cửa chính vào tòa nhà và lá cờ đỏ sao vàng, quốc kỳ Việt Nam, tung bay trong gió.
Nếu hệ thống cửa sổ của khối nhà hai bên đều có hình vòm cung hoặc hơi vòm, thì riêng tại khối nhà giữa, các cửa sổ lại có hình chữ nhật. Những đường viền, đường chỉ hay hoa văn chạy ngang như muốn kéo thấp tòa nhà Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, tạo thành những đường trang trí khỏe khoắn và đăng đối, gợi nhớ đến những nhà ga xe lửa ở châu Âu.
Hệ thống cột, trụ của phần mặt tiền (gồm 20 trụ, cột) đều có kết cấu hình khối vuông vắn, trên đầu trụ có gắn những mảng phù điêu với hoa văn đắp nổi rất công phu. Riêng ở phần trụ khoảng giữa tầng hai và tầng trệt của tòa nhà Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, các mảng phù điêu lại ôm trọn phiến đá hình chữ nhật, trên mỗi phiến đá ghi tên một nhà khoa học đã có những đóng góp to lớn cho nền văn minh nhân loại trong lĩnh vực điện và điện tín.
Bên trong tòa nhà Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, trần nhà hình vòm cung tương ứng với cửa ra vào được nâng đỡ bởi hai hàng trụ và hệ thống vĩ kèo bằng sắt, nổi bật với thiết kế công phu có các đấu nối là những hoa văn đẹp.
Qua khỏi cửa chính tòa nhà là có thể nhìn thấy hai tấm bản đồ được gắn hai bên vòm trần. Đó là các tấm bản đồ lịch sử “Saigon et ses environs 1892” và “Lignes téléraphiques du Sud Vietnam et du Cambodge 1936”. Tại đây hiện có 38 quầy phục vụ khách hàng với đủ các dịch vụ bưu điện cùng mạng lưới điện báo rộng khắp đến các địa phương trong nước và các nước trên thế giới.
Khách du lịch đến thăm Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, một phần là để ngắm nét kiến trúc độc đáo của bưu điện này, phần khác là để được đắm mình vào một thế giới của sự cổ xưa, từ chiếc hòm bỏ thư, cho đến các quầy gọi điện thoại. Người ta cũng có thể nghỉ chân trên những chiếc ghế dài bằng gỗ đánh bóng véc-ni, mà tuổi đời dễ cũng cả trăm năm. Bên trong tòa nhà Bưu điện, ngỡ như thời gian đang trôi rất chậm, bởi ở bất kỳ góc nào, cũng có thể bắt gặp một thoáng Sài Gòn xưa
Trải qua hơn trăm năm tồn tại, tòa nhà Bưu điện Trung tâm Sài Gòn hiện vẫn là một công trình kiến trúc đẹp và ấn tượng. Tòa nhà Bưu điện Trung tâm Sài Gòn song hành cùng với Nhà thờ Đức Bà, làm thành cụm kiến trúc tương tác, tạo nên điểm nhấn độc đáo cho thành phố không chỉ khi công trình mới hình thành mà còn giá trị đến mãi tận ngày nay.